Nguyễn Trọng Bình
Ngày 23/5/2016, Tổng thống Hợp Chúng Quốc Huê Kỳ, Barack Obama đặt chân xuống Việt Nam mang theo thông điệp muốn làm bạn và hợp tác lâu dài vì quyền lợi của hai nước, hai dân tộc. Ở phương diện nào đó, có thể nói đây là cách chơi bài ngửa cực kỳ văn minh và chuyên nghiệp của người Mỹ không chỉ với chính quyền VN mà còn với chính quyền họ Tập đang ngày đêm nghe ngóng, rình rập. Thế nhưng, ở chiều ngược lại thì sao? Thông điệp Mỹ đã phát ra, thái độ Việt phản ứng lại như thế nào? Bài viết này là một vài cảm nhận chủ quan mang tính tham khảo của người viết.
1. “Ý đảng lòng dân”: trống đánh xuôi, kèn thổi ngược
Có lẽ, không cần so sánh với lần họ Tập sang thăm cách đây một năm. Chỉ cần so sánh với sự kiện trước khi Obama đến thăm một ngày là đủ biết.
Có thể thấy, mặc dù cả hệ thống đảng, chính quyền tốn không biết bao nhiêu tiền bạc, thời gian, công sức cho công tác cổ động, tuyên truyền nhưng dân chúng gần như chẳng mặn mà gì với chuyện bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp (22/5/2016). Chính xác hơn, ngoại trừ thành phần công chức (hoặc là bọn cơ hội hoặc là kẻ ngu trung trong bộ máy công quyền); những cụ già tuổi hưu trí muốn thể hiện sự gương mẫu cho con cháu noi theo thì hầu hết dân chúng đến các địa điểm bầu cử với tâm thế “trả nợ quỷ thần” để còn nhanh chóng về lo miếng cơm manh áo. Những mỹ từ như: “ngày hội non sông”, “niềm tin”, “nô nức”, “phấn khởi”,... chẳng qua chỉ là lời lẽ của bọn bồi bút bất lương. Hàng triệu đồng bào nông dân, ngư dân vẫn còn nghẹn ngào nuốt nước mắt vào trong vì ruộng đồng ngập mặn, biển chết cả tháng trời không thể ra khơi; hay hàng triệu công nhân đang lay lắt vạ vật qua ngày tại các khu công nghiệp trên khắp cả nước. Đó là chưa kể vô số những bà mẹ nghèo oằn lưng bên gánh hàng rong; một đội quân hủ tiếu gõ, hột gà nướng, bắp xào, cá viên chiên trên khắp các con phố tại các khu đô thị... Thử hỏi, tất cả những con người này làm gì có thời gian để mắt đến mấy chuyện bầu bán mà lâu nay họ đã nhận ra chẳng qua chỉ là một vỡ tuồng không hơn không kém; thậm chí có người còn không biết chữ thì làm sao mà đọc và nhận ra ông nào bất tài, bà nào thất đức qua mấy dòng tiểu sử tự sướng mà dám bảo là“toàn dân nô nức đi bầu”?
Thế nhưng, mọi chuyện đã hoàn toàn thay đổi ngay sau khi tổng thống Obama đặt chân xuống sân bay Nội Bài. Có lẽ, không chỉ Việt Tân mà đảng ta hẳn cũng rất bất ngờ về sự chào đón này của người dân khắp cả nước cả trên mạng internet lẫn ngoài thực địa. Đặc biệt, bất chấp nghị định 38/2005/NĐ-CP của chính quyền về việc tụ tập đông người mà không xin phép, dân chúng đủ mọi thành phần tại hai thành phố lớn cứ đổ ra đường chào đón vị tổng thống Huê Kỳ trong ngay ngắn, trật tự đến kỳ lạ. Hai sự kiện cách nhau có một đêm nhưng một lần nữa đã tố cáo và phơi bày sự thật: “ý đảng và lòng dân” giờ đây đang hoàn toàn cách xa nhau chứ không phải là một khối thống nhất như những cái lưỡi không xương vẫn cứ ra rả hàng ngày trên các phương tiện truyền thông. Mới biết, không có việc gì có thể qua mắt được nhân dân. Chẳng qua vì miếng cơm manh áo, hay vì chưa gặp điều kiện thuận lợi nên họ chưa bộc lộ ra thôi. Sự thật trong cuộc sống chỉ có một. Cho dù có tô vẽ, che đậy, ngụy tạo tinh vi đến mấy thì đến lúc nào đó cũng bị nhân dân “lật mặt”. Đây hiển nhiên cũng là một chân lý!
2. Đón khách không cười, nhân quyền giả trá, báo chí hư hỏng...
Không ai phủ nhận, có được bước tiến triển như hôm nay là một cố gắng, nỗ lực rất lớn để hòa giải từ cả hai phía. Đặc biệt là phía chủ nhà sau mấy mươi năm dài huênh hoang, thù địch. Đây là điều rất đáng trân trọng và cần được ghi nhận. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh “mình cần người hơn người cần mình” mà vẫn cố làm ra vẻ “ta đây”, không quan tâm đến cảm nhận của khách, nghĩ cho cùng vẫn là cách hành xử nông cạn nếu không muốn nói là thiếu khôn ngoan, không bản lĩnh của những người có trách nhiệm.
Trước hết, khách đến chơi, nói gì làm gì đều nở nụ cười thân thiện, gần gũi. Trong khi dân chúng nồng nhiệt, chào đón bằng tất cả tấm lòng thì người đại diện và trực tiếp bàn thảo các vấn đề trọng đại của đất nước nhìn mặt chẳng khác gì tối qua mới bị... vợ mắng (hay là bị “mất sổ gạo”)? Bệnh nghề nghiệp từ thời còn làm đại tướng công an (phải mang bộ mặt hình sự) hay vì gấp gáp quá nên chưa quen với vị trí mới? Thật không hiểu nổi. Mời bạn đến nhà chơi, bạn đến và hứa hỗ trợ, giúp đỡ vào TPP; bạn cam kết gỡ bỏ cấm vận bán vũ khí sát thương; bạn đọc thơ Thần, bạn nhắc lịch sử, văn hóa dân tộc từ thời hai Bà Trưng đến Phan Châu Trinh, Ngô Bảo Châu; bạn lẫy Kiều, lẫy ca từ Văn Cao, Trịnh Công Sơn... rất sâu sắc và ý nhị. Thế nhưng, trước sau nhau như một, vẫn kiên quyết không hé môi cười với bạn một cái thật rạng rỡ cho nó tương xứng. Chẳng lẽ ứng xử như vậy cũng được xem là phong cách và thái độ ngoại giao của người đứng đầu quốc gia ư?
Chưa hết, khách đến mang theo thông điệp cùng những tuyên bố, chia sẻ rất chân thành, thẳng thắn, không hề tránh né. Đặc biệt là những vấn đề liên quan đến tự do, dân chủ và nhân quyền. Đại khái, khách nói, tôi và người dân Mỹ thật sự muốn làm bạn và hợp tác lâu dài với các ông vì quyền lợi của nhân dân hai nước. Tôi cũng tôn trọng và không áp đặt chính quyền của các ông bất cứ điều gì. Nhưng các ông cũng nên nhớ một điều, nhân quyền là những giá trị mang tính phổ quát của nhân loại chứ không phải là chuyện được giải thích, vẽ vời một cách tùy tiện bởi một thể chế nào đó. Hơn nữa, chính các ông cũng đã thừa nhận điều ấy trong hiến pháp của mình thì các ông phải có trách nhiệm thực hiện và phụng sự cho những giá trị đó. Tôi tôn trọng thể chế của các ông cũng có nghĩa là tôn trọng nhân dân Việt Nam (giống như tôn trọng nhân dân Huê Kỳ của chúng tôi). Vì thế, tôi nghĩ không có lý do gì chính các ông lại chà đạp nhân dân, đồng bào mình nếu họ bày tỏ quan điểm và chính kiến của bản thân!? Hàng ngày tôi và chính phủ tôi cũng bị dân chúng chỉ trích đó thôi, nhưng nhờ vậy mà chúng tôi tiến bộ, ít mắc sai lầm hơn. Các ông nên biết như thế vì chỉ có những kẻ thiếu chân thành muốn duy trì sự độc tài mới cố tình ngụy biện và không thừa nhận nhân quyền là những giá trị mang tính phổ quát của nhân loại v.v và v.v...
Tinh thần chung là như thế nếu xét trên hai bình diện nghĩa hiển ngôn lẫn hàm ngôn của bài diễn văn tuyệt vời mà cả thế giới ai cũng biết. Thế nên lẽ ra, thông điệp ấy của người đứng đầu Nhà trắng cần được chuyển tải một cách trọn vẹn, khách quan và trung thực nhất đến toàn thể dân chúng. Vậy mà, không hiểu sao mấy trăm cơ quan truyền thông chính thống lại cắt xén đi đoạn quan trọng liên quan đến nhân quyền, ít nhiều đã vô tình làm sai lệch đi tinh thần chung của cả bài phát biểu?
Chưa hết, chương trình làm việc của ngài tổng thống có nói sẽ gặp gỡ những nhà hoạt động dân chủ trong nước; phía bạn cũng công bố mà vẫn cứ kiên định không có lấy một dòng nào phản ánh buổi làm việc ấy trên mặt báo. Đã vậy, nghe đâu còn ngăn chặn một số người đã được phía bạn gửi thư mời!?
Thử hỏi, có đáng hay không nếu chịu khó động não và biết cân nhắc chuyện nặng nhẹ trong hoàn cảnh cả thế giới đang hướng mắt về mình? Tại sao cả hệ thống chính quyền với không biết bao nhiêu là công cụ trong tay lại sợ một vài cá nhân mà suy cho cùng đó cũng là thần dân nước mình? Obama và chính quyền của ông ấy nào phải là con rối chỉ biết nghe và tin một chiều từ phía nào đó để ra quyết sách? Những chuyện đàng hoàng, nghiêm túc liên quan đến uy tín và thể diện quốc gia, dân tộc thì dè dặt, hiếm khi bàn luận cho ra lẽ; ngược lại, mấy chuyện vặt vãnh, bên lề thì sốt sắng, tía lia. Lật trang báo nào, mở trang mạng nào cũng toàn thấy những tin “tào lao mía lao” đến mức trơ trẽn: “cô gái tặng hoa cho Tổng thống nói gì?”, “tay Obama ấm lắm”; hoa hậu hủy chuyến ra nước ngoài để gặp Tổng thống; sự thật về chuyện Obama ăn hai suất bún chả... (cũng may là lần này ông ấy không thèm nếm giọt nước hay cọng phở nào).
Người đời nói “thật thà là cha quỷ quái”! Thử hỏi, làm gì có thứ tình bạn nào sâu đậm bền lâu nếu bản thân mình thiếu chân thành và không tôn trọng đối phương ngay trong lúc bàn chuyện? Một sự kiện quan trọng cả hành tinh đều dõi theo đưa tin, tìm hiểu; và sự thật thì rành rành ra đó mà cứ né tránh, giấu giếm. Đã không đủ dũng khí để chơi bài ngửa thì ít ra phải hiểu sức mạnh của dư luận truyền thông trong thời đại kỹ thuật số chứ. Cứ mù quáng hành xử theo thói quen, cái gì có lợi cho mình thì lu loa lên, tô vẽ thêm; ngược lại là đổ hết cho “các thế lực thù địch” nào đó thì làm sao nhân dân tin tưởng và ủng hộ? Mà như thế thì có khác gì tự bôi tro trát trấu vào mặt mình; có khác gì đang tiếp tay làm cho cả một nền báo chí ngày một trở nên hư hỏng, bệ rạc. Số ít những nhà báo có lòng tự trọng và biết trăn trở khi đối diện với sự thật thì trở thành con rối, bài vở viết xong phải ngậm ngùi đút vào ngăn kéo; số đông còn lại thì tha hóa trở thành bồi bút lúc nào không hay! “Cơ quan quyền lực thứ tư” gì mà chỉ rặt một bọn xu nịnh, bợ đỡ, lá cải, sống chết mặc dân, xem chuyện quốc dân, quốc thể chẳng hơn mấy đồng nhuận bút...?
3. Lời cuối: tương lai nào, kịch bản nào?
Cười hay không cười, vui hay không vui, mừng hay không mừng trong hoàn cảnh hôm nay, nói cho cùng cũng là một thái độ lựa chọn. Có thể nói, tổng thống Huê Kỳ đến và đi trong vỏn vẹn có hai ngày ngắn ngủi, nhưng lạ thay, dân chúng nước Việt từ trong tâm thức như những đứa trẻ, tất thảy đều chạy nhanh ra cửa mừng“má đi chợ về”! Tuy nhiên, những người suốt ngày miệng cứ ra rả mấy câu văn mẫu: “có nhân dân là có tất cả”; “đầy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”; hay“Nhà nước này của dân, do dân, vì dân”, “phải biết lấy dân làm gốc”... thì tâm trạng và thái độ có vẻ như hoàn toàn ngược lại. Đây là sự thật cả thế giới ai cũng nhìn thấy. Thế nên, đến thời điểm này có thể nói, tinh thần và thái độ người Việt trong khi tiếp nhận thông điệp mà tổng thống Obama mang sang VN lần này thông qua câu Kiều:“Rằng trăm năm cũng từ đây/Của tin gọi một chút này làm ghi”đang có sự phân cực rất rõ ràng: đảng ờ hờ, dân mở hội; đảng chiếu lệ, dân nhiệt thành!?
Vì thế, tương lai đất nước này, dân tộc này sẽ về đâu; có sáng sủa không, kịch bản nào sẽ xảy ra... xem chừng rất khó mà đoán định. Một sự chân thành, lắng nghe và làm theo ý chí nguyện vọng nhân dân của lãnh đạo và chính quyền để đất nước có một sự chuyển giao nhẹ nhàng êm ấm như Myanmar? Hay ngược lại, thiếu chân thành, bảo thủ cho rằng chỉ có mình mới vĩ đại, mới tài tình sáng suốt; tiếp tục bưng tai giả điếc bất chấp ý chí và nguyện vọng của nhân dân để rồi một ngày nào đó nhân dân chịu hết xiết phải vùng lên và “lật thuyền”; đất nước khi ấy lại chìm vào binh đao, lửa đạn, biên giới, chủ quyền biển Đông rơi hết vào tay giặc Tàu? Chao ôi, nghĩ đến đây, bỗng nhớ đến mấy câu thơ của Chế Lan Viên năm nào:
“Chạnh thương cô Kiều như đời dân tộc
Sắc tài sao mà lại lắm truân chuyên
Cành xuân phải trao tay khi nước mất
Cỏ bên trời xanh một sắc Đạm Tiên”
Không biết cố nhà thơ khi ấy nghĩ gì mà nỡ nào mang cả dân tộc ra so sánh với không chỉ một mà đến hai cô... gái điếm!?
Ngẫm lại chuyện xưa, soi xét chuyện nay mà thấy đau lòng! Quả là chua xót thay cho dân tộc tôi, Tổ quốc tôi!
CT, 30/5/2016
N.T.B
Cơn sốt Obama và Tâm thức Người Việt
Nguyễn Quang Dy
Cuối cùng thì Tổng thống Barack Obama đã đến thăm Việt Nam (23-25/5/2016), sau khi kế hoạch thăm bị hoãn vào cuối năm ngoái. Tuy việc hoãn gây “hồi hộp” (suspense), nhưng điều đáng mừng là chuyến thăm đã thành công hơn cả mong đợi. Thay vì “Muộn còn hơn không” (better late than never), Obama nói ông “dành điều hay nhất cho sau cùng” (Save the best for the last). Nhưng có người lại nói, “điều hay nhất vẫn còn chưa đến” (the best is yet to come). Như một vở bi hài kịch, chuyến thăm muộn màng càng hấp dẫn và đầy kịch tính, với một chút bất ngờ và bí ẩn, đã làm sống lại “Cơn sốt Obama” (Obamania), và làm bộc lộ tâm thức phức tạp của người Việt, với những dư chấn và ẩn số cần tiếp tục giải mã.
Cơn sốt “Obamania”
Nếu cho điểm, chắc Barack Obama sẽ được điểm cao (ngang với Bill Clinton). Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên, vì cả hai tổng thống Mỹ đều có tài hùng biện và năng lực truyền thông, lại có đội ngũ cố vấn và trợ lý tài giỏi phục vụ. Lần này đi cùng Obama còn có một nhân vật nổi tiếng của CNN là Anthony Bourdain, dẫn chương trình “Những miền đất lạ” (Parts Unknown). Chương trình “Parts Unknown” đã trở thành một điểm nhấn ẩn dụ cho chuyến thăm Việt Nam của Obama. Có lẽ sự kiện “Bún chả Thượng đỉnh” là một thành công bất ngờ của Nhà trắng (và CNN) bên cạnh tuyên bố bỏ cấm vận vũ khí đầy kịch tính. Đúng là người Mỹ thực dụng, kết hợp một công đôi việc, “vẹn cả đôi đường”.
Sự kiện “Obama ăn Bún chả” trên phố Lê Văn Hưu còn hấp dẫn hơn sự kiện gia đình Clinton mua sắm trên phố Hàng Gai (năm 2000). Hình ảnh tổng thống Obama giản dị, thân mật, dễ gần, đã tạo ra cơn sốt “Obamania”. Bên cạnh tuyên bố bỏ cấm vận vũ khí vào thời điểm “nhạy cảm” tại Biển Đông trong hai tháng tới (như TNS McCain đã cảnh báo), Obama nổi bật lên như một ngôi sao truyền thông trong chương trình “Parts Unknown” (mà CNN sắp tới sẽ phát). Đối với Việt Nam, hình ảnh đúp đắt hàng của Obama gắn liền với hai vấn đề “nhạy cảm” là “Cam Ranh và Nhân quyền”, vừa là điều kiện vừa là hệ quả của bỏ cấm vận vũ khí. Điều đáng nói là luật chơi “đổi nhân quyền lấy vũ khí” đã thay đổi (vì hết tác dụng).
Bỏ cấm vận vũ khí cho Việt Nam là bước khởi đầu (prelude) để đột phá (breakthrough) cho quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, góp phần tái cân bằng lực lượng tại Biển Đông. Người Mỹ không bao giờ bỏ mục tiêu nhân quyền, nhưng lúc này chắc họ cần ưu tiên mục tiêu chiến lược trước. Có thể nói đây là sách lược “lùi một bước để tiến hai bước”, nhằm khuyến khích Hà Nội “tham dự tích cực” (constructive engagement) với hai đòn bẩy chính là TPP và hợp tác quốc phòng theo tầm nhìn chung, để từng bước “thoát Trung”.
Tiến bộ về nhân quyền tại Việt Nam luôn phụ thuộc vào tiến bộ về “thoát Trung”. Nếu không “thoát Trung” thì những tiến bộ nhỏ giọt về nhân quyền, như thả một vàì tù chính trị để đánh đổi lấy một cái gì đó sẽ chỉ như trò chơi “mèo vờn chuột”, để đối phó tình huống chứ không thể bền vững. Vì vậy, muốn đổi mới cơ bản và bền vững, thái độ đối với vấn đề nhân quyền và dân chủ phải dựa trên xây dựng lòng tin chiến lược và hợp tác chiến lược. Xét theo tinh thần đó thì quyết định bỏ cấm vận vũ khí của Obama có ý nghĩa chiến lược.
Tâm thức bất an
Khác với thái độ vui vẻ, giản dị, thân thiện, đầy tự tin của Obama, thái độ của lãnh đạo Việt Nam hầu như lạnh lùng, vô cảm, đầy căng thẳng như đang lo lắng về điều gì đó bất an. Đây không phải chỉ là sự khác biệt về dân trí và văn hóa ứng xử, mà còn do tâm thức và não trạng của họ lúc này. Hình như có điều gì đó bất an đang diễn ra đằng sau hậu trường, mà hầu hết khán giả không biết rõ. Nếu có, chắc chắn phải liên quan đến ông bạn “láng giềng lạ”. Tuy Hà Nội rất muốn Washington bỏ cấm vận vũ khí, nhưng lại sợ Bắc Kinh nổi giận phản ứng, nên có lẽ Mỹ-Việt buộc phải phối hợp diễn một cách miễn cưỡng.
Có mấy hiện tượng bất thường dễ thấy:
Thứ nhất, an ninh Mỹ có nhiều dấu hiệu đề phòng đặc biệt, còn hơn cả đối phó với nguy cơ khủng bố của IS. Ngày giờ đến thăm “chính thức”của Obama không được ấn định trước (như đón các nguyên thủ khác) mà thay đổi liên tục (chỉ có “dự kiến”). Giờ hạ cánh của Air Force One được giữ bí mật tuyệt đối, đến phút chót mới thông báo (sớm hơn 2 giờ so với “dự kiến”), đến vào lúc gần nửa đêm một cách bí ẩn. Thủ tục đón tiếp tại sân bay rất sơ sài, chẳng có lãnh đạo nào trên cấp thứ trưởng ra đón. Công tác đảm bảo an ninh tại khách sạn cũng như những nơi đoàn đến được bố trí vô cùng chặt chẽ. Phải chăng họ biết có vấn đề gì đó mà chúng ta không biết? Hoặc là để tránh làm “phật lòng” ông bạn “láng giềng lạ”, hoặc là có nguy cơ về an ninh nên phải đề phòng tối đa, để đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Thứ hai, lễ tân cũng có nhiều điểm bất thường. Mặc dù Obama thăm Việt nam “chính thức”, nhưng thủ tục lễ tân sơ sài khác hẳn với lễ đón “sang trọng” khi CTN Trương Tấn Sang và TBT Nguyễn Phú Trọng đến thăm Washington. Không có 21 phát đại bác chào mừng (như đón các nguyên thủ khác). Obama không được mời đến Quốc Hội (như đồn đoán) để đọc diễn văn (như Tập Cận Bình). Tại sao lại phải khiêm nhường như vậy, trong khi Obama là nguyên thủ của siêu cường đứng đầu thế giới mà Việt Nam đang tranh thủ? Có điều gì đó không logic. Tuy nhiên, phía Mỹ không “phật lòng” mà còn hợp tác “chiều” Việt nam, như để phối hợp đối phó với một vấn đề gì đó rất nhạy cảm liên quan đến ông bạn “láng giềng lạ”.
Thứ ba, thái độ các bên cũng rất bất thường. Trước và trong khi Obama thăm Việt Nam, thái độ Trung Quốc tỏ ra khá mềm mỏng, “vui mừng” trước chuyến thăm của Obama. Nhưng sau khi Obama “đơn phương” tuyên bố bỏ cấm vận vũ khí, thì thái độ Trung Quốc thay đổi hẳn, phản ứng ra mặt. Trong khi đó, thái độ của lãnh đạo Việt Nam khi đón Obama không những sơ sài mà còn tỏ ra lạnh lùng như miễn cưỡng, thậm chí hơi lo lắng và căng thẳng (không biết là thật hay diễn). Phải chăng phía Việt Nam lo ngại phía Trung Quốc sẽ nổi giận trả đũa, nên phải làm như mọi chuyện là do phía Mỹ “đơn phương” bầy đặt ra, chứ không phải do phía Việt Nam chủ động muốn thế. Tóm lại Là “vừa đ… vừa run”.
Thứ tư, vấn đề nhân quyền cũng khá phản cảm. Trong chương trình, Obama sẽ gặp đại diện các nhóm nhân quyền và xã hội dân sự. Nhưng kết quả chí có 6 người đến dự (trong tổng số 15 người được mời). Hầu hết những người không đến được là do an ninh ngăn cản bằng nhiều cách. Trong khi báo chí mạng và truyền thông xã hội lên cơn sốt “Obamania”, thì báo chí nhà nước đưa tin sơ sài, thậm chí cố ý dịch sai lạc nội dung và cắt xén hẳn một số đoạn “nhạy cảm” nói về nhân quyền trong diễn văn của Tổng thống Obama. Đây là một cách ứng xử lạc hậu, thiếu chuyên nghiệp và thiếu văn hóa, gây phản cảm. Trong thời đại Internet với truyền thông trực tuyến kỹ thuật số, thì cách “kiểm duyệt” thô thiển đó không thể bưng bít được thông tin và không thể đánh lừa được ai, mà còn phản tác dụng.
Thứ năm, thái độ người dân đón Barack Obama cũng phấn khích như đón Bill Clinton trước đây. Một phần là do tác phong giản dị, thân mật và gần gũi của Obama đã cuốn hút họ (do truyền thông và quan hệ công chúng làm tốt). Mặt khác, do tâm lý sính ngoại và thích Mỹ của đa số người Việt. Theo khảo sát của Viện nghiên cứu Pew, có 78% người Việt thích Mỹ, cao hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực. Người Việt ngày càng thất vọng và mất lòng tin vào thể chế trong nước, nên lại càng có tâm lý dựa vào nước ngoài (cả kinh tế lẫn chính trị). Trước đây trong chiến tranh, người Miền Nam đã dựa vào Mỹ, người Miền Bắc dựa vào Trung Quốc hoặc Liên Xô (với tư duy “đã có Liên Xô lo”). Nay người Việt lại muốn dựa vào Mỹ (cũng như dựa vào Trung Quốc). Tuy Obama tỏ ra rất thân thiện, nhưng không muốn can thiệp vào nội bộ Việt Nam, mà khuyến khích người Việt tự lực tự cường. Đã đến lúc người Việt phải hòa giải với nhau, để chung tay chấn hưng đất nước. Nếu “không chịu phát triển”, cứ phân hóa, ném đá và chửi nhau về những cái không đáng, thì chắc Mỹ cũng chịu.
Khẩn cấp: Mayday!
Đối với Mỹ, trong giai đoạn “hậu Obama” (từ 2017), khi tổng thống mới có thể là bà Hillary Clinton (có nhiều khả năng) hoặc ông Donald Trump, thì câu chuyện TPP và vấn đề Biển Đông chưa biết kết cục sẽ ra sao. Hầu hết người Châu Á (trừ Trung Quốc) đều mong bà Hillary thắng cử, mặc dù mức độ cam kết của bà ấy đối với TPP và xoay trục không còn như trước. Nhưng Donald Trump mà thắng cử thì có thể là thảm họa. Hãy tận dụng tối đa thời gian còn lại của chính quyền Obama, để tạo ra dòng chảy đối tác chiến lược.
Đối với Việt Nam, Mỹ đã bỏ cấm vận Vũ khí, nên cánh cửa hợp tác quốc phòng đã rộng mở, quả bóng đang trong sân Việt Nam. Ngoài TPP (là chuyện đã rồi) còn hai vấn đề chưa ngã ngũ mà Việt Nam phải sớm khẳng định hướng hợp tác với Mỹ là vấn đề nhân quyền và quy chế sử dụng căn cứ Cam Ranh. Đó là hai vấn đề quan trọng nhất. Còn Việt Nam định mua vũ khí gì, định tham gia huấn luyện và tập trận thế nào, là vấn đề kỹ thuật cụ thể. Triển khai quan hệ đối tác chiến lược (trên thực tế) nhanh hay chậm, nông hay sâu, chủ yếu là do phía Việt Nam. Chính Obama đã nhấn mạnh đến yếu tố nội lực và thiện chí.
Tháng năm đánh dấu hai bước ngoặt mới: Một là Obama sang thăm Việt Nam, với món quà bỏ cấm vận vũ khí. Hai là, nay Obama đã thăm và về rồi thì chính phủ phải công bố kết luận về thảm họa môi trường tại Vũng Áng. Đây là vấn đề cấp bách, không nên kéo dài thêm nữa, vì nó liên quan đến môi trường sống và quyền sống của con người, mà Mỹ và Việt nam có thể hợp tác để khắc phục hậu quả (cũng như về đồng bằng sông Me Kong).
Tháng năm hoa phượng đỏ rực các tuyến đường, nhưng “Hà Nội hè này vắng tiếng ve kêu!” như một dấu hiệu bất thường về thay đổi khí hậu. Tại sao loài ve sầu bé nhỏ đã sống sót qua nhiều triệu năm trên mặt đất cũng đang lặng lẽ ra đi (như con người)?
NQD. 30/5/2016
Các tác giả gửi cho viet-studies ngảy 30-5-16
Vũ Thất
No comments:
Post a Comment