Cựu Đại sứ Lê Văn Bàng: Mỹ có thể giúp cân bằng lực lượng Biển Đông
VietTimes -- Đưa cho mọi người xem những tấm poster, giữa hai lá cờ Mỹ-Việt là câu: “Quân đội Mỹ là bạn ta/ Cứu phi công Mỹ mới là Việt Minh”, ông McGovern, cha đẻ của IDG nói: “Chúng ta đã từng là đồng minh của nhau trong chiến tranh chống phát xít sao nay không thể là đồng minh trong hợp tác xây dựng”.
Cân bằng lực lượng ở Biển Đông
Thưa ông, là nhà ngoại giao làm việc nhiều năm với người Mỹ, vậy ông hình dung như thế nào về nước Mỹ?
- Tuần trước tôi có nói chuyện với ngài Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. Trước đó nữa, tôi có dịp ăn trưa với Bộ trưởng an ninh nội địa Mỹ. Nội dung cuộc trò chuyện của chúng tôi, thật tình cờ, lại cũng xoay quanh vấn đề nhìn nhận về nước Mỹ như thế nào.
Tôi có thể nói thế này: Hoa Kỳ là quốc gia có khả năng điều chỉnh chiến lược tốt nhất theo xu thế thời đại. Thời kỳ chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ gồng mình chống chọi lại Liên Xô, rồi Trung Quốc và sau đó là hệ thống các nước XHCN và sa lầy chiến tranh Việt Nam. Đó là thời kỳ Mỹ gặp rất nhiều khó khăn. Họ ở thế yếu. Tuy nhiên, sau đó Mỹ điều chỉnh chiến lược, rút khỏi chiến tranh Việt Nam, liên kết với Trung Quốc để chống lại Liên Xô. Mỹ chuyển từ bị động sang chủ động. Liên Xô rơi vào khó khăn, rồi sụp đổ và kéo theo sự sụp đổ của cả hệ thống XHCN. Mỹ trở thành siêu cường số 1 thế giới.
Vậy hiện nay vai trò của Mỹ như thế nào trên thế giới, thưa ông?
- Tôi có cảm giác nước Mỹ hiện đang ở vào tình thế như những năm 1950-1960 của thế kỷ XX, nghĩa là giai đoạn đầu của thời kỳ chiến tranh lạnh. Tại sao lại nói thế?
Vì hiện nay Mỹ đang phải đối đầu với Nga và Trung Quốc. Hai nước lớn này hiện đang hợp tác với nhau để đối đầu với Mỹ. Nga có vũ khí hạt nhân. Trung Quốc đòi chia lại trật tự thế giới, bành trướng ở Biển Đông. Ngoài ra, Mỹ còn bị vướng ở Trung Đông và Tây Á. Rồi còn phải đối phó với hàng loạt các vấn đề khác nữa như vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, Iran. Vì vậy, nhìn Mỹ hiện nay, tôi cho rằng Mỹ đang gặp không ít khó khăn do đang phải căng mình ra đối phó với những vấn đề mà tôi vừa nêu.
Phân tích như vậy để thấy, Mỹ đang có một nhu cầu tập hợp lực lượng để cân bằng sự thách thức nhiều mặt mà Mỹ đang phải gánh chịu. Nhưng tôi tin rằng Mỹ đủ khả năng để điều chỉnh chiến lược của mình.
Từ phân tích như vậy chúng ta có thể thấy Mỹ cũng đang rất cần thúc đẩy quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam để hình thành liên minh đối chọi với sự bành trướng đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông?
- Nếu nhìn lại toàn bộ mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ chúng ta sẽ thấy một sự biến thiên khá thú vị. Những năm 1945-1946, Việt Nam và Hoa Kỳ là đồng minh của nhau. Mỹ đã huấn luyện cho bộ đội của Cụ Hồ Chí Minh. Nhiều người trong số chúng ta chắc còn nhớ, năm 2005, trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phan Văn Khải, ông Pat McGovern, người sáng lập Tập đoàn IDG, khi đọc diễn văn chiêu đãi ông Khải, đã trưng ra một bằng chứng lịch sử để nói lên mối quan hệ khăng khít giữa hai nước. Đó là tấm bích chương (poster), họa bản của tờ báo Độc lập của Bác Hồ, xuất bản trên chiến khu Việt Bắc tháng 7 năm 1945. Trên đó vẽ có tô màu lá cờ của Hoa Kỳ và lá cờ đỏ sao vàng (khi ấy mới là cờ của Việt Minh).
Cùng với đó là 8 bức tranh liên hoàn hướng dẫn cách cứu tù binh Mỹ. Nằm giữa hai lá cờ có câu thơ “Quân đội Mỹ là bạn ta/ Cứu phi công Mỹ mới là Việt Minh”. Sau khi cho mọi người xem ông McGovern nói: “Chúng ta đã từng là đồng minh của nhau trong chiến tranh chống phát xít sao nay không thể là đồng minh của nhau trong hợp tác xây dựng”. Tôi nghĩ, nếu bây giờ mà nói lại thế nào ông McGovern cũng thêm vào sau cụm từ “… hợp tác xây dựng” sẽ là “và chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Tuy nhiên, khi chiến tranh lạnh xuất hiện, Mỹ không tiếp tục chính sách đồng minh nữa mà thực hiện chính sách cô lập Việt Nam và sau đó là đem quân xâm lược Việt nam và hai bên trở thành kẻ thù của nhau. Sau chiến tranh, hai nước lại thúc đẩy quan hệ. Người Mỹ có lần nói với tôi, rằng quan hệ với Việt Nam là để cùng nhau kiềm chế Trung Quốc, cân bằng lực lượng ở Biển Đông.
Ai là người giúp Việt Nam hiệu quả nhất?
Là đại sứ lâu năm (9 năm) tại Hoa Kỳ, từng tiếp xúc với nhiều giới chức Mỹ, có bao giờ giới nghiên cứu hay giới chính trị Mỹ “lấy làm tiếc” rằng Hoa Kỳ và Việt Nam đã không giữ được mối quan hệ đồng minh?
- Người Mỹ hết sức thực dụng. Họ làm mọi việc đều xuất phát từ lợi ích quốc gia. Mọi sự xoay trục chiến lược trên thế giới nói chung và khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng, đều vì lợi ích của họ cả. Cái đó là xuyên suốt. Chiến tranh Thế giới thứ 2 Mỹ liên minh với Liên Xô chống Nhật, chống phát xít Đức. Sau đó, Mỹ lại thiết lập quan hệ đồng minh với Nhật, với Đức để chống lại Liên Xô, chống lại sự bành trướng của Trung Quốc.
Vì vậy mới có chuyện lúc thì Mỹ liên minh với người này chống người kia. Có lúc lại liên minh với người kia để kiềm tỏa người này. Tất cả các mối quan hệ đó đều phục vụ cho lợi ích của nước Mỹ. Phục vụ sự hiện diện của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương.
Thế còn Việt Nam chúng ta thì sao, thưa ông?
- Thế còn Việt Nam thì sao? Tại sao có lúc chúng ta là đồng minh của Mỹ, có lúc lại đánh Mỹ? Bây giờ tại sao lại muốn quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ?... Đó là những câu hỏi mà tôi đã được không ít người hỏi chứ không phải bây giờ các bạn mới hỏi đâu.
Đối với Việt Nam cũng có một vấn đề xuyên suốt: đó là độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Từ 1945 đến nay chúng ta làm là vì cái đó. Có câu chuyện phát triển kinh tế nữa, nhưng chủ yếu là chủ quyền, là lãnh thổ. Vì vậy, chúng ta cũng phải tập hợp lực lượng để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ hòa bình và phát triển kinh tế.
Vậy trong tất cả các đối tác đặc biệt, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, thì ai là người có thể giúp chúng ta hữu hiệu nhất trong việc phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc gia, thưa ông?
- Có lẽ chỉ có Mỹ là đáp ứng được. Chứ còn “ông” Nga thì chỉ bán cho chúng ta được vũ khí thôi, chứ nhìn đấy, vừa qua ông Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu là “không nên quốc tế hóa Biển Đông”. Tự nhiên ông ấy dội một gáo nước lạnh vào tình cảm của người Việt Nam. Thế còn Trung Quốc thì chúng ta biết rồi, miệng thì rất là hữu hảo, nhưng lúc nào cũng tìm mọi cách xâm chiếm lãnh thổ của chúng ta. Còn Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ rất tốt với ta, nhưng họ là những nước tiềm lực cũng có hạn.
Khi rời nước Mỹ sau 9 năm là Đại sứ ông có nghĩ rằng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lại có thể phát triển nhanh chóng như vậy không?
- Cách đây khoảng 10-15 năm, khi tôi nói chuyện với một số chính trị gia Mỹ, họ nói rằng một ngày nào đó Mỹ và Việt Nam sẽ có quan hệ chiến lược. Lúc đó tôi ngạc nhiên, tôi bảo: “Ông nói lại đi xem nào! Các ông bây giờ vào Việt Nam chúng tôi còn ghét các ông lắm, chiến lược cái gì”. Đấy, lúc đó các nhà lãnh đạo Mỹ, kể cả ông Đại sứ đầu tiên của Mỹ tại Việt Nam Pete Peterson, đã nói thế. Thế thì ở đằng sau câu nói ấy, họ đã nhìn thấy trước vấn đề rồi. Lý luận của họ là “đến một ngày nào đó vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của “các anh” sẽ bị Trung Quốc đe dọa và lúc đó “các anh” sẽ cần tới chúng tôi thôi. Đến lúc đó quan hệ nó sẽ được nâng lên ở tầm chiến lược”.
Họ là nước lớn, họ có tầm nhìn chiến lược. Mình nhiều khi còn cảm tính lắm.
Đồng minh chiến lược: Đến lúc cần sẽ tự có!
Khi bàn về quan hệ Việt - Mỹ chúng tôi thường đặt ra câu hỏi cho các chính khách, các nhà ngoại giao Việt Nam là liệu Việt Nam và Hoa Kỳ có thể nâng quan hệ lên thành đồng minh chiến lược như kiểu Mỹ - Nhật, hay Mỹ - Hàn được không. Vậy còn ông, ông trả lời thế nào?
-Theo tôi thì quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam ở mức độ nào là tùy thuộc vào tình hình thực tế. Vấn đề “đồng minh chiến lược” sẽ được quyết định khi mà quyền lợi của hai nước bắt buộc. Bây giờ tôi giả sử là có sự đe dọa chiến tranh đối với Việt Nam ở biển, đảo hoặc trên đất liền thì lúc đó Việt Nam phải tính toán: “Để ngăn chặn thảm họa này chúng ta phải làm gì?”. Đấy, những lúc như thế thì có thể quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ nâng lên mức cần thiết nhất. Còn tình thế chưa đến mức như thế thì nó chưa thể nâng lên được. Hiện tại thì chưa thể nói Mỹ và Việt Nam khi nào có thể trở thành đồng minh chiến lược được. Thế nhưng tình thế bắt buộc thì nó sẽ hình thành thôi.
Tình thế như vậy theo tôi là chưa xảy ra và khó xảy ra. Vì bên cạnh việc hợp tác với Hoa Kỳ đang ngày càng được nâng lên thì bản thân chúng ta cũng đang cố gắng cải thiện quan hệ với các đối tác đang chống lại chúng ta để làm cho tình hình bớt căng thẳng đi, hết đe dọa đi. Cho nên đây là nghệ thuật tập hợp lực lượng để cân bằng lực lượng và cuối cùng là giữ vững mục tiêu độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và phát triển được đảm bảo.
Ông Lê Văn Bàng (bên trái) trao đổi với các nhà báo của VietTimes tại tư gia.
Cần vượt qua hội chứng Mỹ trong lòng người Việt!
Ông là người góp phần không nhỏ vào việc gây dựng nên mối bang giao Việt Nam - Hoa Kỳ từ những ngày đầu tiên khi hai nước đi tới bình thường hóa quan hệ. Theo ông thì sự khác nhau về thể chế chính trị hiện có còn là trở ngại lớn trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ không?
- Như tôi đã nói, người Mỹ rất thực dụng. Khi cần tập hợp lực lượng thì họ không quan tâm lắm đến sự khác biệt về thể chế chính trị. Sadam Hussen là do Mỹ dựng nên. IS bây giờ người ta nói cũng là do Mỹ dựng nên. Họ làm thế để làm gì? Để tập hợp lực lượng.
Mỹ mời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Mỹ để làm gì? Vâng, họ cũng đã từng hỏi tôi: “Ông có biết chúng tôi mời ông Trọng sang thăm Mỹ để làm gì không?”. Tôi nói về tầm chiến lược. Họ bảo: “Chúng tôi mời ông Trọng sang là để xây dựng lòng tin. Các ông vẫn chưa tin chúng tôi. Chúng tôi mời ông Tổng Bí thư sang là để nói, rằng chúng tôi không phân biệt thể chế chính trị, chúng tôi chấp nhận thể chế của các ông. Qua đó để các ông thấy được lòng tin của chúng tôi”.
Vì vậy, trả lời câu hỏi của anh, tôi nói rằng thể chế chính trị có ảnh hưởng đến quan hệ hai nước, nhưng không phải là cản trở lớn. Thậm chí ngay cả với Trung Quốc cũng vậy thôi. Từng có lúc Mỹ quan hệ rất thân thiết như hồi năm 1972, khi Nixon sang thăm Trung Quốc đấy thôi. Lúc ấy Trung Quốc vẫn là CNXH, vẫn là Đảng cộng sản lãnh đạo như bây giờ. Nhưng Mỹ vẫn “chơi thân” với Trung Quốc, bởi vì họ có cùng mục tiêu là liên minh để chống lại Liên Xô.
Ví dụ như ở châu Âu. “Ông” Mỹ kêu ầm lên về vấn đề Ukraine, nhưng “ông” Pháp, “ông” Đức lại khác. Quyền lợi khác nhau thì họ phản ứng khác nhau. Vì vậy, nói cho cũng, dù là đồng minh chiến lược đi chăng nữa, nhưng vì quyền lợi của họ lớn quá họ phải tính chứ. Nói không đâu xa, ai thân với nhau hơn được Mỹ và Israel. Thậm chí đến mức bỏ phiếu gì đi nữa ở LHQ thì họ cũng cùng quan điểm, thậm chí có lúc cả LHQ bỏ phiếu thuận, nhưng Mỹ và Israel vẫn phiếu chống. Nhưng có những lúc Thủ tướng Israel sang Mỹ, Tổng thống Mỹ không đón. Đấy là tôi nói những đồng minh thân cận nhất, chứ còn những anh xa xa thì không nói làm gì.
Còn vấn đề nhân quyền ảnh hưởng đến quan hệ hai nước ra sao, thưa ông?
- Bản thân nhân quyền là vấn đề nội tại của chính nước Mỹ. Có 2 Đảng, Dân chủ và Cộng hòa. Cộng hòa đại diện người giàu; Dân chủ đại diện cho trung lưu, người nghèo, người nhập cư, là những người cần có tự do dân chủ để để có lối vươn lên . Vì vậy “con bài” của phái Dân chủ là nhân quyền, tự do, dân chủ. “Con bài” của phái Cộng hòa thì chủ yếu là tôn giáo. Đó là vấn đề thâm căn cố đế của họ rồi. Còn trong quan hệ quốc tế, vì nhiều lý do khác nhau, họ đưa nhân quyền tôn giáo ra để làm đòn bẩy. Nhưng trong quan hệ với Việt Nam họ có làm căng để ảnh hưởng chiến lược không? Theo tôi là không. Vì vậy, ai đó cứ nói Mỹ dùng vấn đề nhân quyền để cố tình lật đổ thể chế của chúng ta, vì thế chúng ta không nên chơi với Mỹ. Không phải vậy. Tôi đi đối thoại nhân quyền với họ rất nhiều lần rồi. Đôi khi tôi cũng bực lắm. Tuy nhiên Mỹ đòi hỏi vấn đề nhân quyền cũng là vì câu chuyện nội bộ của họ nữa. Họ không làm thì sẽ bị lực lượng khác phê phán, thậm chí Quốc hội chất vấn.
Theo ông, có còn vấn đề gì hiện nay có thể ảnh hưởng đến mối bang giao Việt - Mỹ mà chúng ta cần phải vượt qua không?
- Đó là “Hội chứng Mỹ” trong lòng Việt Nam. Chúng ta đã từng giúp rất nhiều để người Mỹ thoát khỏi “hội chứng chiến tranh Việt Nam” trong người Mỹ, nhưng bản thân chúng ta lại chưa thoát được “hội chứng Mỹ”. Mình đã làm rất nhiều việc quá mềm mỏng, quá nhẫn nại, quá cố gắng. Trong vụ tìm kiếm POW/MIA chẳng hạn. Nắng nôi như thế mà dân mình đội nón suốt ngày đi đào bới. Để tỏ thiện chí chúng ta đã cho người Mỹ xuống dưới hầm Lăng Bác Hồ (năm 1991) để kiểm tra xem chúng ta có còn giấu tù binh Mỹ dưới đó không. Họ về Mỹ báo cáo với Quốc hội của họ rằng như thế là Việt Nam đã chịu nhún nhường rồi, đã làm hết sức rồi.
Ngược lại, Việt Nam đã vượt qua hội chứng Mỹ chưa? Vẫn còn có người chưa vượt qua được. Sự hận thù của không ít người Việt sau chiến tranh còn nặng nề lắm. Ngay như tôi đây thôi, đã từng tham gia chiến đấu, được giao nhiệm vụ làm ngoại giao để thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ, nhưng ở đâu đó trong sâu thẳm vẫn có chút thâm thù với người Mỹ. Đó là chưa nói đến những người đã bỏ lại một phần thân thể nơi chiến trận, những người mất đi cha, mẹ, con cái vì chiến tranh. Trong chốc lát chưa thể nguôi ngoai hết được.
Vì lẽ đó, cũng có một bộ phận người Việt cho rằng quan hệ với Mỹ phải hết sức cảnh giác vì Mỹ luôn tìm mọi cách lật đổ chế độ. Rồi thì còn có chuyện phê phán Mỹ thì dễ, nhưng khen ngợi Mỹ thì coi chừng. Những người làm việc với Mỹ, tiếp xúc nhiều với Mỹ thường bị tổ chức dè chừng…
Đấy, tất cả những cái đó đều là “hội chứng Mỹ”. Chúng ta phải từng bước vượt qua nó để quan hệ hai nước trở nên thực chất hơn.
Xin cám ơn ông!
Hải Văn - Lê Thọ Bình
nguồn:http://viettimes.vn/
Thói quen “qua mặt” Nhân Dân
hay là “Hội chứng Mỹ trong lòng Việt Nam?”
Nguyễn Trọng Bình
1. Cách đây mấy năm, trong phiên tòa xét xử kẻ phạm tội giết người, khi HĐXX mời gia đình nạn nhân phát biểu thì Mẹ nạn nhân – một cụ già tuổi gần 80 đã đứng lên run rẩy nói với HĐXX như sau: “Tôi mới làm giỗ cho con tôi mấy bữa trước. Đằng nào con tôi cũng chết rồi, bị cáo còn vợ và 3 đứa con nhỏ, mong tòa cho cậu ấy con đường sống”.Nhờ câu nói của này bà mà kẻ sát nhân đã được HĐXX giảm cho án tử.
Đây là chuyện có thật mà báo chí nước nhà đã từng đưa tin. Những ai muốn xác nhận điều tôi vừa nói thì cứ nhờ google trợ giúp.
Mọi so sánh đều khập khiễng, tôi biết thế, tuy vậy, trong cuộc sống để vấn đề nào đó sáng tỏ hơn, chúng ta không thể không so sánh. Vậy nên chúng ta thử so sánh câu nói của cụ bà gần 80 tuổi trên với hai lần phát ngôn chính thức trước công luận của bà Tôn Nữ Thị Ninh liên quan đến chuyện Bob Kerrey và FUV xem sao?
Trước hết, cả hai lần phát ngôn chính thức của mình liên quan đến tội ác của Bob Kerrey cách nay mấy mươi năm, bà Ninh đều nhấn mạnh đây là quan điểm của riêng bà. Tương tự như vậy, cụ bà gần 80 tuổi trong câu chuyện vừa kể ở trên cũng phát biểu với tư cách cá nhân. Thế nhưng tại sao đều là quan điểm cá nhân nhưng ý kiến của cụ bà 80 thì người ta dễ dàng đồng tình (ít nhất HĐXX đã thống nhất giảm án cho kẻ sát nhân) còn ý kiến của bà Ninh lại dấy lên những tranh luận trái chiều?
Theo tôi, so với bà Ninh, cụ bà 80 phát biểu với tư cách của một người hoàn toàn trong cuộc. Nghĩa là hơn ai hết, chỉ có bà mới thấu hiểu nỗi đau tột cùng và có quyền nói tha thứ hay không tha thứ cho kẻ đã sát hại con mình. Bà Ninh thì khác, bà vừa là người trong cuộc vừa là kẻ ngoài cuộc. Không những vậy, bà Ninh lại là người làm chính trị, là cán bộ ngoại giao đại diện cho một bên trong cuộc chiến xảy ra cách nay mấy mươi năm. Nói cách khác, bà cụ 80 hoàn toàn “chính danh” khi nói lời tha thứ cho kẻ phạm tội còn bà Ninh chỉ là “nhân danh”, “mượn danh” để nói. Nhìn rộng ra, việc nhân danh này không chỉ riêng bà Ninh mà đa phần những người làm chính trị ở Việt Nam trước đó và bây giờ đều thế.
Có thể nói, từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay, những người này mỗi khi bàn về vấn đề liên quan đến chiến tranh có dính đến yếu tố Mỹ hầu như chưa bao giờ hỏi hay tham khảo ý kiến của đại bộ phận nhân dân một cách nghiêm túc. Những phạm trù như thắng - thua, bạn - thù, căm hờn - tha thứ... tất tần tật đều do họ tự quyết và áp đặt xuống dân chúng. Đây là điều mà cố nhà văn Trang Thế Hy đã lên tiếng, nói thẳng trong truyện ngắn “Vết thương thứ mười ba” sáng tác năm 1988:
“Muốn biết chiến tranh là cái gì, người cần hỏi ý kiến, người cung cấp định nghĩa về chiến tranh chính xác nhất không phải là các nguyên thủ quốc gia, các chính khách lẻo mép và các vị thống chế tư lịnh không bị bom đạn làm trầy một miếng da nào”. Hay cụ thể hơn, theo Trang Thế Hy muốn biết bản chất thật của các cuộc chiến tranh hãy đi hỏi “những người phụ nữ đã đẻ con cho thiên hạ đem đi nướng, hỏi những bà mẹ sau chiến tranh đi hết nghĩa trang này đến nghĩa trang khác tìm nấm mộ đề tên con mình mà không gặp...”.
Chiến tranh vốn là sai lầm của các bên trong quá khứ nhưng bàn về nó trong sự đắc thắng, ngạo nghễ kiểu“thắng làm vua, thua làm giặc” thì lại càng sai lầm hơn. Nói cách khác, chính cách tuyên truyền một chiều của những người thuộc “bên thắng cuộc” đã góp phần làm nên vấn đề mà nói như cựu đại sứ Hoa Kỳ, Lê Văn Bàng là: “Hội chứng Mỹ” trong lòng Việt Nam” hiện nay:
“Chúng ta đã từng giúp rất nhiều để người Mỹ thoát khỏi “hội chứng chiến tranh Việt Nam” trong người Mỹ, nhưng bản thân chúng ta lại chưa thoát được “hội chứng Mỹ”(...) Sự hận thù của không ít người Việt sau chiến tranh còn nặng nề lắm”.[1]
Từ đây, trở lại vấn đề, có thể thấy hai lần phát ngôn của bà Ninh đều ít nhiều cho thấy cái “hội chứng Mỹ” vẫn còn ám ảnh tâm trí bà và không dễ gì để rứt nó ra. Lẽ ra, ở chỗ này bà Ninh và những người cùng quan điểm với bà trước hết phải tham khảo ý kiến của đại đa số nhân dân Việt Nam (hoặc ít nhất là người dân ở Thạnh Phong, Bến Tre năm nào). Nếu chưa hỏi nhưng lại nhân danh họ, lôi họ vào cuộc rồi bám vào đó để phản đối Bob Kerrey làm chủ tịch FUV là đang “qua mặt” và không tôn trọng nhân dân. Nguy hại hơn nữa, quan điểm của bà Ninh đã vô tình đẩy vấn đề đi quá xa; nhất là đã khơi lại vết thương vừa ráo mủ của những người trong cuộc từ cả hai phía. Bằng chứng là, từ những phát ngôn của bà, giờ đây có không ít người bắt đầu lục tung lại quá khứ với mục đích tố cáo tội ác của nhau trong cuộc chiến năm nào.
Việc bà Ninh trăn trở, lo lắng về chuyện các thế hệ con cháu không khéo vì cuộc vui hôm nay mà quên đi quá khứ đau thương của dân tộc hôm qua là điều hoàn toàn chính đáng và đáng trân trọng. Nhưng e là trong khi bày tỏ nỗi trăn trở này bằng việc “chọn” Bob Kerrey và FUV làm “bia” là một sai lầm về phương pháp và thời điểm. Hay ít ra, bà đã thiếu công tâm khi phán xét tội lỗi trong quá khứ của Bob Kerrey đặt trong mối tương quan với những người “đồng chí” láng giềng “4 tốt”, “16 chữ vàng” mà hơn ai hết bà là người không thể không biết về tội ác của họ gây ra cho đồng bào ta năm 1979.
2. Ở một phương diện khác, quan điểm và suy nghĩ của bà Ninh làm tôi nhớ lại chuyện “Sự tích chim Bìm Bịp”trong kho tàng truyện dân gian người Việt. Đại khái, câu chuyện có thể tóm tắt như sau:
Một nhà sư nọ tu hành đã nhiều kiếp nhưng chưa thành chính quả. Vì vậy, ông quyết tìm đến Phật Tổ để hỏi xem mình đã phạm sai lầm chỗ nào để mà khắc phục. Trên đường đi ông gặp một tên cướp, thoạt đầu khi tên cướp định giết ông nhưng khi nghe ông xin tha mạng và giảng giải mọi điều tên cướp đã thức tỉnh. Tên cướp chẳng những tha mạng cho sư mà còn lấy dao rạch bụng mình moi ra cả bộ lòng với ước nguyện nhờ nhà sư mang đến Phật tổ để bày tỏ sự sám hối tội lỗi trước đây của mình. Nhà sư cầm bộ lòng của tên cướp tiếp tục lên đường nhưng chỉ một hai ngày sau đó sư đã vứt đi vì bộ lòng đã bắt đầu phân hủy và hôi thối. Rồi sư cũng đến trước cửa Phật. Trong khi ông chưa kịp thưa gửi lời nào thì Phật tổ trên chánh điện đã hỏi ông “trên đường đi có ai gửi gì cho ta không?”. Thoáng giật mình nhưng sau đó nhà sư đã phải nói ra sự thật. Khi ấy Phật tổ mới nói rằng “ngươi muốn thành chính quả thì trở lại tìm món quà mà tên cướp đã dâng lên cho ta”.
Mọi người hẳn cũng đã biết ý nghĩa của câu chuyện mang màu sắc triết lý Phật giáo mà tôi vừa kể. Tên cướp dù đã gây nhiều tội ác nhưng thành tâm sám hối nên đã được Phật tổ chứng giám cho thành chính quả. Còn nhà sư sau đó đã chết đi và biến thành con chim Bìm Bịp suốt ngày lùng sục trong các bụi rậm để tìm bộ lòng của tên cướp mà ông đã không đủ kiên nhẫn và quẳng đi trước đó. Chỉ một suy nghĩ sai lầm nên mọi công sức tu hành trong nhiều kiếp trước đó đã tan thành mây khói.
Câu chuyện trên giúp chúng ta hiểu thêm, trong cuộc sống mọi chuyện đều có thể xảy ra. Nhất là sự thành tâm sám hối của con người về tội lỗi trong quá khứ là điều có thật. Con người ta chỉ càng đẹp thêm hơn nếu biết và dám tin vào những sự thật như vậy. Cho nên, có lẽ nào Bob Kerrey đã trở lại, đã xin lỗi, đã sám hối, đã phục thiện,... nhưng bà Ninh và một số người lại từ chối không cho ông ta cơ hội? Tha thứ cho tội lỗi của kẻ thù là điều rất khó. Tôi hiểu bà Ninh muốn bày tỏ quan điểm này để cảnh giác những kẻ muốn “té nước theo mưa”, miệng nói lời tha thứ nhưng đầu lại chưa sẵn sàng cho điều ấy. Nhưng nếu đã xác định như vậy thì thà là nói “tao không bao giờ tha thứ cho mày” để đối phương biết mà sám hối nhiều hơn chứ không nên chơi trò “mèo vờn chuột”: “có thể tha thứ nhưng đồng thời không tán thành việc Bob Kerrey giữ vị trí lãnh đạo một trường ĐH tại Việt Nam”.
3. Công tâm mà nói, ở phương diện nào đó bà Ninh là người rất đáng khâm phục khi đã dám nói ra hết những suy nghĩ của mình cũng như quyết liệt bảo vệ quan điểm của bản thân với những lập luận rõ ràng, văn hóa tranh luận từ tốn. Tuy vậy, theo tôi, có lẽ do cái “hội chứng Mỹ” còn nặng nề nên bà không thể thuyết phục được phần đông dân chúng Việt hôm nay. Hay ít ra là với cá nhân tôi khi đọc bức thư ngỏ bà“gửi người Việt Nam và các bạn Mỹ” có đoạn như sau:
“ Tôi ngạc nhiên về những tình cảm cảm thông sâu sắc dành đặc biệt cho sự khổ tâm của Bob Kerrey với “những lời thốt ra từ gan ruột”, ca ngợi ông “rất can đảm khi quyết định nhận cương vị hiện nay”! Trong khi đó, tôi nhớ đến lời của một người ở Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, nơi đang trưng bày chứng tích về vụ thảm sát ở Thạnh Phong, thương xót cho các nạn nhân chưa hề được người có tội trở về thắp cho họ một nén hương. Người đó không thể tưởng tượng cảnh hàng trăm hàng ngàn sinh viên Việt Nam Đại học Fulbright sẽ gọi ông Bob Kerrey một cách tôn kính là “Thầy” theo phong tục Á Đông và đặc biệt ở Việt Nam. Và tôi lại nghĩ, đến một ngày nào đó, ảnh của ông Bob Kerrey sẽ được treo tại ĐH Fulbright ở vị trí trang trọng nhất dành cho các vị sáng lập của Trường!”
Trước hết, nếu bà đã đến Bảo tàng Chứng tích chiến tranh để tìm hiểu và biết được đầy đủ sự việc về tội lỗi củaBob Kerrey trong quá khứ thì sao còn bận tâm lo lắng chuyện cháu con sẽ quên đi lịch sử cha ông?
Ngoài ra, không hiểu sao bà lại lo lắng về chuyện hàng ngàn sinh viên Việt trong tương lai sẽ gọi Bob Kerrey là“Thầy” và một ngày nào đó “ảnh của ông Bob Kerrey sẽ được treo tại ĐH Fulbright ở vị trí trang trọng nhất dành cho các vị sáng lập của Trường? Thiển nghĩ, nếu điều đó thực sự có xảy đến thì có gì quá đáng hay không đúng? Có sự nhầm lẫn nào không khi bà Ninh mang cả truyền thống văn hóa Việt ra để biện minh cho sự lo lắng rất vô lý của mình? Nhất là đã tùy tiện thu hẹp phạm vi và ý nghĩa của chữ “Thầy” trong tiếng Việt mà bà đã biết: “một chữ cũng Thầy, nửa chữ cũng Thầy”? Tôi nghĩ, đôi khi trong nhiều trường hợp, hãy nên biết nói lời cảm ơn kẻ thù vì nhờ họ mà ta mới biết ta anh hùng, cao thượng, bao dung...Hơn nữa, bà Ninh cũng không thể sống mãi để mà ngăn chặn những suy nghĩ, nhận thức của giới trẻ Việt Nam trong vài mươi năm tới. Đây là điều chắc chắn và không thể khác.
4. Người Việt có câu, “đầu xuôi, đuôi lọt”. FUV ra đời hôm nay là kết quả của nỗ lực hàn gắn và làm bạn của cả hai phía Việt - Mỹ sau thời gian dài thù địch. Điều này là không phải bàn cãi. Cho nên, thiển nghĩ không một cá nhân nào được quyền dùng ảnh hưởng (nhất là hưởng chính trị) hay nhân danh bất cứ điều gì để cản trở sự phát triển của FUV trong tương lai. Mọi chuyện có lẽ nên dừng lại tại đây. Bob Kerrey cần được tin tưởng, ủng hộ để ông ấy có cơ hội thay đổi “biểu tượng về quá khứ đen tối” (như Bà Ninh đã dẫn lại ý kiến của ai đó) của mình trên mảnh đất này; bà Tôn Nữ Thị Ninh cũng không đáng bị nhiều người xông vào công kích và thóa mạ cá nhân. Có như vậy mới chứng minh được sự chân thành từ cả hai phía Việt - Mỹ cũng như quan hệ của những người trong nước với nhau: “từ đây người biết yêu người”. Tóm lại là, động cơ gì cũng được nhưng không nên tiếp tục lẫn lộn, nhầm lẫn bạn – thù, hoặc không thì lại “khôn nhà dại chợ”!
Hơn nữa, hiện nay, chuyện tập đoàn chính trị Tập Cận Bình đã và đang âm mưu xâm chiếm Hoàng, Trường Sa của cha ông mới là vấn đề quan trọng nhất. Chuyện cá chết ở miền Trung gần hai tháng trôi qua nhưng chưa biết nguyên nhân nữa! Ai dám để cho Tạ Bích Loan đưa lên chương trình“60 phút mở” trên VTV và bàn cho ra lẽ thì mới “ngon”!?
Cần Thơ, 9/6/2016
NTB
nguồn: Viet-studies.info
Vũ Thất
No comments:
Post a Comment