KÍNH VÀ THÂN CHUYỂN
Tiếng Việt ở hải ngoại
Nguyễn Tài Ngọc
Hỏi bất cứ một người Việt nào ở hải ngoại, ai cũng than phiền sau 1975 nhiều chữ người miền Bắc dùng không đúng, bây giờ trở thành thông lệ cho cả miền Nam.
Internet cũng thế, đầy dẫy những bài viết của người Việt hải ngoại chỉ trích cách dùng chữ Việt hiện thời ở Việt Nam (chính tôi cũng viết một bài ngắn "Tiếng Việt hiện đại / Chuyện "Tình yêu phai nhạt", xin xem link:
Thế nhưng nếu ai có bỏ công, tìm đỏ mắt sẽ không nghe một người nào hay đọc một bài viết nào chỉ trích người Việt ở hải ngoại dùng tiếng Việt hay đặt câu sai lầm.
Hầu hết những báo chí Việt phát hành hàng tuần ở các thành phố Hoa Kỳ với mục đích thương mại, người viết bài nhiều người là thợ viết, không phải là ký giả hay nhà văn chuyên nghiệp, câu văn đọc nghe lủng củng, luộm thuộm; thậm chí những lỗi lầm hoặc những chữ chỉ dùng ở Việt Nam sau 1975 nay lại xuất hiện trên những báo Việt quảng cáo ở Hoa Kỳ.
Ấy là nói về sách báo Việt thương mại tư nhân. Dân số người Việt ở Hoa Kỳ là một con số đáng kể (1.7 triệu người, thống kê 2013) nên hầu hết các hãng xưởng hay văn phòng chính phủ nào cũng đều có công nhân là người Việt Nam, và vì thế, đôi khi có sự cần thiết dịch tiếng Anh sang tiếng Việt cho công nhân người Việt hiểu.
Hoa Kỳ là quốc gia đứng hàng nhất nhì trong thế giới tự do bảo vệ nhân quyền. Không những quyền căn bản của người dân được bảo đảm trong 10 đạo luật tu chính Bill of Rights - Tuyên ngôn Nhân quyền, mà ở cấp bậc Tiểu bang, nhất là California, có bao nhiêu đạo luật ...khỉ gió bảo vệ quyền lợi người dân đến độ vô lý.
Một thí dụ là ban đêm ăn trộm, ăn cướp vào nhà mình trộm cướp tài sản, hiếp bóc con mình..., mình thức dậy cầm súng bắn nó thì phải bắn khi nó đương đầu đối diện mình, chứ nếu bắn đằng sau lưng khi nó bỏ chạy thì bảo đảm mình mang tội mưu sát (nó đã bỏ chạy, không muốn đánh đấm với mình mà mình còn bắn phía sau lưng khi nó không có phương cách nào bảo vệ nó thì rõ ràng mình chủ tâm cố ý giết người không cần thiết!).
Một hình thức "bảo vệ nhân quyền" quá vô lý của California là hầu hết các ấn phẩm dịch vụ xã hội côngcộng phải in tiếng ngoại quốc vì có người không hiểu tiếng Anh! Ngoại ngữ in nhiều nhất ở đây là tiếng Tây-Ban-Nha vì số người nói tiếng Tây-Ban-Nha quá đông. Tất cả tài liệu bầu cử ở California in bằng hai thứ tiếng Anh và Tây-Ban-Nha. Dân số người gốc La-Tinh nói tiếng Tây-Ban-Nha ở California (với Mễ là đại đa số, phần còn lại là Trung hay Nam Mỹ) vào năm 2014 đã chính thức qua mặt dân da trắng, trở thành đa số: 14.99 triệu dân Latinos so với 14.92 triệu dân da trắng.
Người Việt muốn thi lái xe nhưng không hiểu tiếng Anh không cần lo: cẩm nang lái xe của Nha Lộ Vận California (Department of Motor Vehicles) ngoài Anh ngữ còn in bằng 10 thứ tiếng khác nhau: Spanish - Tây-Ban-Nha, Arabic - Ả-Rập, Armenian, Chinese - Trung Quốc, Farsi - Iran , Hindi - Ấn Độ, Korean - Hàn Quốc, Punjabi - Pakistan, Russian - Nga, Tagalog - Phi-Luật-Tân, và Vietnamese - Việt Nam.
Tháng trước tôi nhận thư của DMV về đóng tiền gia hạn lưu thông hàng năm cho xe hơi. Trong bao thư là một tờ giấy yết thị tin tức cho người lái xe, bằng chín thứ tiếng khác nhau, kể cả tiếng Việt:
Đọc phần tin bằng tiếng Anh và bản dịch bằng tiếng Việt, tôi thững thờ, bàng hoàng, kinh ngạc, "sốc", hết ý kiến, vì bản dịch tiếng Việt chẳng những luộm thuộm, dài dòng văn tự, mà còn có một chữ dịch sai tột đỉnh ngu xuẩn.
Thông thường, chúng ta phải tỏ tính khiêm nhường, không bao giờ hành động như là người ngạo mạn thế nhưng một chữ trong câu tiếng Anh của tờ giấy DMV này dịch sang tiếng Việt hoàn toàn sai nghĩa, không còn là nghĩa nguyên thủy. Sự sai lầm này quá hiển nhiên, quá cơ bản. Chữ tiếng Anh -eligible không có gì là cầu kỳ, rất đơn giản, nếu bí không biết dịch ra tiếng Việt là chữ gì thì chỉ cần tra tự điển là biết được chữ dịch ra tiếng Việt ngay: -hội đủ điều kiện, thế mà người Việt Nam nào làm ở DMV đã dịch chữ -eligible sang tiếng Việt là -tư cách! Đây là ngu xuẩn tột độ, không thể nào bào chữa.
Viết cho một báo lá cải, một báo ra hàng ngày hay hàng tuần, mục đích chính là lấy quảng cáo kiếm tiền thì tôi không thèm nói đến, thế nhưng dịch cho một cơ quan chính quyền là một đại sự. Chẳng những mình phải kiêu hãnh cho việc dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt của mình là đúng, mà câu mình dịch còn đại diện cho phẩm chất của Nha Lộ Vận, của Tiểu bang California, của quốc gia Hoa Kỳ, và của cộng đồng người Việt Nam.
Tôi chép lại cả đoạn tiếng Anh lẫn đoạn tiếng Việt dịch từ tiếng Anh:
- Đoạn tiếng Anh:
Are you eligible for traffic amnesty? If you have an unpaid ticket that was due by January 1, 2013, OR if your driver's license is suspended and you are making payments on a ticket, you may qualify for traffic amnesty from October 1, 2015 to March 31, 2017 and get your license restored. Go towww.courts.ca.gov/trafficamnesty for more information.
- và đoạn tiếng Việt dịch từ tiếng Anh:
Quý vị có đủ tư cách nhận được chương trình đặc xá dành cho giao thông (traffic amnesty) không? Nếu quý vị có một vé phạt (ticket) chưa thanh toán đã đáo hạn vào ngày 01 tháng 01 năm 2013, HOẶC giấy phép lái xe của quý vị bị treo suspended) và quý vị đang tiến hành thanh toán vé phạt, qúy vị có thể đạt điều kiện để nhận được chương trình đặc xá dành cho giao thông kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2015 đến ngày 31 tháng 03 năm 2017 và khôi phục lại giấy phép lái xe của quý vị. Truy cập trang webwww.courts.ca.gov/trafficamnesty để biết thêm thông tin.
Câu "Are you eligible for traffic amnesty?" mà người Việt này dịch là: "Quý vị có đủ tư cách nhận được chương trình đặc xá dành cho giao thông (traffic amnesty) không?". Mèn ơi, ông Trời xuống đây xem! Eligible không phải là tư cách,character mới là tư cách. Nếu câu tiếng Anh là "Do you have the character for traffic amnesty?" thì yes, yes, yes, dịch sang tiếng Việt "Quý vị có đủ tư cách nhận được chương trình...." là đúng number one! Nhưng chữ tiếng Anh ở đây không phải là character mà là eligible.
Chữ tư cách có hai nghĩa:
- Thứ nhất, nó đại diện cho một mặt, một khía cạnh nào đó. Thí dụ: "Tôi đến đây với tư cách cá nhân".
- Thứ hai, nó biểu lộ cách ăn ở, cư xử, đạo đức của một người. Thí dụ: "Anh là người không đáng tư cách để xin hỏi cưới con gái tôi" (Câu này tôi nghe năm mươi ông bố nói với tôi trước khi thành công lấy vợ tôi hiện thời nên tôi vẫn còn nhớ vanh vách).
Ở đây, một người được ân xá lưu thông chỉ cần hội đủ điều kiện, cho dù là tư cách có hèn hạ hay tuyệt vời. Thành thử dịch chữ eligible là tư cách thì người Việt này không đủ... tư cách để làm nghề thông dịch viên. Tôi chắc chắn là người này phải có bạn bè là người Việt, thế thì tại sao lại không tham khảo ý kiến với người khác trước khi cho in một câu dịch quá ấu trĩ như thế.
Ngoài chữ dịch sai tư cách, câu văn dịch sang tiếng Việt này quá luộm thuộm, lủng củng. Câu văn tiếng Anh viết bằng khổ chữ font 14 chỉ có năm dòng, trong khi câu dịch ra tiếng Việt đến bẩy dòng, vừa dài dòng văn tự mà vừa đọc nghe không rõ ràng.
Tôi lập lại câu tiếng Anh (1), bản dịch tiếng Việt trên tờ giấy DMV (2), và bản dịch tiếng Việt của tôi mầu xanh dương (3):
(1) Are you eligible for traffic amnesty? If you have an unpaid ticket that was due by January 1,2013, OR if your driver's license is suspended and you are making payments on a ticket, you may qualify for traffic amnesty from October 1, 2015 to March 31, 2017 and get your license restored. Go to www.courts.ca.gov/trafficamnesty for more information.
(2) Quý vị có đủ tư cách nhận được chương trình đặc xá dành cho giao thông (traffic amnesty) không? Nếu quý vị có một vé phạt (ticket) chưa thanh toán đã đáo hạn vào ngày 01 tháng 01 năm 2013, HOẶC giấy phép lái xe của quý vị bị treo suspended) và quý vị đang tiến hành thanh toán vé phạt, qúy vị có thể đạt điều kiện để nhận được chương trình đặc xá dành cho giao thông kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2015 đến ngày 31 tháng 03 năm 2017 và khôi phục lại giấy phép lái xe của quý vị. Truy cập trang webwww.courts.ca.gov/trafficamnesty để biết thêm thông tin.
(3) Quý vị có hội đủ điều kiện để được ân xá lưu thông? Nếu quý vị bị giấy phạt phải trả trước ngày 1 Tháng Giêng, 2013 nhưng chưa trả, hoặc đã bị treo bằng lái xe và đang trả góp tiền phạt, quý vị có thể hợp đủ điều kiện miễn trả phạt trong khoảng thời gian từ 1 Tháng 10, 2015 đến 31 Tháng 3, 2017 và lấy lại bằng lái. Vào trang webwww.courts.ca.gov/trafficamnesty để biết thêm thông tin.
Bản dịch của tôi cũng chỉ có năm dòng dùng font 14 như bản tiếng Anh, đọc nghe mạch lạc, ngắn gọn hơn bản dịch Việt bẩy dòng của tờ giấy DMV. Để ý là tôi loại bỏ những chữ Hán Việt dùng không cần thiết (tiến hành, thanh toán, khôi phục, truy cập...), mà thay thế nó bằng chữ Việt, vì mục đích của một bảng yết thị cho quần chúng là dùng chữ càng đơn giản càng tốt để cho những người ít học đọc ai cũng hiểu.
Tôi là người Bắc nên hiểu được sự quan trọng của một kiến thức phong phú về kho tàng Hán Việt, nhưng cách dùng chữ phải tùy trường hợp, đúng nơi đúng chỗ. Văn chương phong phú là ở nơi học đường, nơi sáng tác thơ văn. Chữ dùng giản dị dễ hiểu nên dùng khi yết thị nơi công cộng.
Tôi xin đưa thí dụ hai từ ngữ Hán Việt tôi nghe rất ngứa tai, bây giờ dùng thông dụng ở Việt Nam là hiển thị và sự cố.
Người trong nước đã quen với từ hiển thị nhưng nó rất lạ đối với người rời Việt Nam từ năm 1975. Tưởng tượng một cô nào ở Việt Nam hỏi tôi, "Anh có muốn hiển thị hình dáng em không?", bảo đảm tôi sẽ ngẩn tò te không hiểu :"Say what? Cô nói gì?" Thế có phải là tôi vừa mất một dịp may bằng vàng sao chổi mười năm mới đến một lần chỉ vì đầu óc tôi ngu xuẩn không hiểu chữ hiển thị không? Chữxem không có gì là sai, rất đơn giản, việc gì phải dùng chữhiển thị cho phức tạp hóa từ ngữ không cần thiết?
Còn từ sự cố không thể nào diễn tả vấn đề đương đầu một cách chính xác: (Chồng nói với vợ:) "Tối nay anh không về nhà ăn cơm với em được vì có sự cố". Tại sao không nói:"Tối nay anh không về nhà ăn cơm với em được vì anh bận đi khách sạn Park Hyatt với bồ nhí" ? "Xe tôi sáng nay có sự cố". Người nghe chẳng hiểu xe người này bị gì. Nếu nói "Xe tôi sáng nay bị bể bánh", "Xe tôi sáng nay đạp máy không nổ", "Xe tôi sáng nay bị xe khác đụng", "Xe tôi sáng nay bị hỏng thắng"..., thì có phải là người nghe biết ngay là xe bị hư hại điều gì, khỏi cần hỏi đến câu thứ hai hay không?
Tôi không biết có phải vì già mà bây giờ tôi trở nên khó chịu, hay là tôi khó chịu kinh niên không nguyên cớ: tháng trước vào bệnh viện khám sức khỏe tổng quát hàng năm thì tôi thấy bảng chữ này in bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, trong đó có cả tiếng Việt:
Câu tiếng Anh là :
Point to your language. An interpreter will be called. The interpreter is provided at no charge to you.
và câu tiếng Việt dịch ra là:
Hãy chỉ vào ngôn ngữ của quý vị. Một thông dịch viên sẽ được gọi đến, quý vị sẽ không phải trả tiền cho thông dịch viên.
Ngôn ngữ Việt Nam không dùng thể thụ động như tiếng Anh. Người Mỹ nói thì hoàn toàn đúng văn phạm vì họ dùng thể thụ động : "The mouse is eaten by the cat".Nhưng nếu chúng ta dịch sang tiếng Việt: "Con chuột ăn bởi con mèo" , thì sai. Dịch đúng phải là : "Con mèo ăn con chuột".
Câu : "An interpreter will be called" do đó cũng vào trường hợp tương tự. Tiếng Việt không thể nào dịch dùng thể thụ động, mà dịch đúng phải là:
Hãy chỉ vào ngôn ngữ của quý vị. Chúng tôi sẽ gọi thông dịch viên dịch cho quý vị miễn phí.
Mở bất cứ phần quảng cáo bán nhà của một tờ báo Việt Nam nào ở hải ngoại, một người sẽ thấy đầy dẫy câu: "Nhà bán bởi Chủ" . Sở dĩ có câu này vì người Mỹ quảng cáo bánnhà : "For sale by Owner". Người Việt ở hải ngoại dịch nguyên văn như thế, rồi mọi người đều dùng.
Tiếng Việt làm sao nói "Cái nhà sơn bởi chủ, Cái nhà đóng bởi chủ, Cái nhà bán bởi chủ được"? Nghe không khác gì một đứa con nít Tiểu học viết văn, không lọt tai, mà ai nấy cũng lập đi lập lại! Văn phạm Việt Nam không dùng thể thụ động. Dịch cho đúng thì phải viết là "Nhà do chủ bán", hay "Nhà do chính chủ bán".
Mình không thể nào chỉ trích người khác dùng từ ngữ sai trong khi chính mình luộm thuộm khi dùng tiếng Việt. Khi mua bất cứ vật dụng gì để dùng, ai cũng chọn lựa kỹ càng chỉ muốn mua cho mình cái tốt nhất, từ máy điện thoại đến ví xách tay, quần áo, xe cộ, nhà cửa, TV, tủ lạnh... Chúng ta, những người mang giòng máu Việt, ắn hẳn hãnh diện cho văn hóa, phong tục Việt Nam, và cũng như vật dụng trong nhà, chỉ muốn điều tốt nhất cho văn hóa, phong tục của chúng ta.
Tiếng Việt cũng là một phần của văn hóa Việt Nam.
Nguyễn Tài Ngọc
March 2016
Tài liệu tham khảo:
No comments:
Post a Comment