Về phương diện tổ chức, phía Hoa Kỳ, dưới MACSOG có Phái Bộ Cố Vấn Hải Quân (Naval Advisory Detachment - NAD) hay còn được gọi là Toán Hành Quân Đường Biển (Maritime Operation Group - MAROP) chuyên lo về các cuộc hành quân biệt hải có nhiệm vụ thả biệt kích, bắn phá các tầu bè, cơ sở quân sự cũng như mở các cuộc hành quân thăm dò dọc duyên hải Miền Bắc. Về phía Việt Nam, trực thuộc Nha Kỹ Thuật có Sở Phòng Vệ Duyên Hải (Coastal Security Service - CSS) làm việc hàng ngang với NAD. Hai cơ quan này thường được gọi chung là NAD/CSS đều đặt trụ sở tại tòa nhà Bạch Tượng (White Elephant) Đà Nẵng đễ dễ bề phối hợp các hoạt động. Các giới chức chỉ huy của SPVZH phối hợp khá chặt chẽ với NAD trong việc điều động nhân viên công tác, thuyết trình trước và sau mỗi cuộc hành quân v.v... Ngoài cơ quan NAD, SPVZH cũng làm việc rất chặt chẽ với toán huấn luyện và yểm trợ MST.
Trước đây, khi toán xâm nhập đường biển còn hoạt động dưới quyền điều động trực tiếp của CIA, tuy có một số nhỏ người nhái HQVN, nhưng nhân viên của những ghe Nautilus đều là dân sự. Khi kế hoạch Switchback chuyển giao quyền kiểm soát các cuộc hành quân đặc biệt từ CIA sang quân đội Hoa Kỳ, ghe Nautilus dần dần được thay thế bằng những chiến đĩnh tối tân hơn, LLHT cũng được thành lập gồm những sĩ quan và đoàn viên thuộc Hải Quân VNCH đặc biệt tuyển chọn để làm thủy thủ đoàn. LLHT đặt dưới quyền điều động của Sở Phòng Vệ Duyên Hải (SPVZH) trực thuộc Nha Kỹ Thuật.
Đa số nhân viên SPVZH là quân nhân, trong số này phần lớn là Hải Quân, đôi khi có một số rất nhỏ thuộc Bộ Binh. SPVZH làm việc ngang hàng với cơ quan NAD của Hoa Kỳ trong việc chỉ định các toán công tác, huấn luyện và bảo trì chiến đĩnh. Về mặt hành chánh, các quân nhân Hải Quân thuộc SPVZH được coi như biệt phái từ Hải Quân. Chỉ Huy Trưởng SPVZH là một sĩ quan cao cấp Hải Quân. Các vị Chỉ Huy Trưởng SPVZH đều là những sĩ quan thâm niên, nhiều kinh nghiệm; sau này có tới bốn cựu Chỉ Huy Trưởng được thăng đến cấp Phó Đề Đốc.
Ngoài một số cơ cấu hành chánh, SPVZH có hai đơn vị trực thuộc chính, đó là Lực Lượng Hải Tuần (LLHT) và Lực Lượng Biệt Hải, đôi khi còn gọi tắt là Biệt Hải.
1. Lực Lượng Hải Tuần
LLHT là cơ cấu đông nhân viên nhất, có thể coi là thành phần nồng cốt của SPVZH, nên đôi khi có một số người, kể cả những người trong Hải Quân chỉ biết đến LLHT, ít khi nghe nói tới SPVZH. Thực sự, LLHT chỉ là một đơn vị trực thuộc SPVZH cũng như Biệt Hải. Để hiểu rõ thêm, cần thấu triệt về nhiệm vụ, doanh trại, nhân viên, trang bị và những hoạt động của LLHT.
A . Nhiệm Vụ
Nhiệm vụ chính của LLHT là thi hành những công tác hành quân đặc biệt bằng đường biển trong vùng lãnh hải Bắc Việt từ vĩ tuyến 17 Bắc trở lên. Về phương diện này, có thể coi LLHT tương tự như Phi Đoàn 219 của KQVN chuyên thả các toán xâm nhập bằng trực thăng. Nhưng ngoài nhiệm vụ thả và vớt các toán Biệt Hải tại vùng duyên hải Bắc Việt, các chiến đĩnh thuộc LLHT còn thực hiện nhiều công tác riêng biệt khác như pháo kích, chận bắt tầu bè, chiến tranh tâm lý v.v... sẽ đề cập tới ở phần sau.
B. Doanh Trại
Doanh trại LLHT nằm ngay dưới chân núi Khỉ (Monkey Mountain) thuộc bán đảo Sơn Chà, Đà Nẵng, cạnh khu quân cảng Deep Water Pier, nơi các tầu chở hàng lớn của Hoa Kỳ như SEALAND cập để bốc rỡ hàng hoặc các tầu đổ bộ thuộc Hải Quân Hoa Kỳ ủi bãi. Doanh trại này cách Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải không xa. Từ Đà Nẵng đi vào, phải đi qua trạm kiểm soát tại Cầu Trắng, thấy bãi ủi Deep Water Pier ở bên trái rồi tới trại LLHT ở bên phải. Xa hơn nữa là các cơ sở thuộc BTL/HQ/V1DH.
Trại gồm hai dãy nhà một tầng, mái lợp fibro-xi măng nằm song song, dãy nhà trên cao gần chân núi dành cho sĩ quan và dãy nhà phía dưới gần đường lộ dành cho thủy thủ đoàn. Khu nhà sĩ quan được chia ra thành nhiều phòng nhỏ, mỗi phòng dành cho 2 sĩ quan. Cứ hai phòng có chung một nhà tắm. Khu đoàn viên gồm những nhà dài, không chia thành phòng. Thủy thủ đoàn của mỗi chiến đĩnh chiếm một nhà làm phòng ngủ.
Trong doanh trại, ngoài các phòng ngủ, còn có các cơ sở khác như câu lạc bộ, nhà kho v.v...
Cầu tầu PTF và các công xưởng sửa chữa cũng như bảo trì của MST nằm gần Deep Water Pier, đối diện với khu doanh trại qua con đường nhỏ.
C. Trang Bị
Kể từ khi Toán Xâm Nhập Đường Biển mới thành hình vào năm 1956 cho tới lúc SPVZH chính thức thành lập vào đầu năm 1964, các phương tiện chuyên chở thay đổi tùy theo thời gian và nhu cầu công tác. Mới đầu, toán xâm nhập dùng ghe loại đánh cá, sau đó đến các loại tầu bè tối tân hơn như duyên tốc đĩnh PCF và cuối cùng là loại khinh tốc đĩnh PTF.
- Ghe Nautilus
Như chúng ta đã biết, thoạt đầu khi Lực Lượng Xâm Nhập Đường Biển được thành lập và do CIA chỉ huy, phương tiện hoạt động duy nhất là các ghe Nautilus. Đây là các ghe gỗ khá lớn dài chừng 30 thước, có mui, trông giống những ghe đánh đánh cá xa bờ ở vịnh Bắc Việt. Ghe chạy bằng buồm nhưng có gắn máy có vận tốc dưới 10 gút (hải lý/giờ). Võ khí trang bị gồm có đại liên giấu trong khoang ghe và vũ khí cá nhân của thủy thủ đoàn.
Cho tới giữa năm 1963, tại Đà Nẵng có 7 ghe đặt tên Nautilus 1 tới 7 chuyên dùng để xâm nhập hải phận miền Bắc. Lúc đó thành phần này đặt dưới quyền chỉ huy của Đại Úy Ngô Thế Linh, trực thuộc LLĐB của Đại Tá Lê Quang Tung. Thủy thủ đoàn của những chiếc ghe Nautilus phần đông là dân sự gốc Nghệ An, Hà Tĩnh di cư hay sắc tộc Nùng sinh trưởng tại miền Bắc. Một số sĩ quan Hoa Kỳ và Việt Nam huấn luyện thủy thủ đoàn và các toán đổ bộ. Thủy thủ đoàn của mỗi ghe được thay đổi và bổ xung tùy theo nhu cầu công tác.
Vào các năm 1962-63, những ghe Nautilus xâm nhập miền Bắc nhiều lần để tiếp tế, đổ biệt kích và phá hoại thành công vì có thể dễ dàng trà trộn với ghe ngư phủ địa phương, dù vận tốc ghe này rất chậm, phải mất khoảng 24 giờ mới từ căn cứ xuất phát Đà Nẵng tới được mục tiêu Quảng Khê nằm dưới vĩ tuyến 18 Bắc. Sau này, vì bị phản bội cũng như địch biết được đường giây xâm nhập nên ghe Nautilus không còn hữu dụng. Đặc biệt trong chuyến công tác đánh phá căn cứ hải quân Quảng Khê của VC tại cửa sông Gianh vào ngày 28 tháng 6 năm 1962, vì hỏa lực yếu và vận tốc chậm nên ghe Nautilus II bị tầu VC đuổi kịp và đánh chìm. Từ đó CIA thay thế các ghe Nautilus bằng các duyên tốc đĩnh (PCF - Patrol Craft Fast) còn gọi là "Swift" nhanh hơn và hỏa lực mạnh hơn.
- Duyên Tốc Đĩnh PCF (Swift)
Vì các ghe Nautilus đã bị lỗi thời không còn thích hợp để xử dụng trong các công tác xâm nhập miền Bắc nên vào giữa năm 1963, ba duyên tốc đĩnh đĩnh mới loại PCF (Patrol Craft Fast) còn được gọi là Swift được dùng để thay thế. Đây là loại duyên tốc đĩnh tương đối nhỏ, tầm hoạt động chỉ lên đến Đồng Hới. Sau này, trong chương trình Việt Hóa chiến tranh, HQVNCH được trang bị rất nhiều loại duyên tốc đĩnh này để thành lập những Hải Đội Duyên Phòng.
Swift là loại tuần duyên đĩnh mũi ngắn, sườn nhôm, dài chừng 50 bộ do hãng đóng tầu Seward Seacraft ở Burwick, Louisiana chế tạo. Tầu trọng tải 19 tấn, tầm nước 3.5 bộ, gắn 2 máy diesel và có vận tốc tối đa chừng 28 gút. Vũ khí trang bị gồm có một đại liên 50 (12 ly7) gắn trên nóc phòng lái; sân sau có một súng cối 81 ly trực xạ trên gắn đại liên 50. Thủy thủ đoàn gồm có 5 người.
So với loại ghe Nautilus, duyên tốc đĩnh Swift tuy nhanh và trang bị hỏa lực khá mạnh nhưng tầm hoạt động tương đối ngắn, chỉ lên đến Đồng Hới. Tuy vậy, Swift vẫn không phải là đối thủ của các tầu tuần duyên loại P-4 có vận tốc nhanh hơn và Swatow trang bị đại bác 37 ly của Bắc Việt. Do đó, vì nhu cầu công tác đòi hỏi, vào khoảng đầu năm 1964, SPVZH được trang bị các chiến đĩnh loại Khinh Tốc Đĩnh (PTF - Patrol Torpedo Fast) lớn hơn, tầm hoạt động xa hơn, có vận tốc cao và hỏa lực mạnh hơn. Việc xử dụng PTF và người nhái tại Việt Nam đã được Khối Hành Quân Đặc Biệt của Hoa Kỳ chính thức đề nghị trong văn kiện đề ngày 27 tháng 9 năm 1962.
- Khinh Tốc Đĩnh PTF
Tổng cộng có ba loại PTF được dùng ở Việt Nam: PTF cũ thời đệ nhị thế chiến, PTF loại "Nasty" do Na Uy chế tạo và PTF loại "Osprey" do Hoa Kỳ đóng. Điểm đặc biệt là tất cả các ống phóng ngư lôi đều được tháo gỡ vì đối thủ Bắc Việt chỉ có các loại tầu nhỏ, không phải là mục tiêu của loại vũ khí này. Súng ống trang bị trên các PTF cũng được biến cải để phù hợp với nhiệm vụ trao phó.
Các PTF được đặt dưới quyền điều động của MST, vào tháng 3/64 do Đại Úy Burton Knight chỉ huy. MST trực thuộc MACSOG tại Sài Gòn. Về hệ thống chỉ huy, trên MACSOG là SACSA (Special Assistant for Counterinsurgency and Special Activities) thuộc Ngũ Giác Đài và Hội Đồng 303 (Committee 303) thuộc Hội Đồng An Ninh Quốc Gia (National Security Council - NSA). Tuy nhiên, những nhân viên Hoa Kỳ ở Đà Nẵng thuộc Toán Yểm Trợ Hành Quân Hải Quân (Naval Operation Support Group) đặt căn cứ tại Coronado, California do Đại Tá Phil H. Bucklew chỉ huy. Toán này chịu trách nhiệm về các hoạt động đặc biệt của Hải Quân Hoa Kỳ trong vùng Thái Bình Dương cũng như quản trị nhân viên do Toán cung cấp cho SOG để xử dụng trong các hoạt động tại Việt Nam..
+ PTF Loại Cũ
Hai PTF đầu tiên được dự trù trang bị cho LLHT là loại cũ từ thời đệ nhị thế chiến (giống PT 109 của TT Kennedy), dùng máy Packard chạy bằng xăng máy bay nên còn được gọi là "tầu xăng". Ngay từ lúc đầu, các giới chức quen thuộc với công tác Biệt Hải tại Đà Nẵng cũng như Sài Gòn đã không tán thành việc xử dụng loại PTF cũ này, nhưng Hoa Thịnh Đốn ra lệnh cứ dùng thử. Do đó, vào khoảng tháng giêng năm 1963, Hải Quân Hoa Kỳ tân trang 2 chiến đĩnh là các PT-810 và PT-811 đang tồn trữ tại Hải Quân Công Xưởng Philadelphia.
Đây là kiểu Ngư Lôi Đĩnh dùng trong đệ nhị thế chiến nhưng được đóng vào năm 1950. Vũ khí trang bị nguyên thủy gồm ống phóng ngư lôi, 2 đại bác 40 ly một ở trước mũi và một ở sân sau, 2 đại bác 20 ly, 2 đại liên 50 bên hông. Khi sang Việt Nam, khẩu đại bác 40 ly trước mũi được cắt bỏ và thay bằng khẩu súng cối 81 ly trực xạ gắn thêm đại liên 50. Hai PT này được đổi tên là PTF-1 và PTF-2. Sau khi chạy thử, cả 2 chiếc PTF gặp khá nhiều trở ngại kỹ thuật nên được giữ lại tại công xưởng Philadelphia để sửa chữa. Vào khoảng thời gian này, Hải Quân Hoa Kỳ cũng vừa nhận được 2 chiếc PTF mới loại "Nasty" đặt mua từ Na Uy, đặt tên là PTF-3 và PTF-4.
Ngày 19 tháng giêng năm 1964, các PTF-1và PTF-2 được chiến hạm Pioneer Myth chở từ Norfolk đến Subic Bay vào đầu tháng 2 và đến Việt Nam khoảng tháng 3 năm 1964. Lúc này, các PTF-3 và PTF-4 loại "Nasty" cũng đã tới Việt Nam từ trước, vào khoảng cuối tháng 2/64. Các PTF-1 và PTF-2 được chạy thử tại Đà Nẵng và nhận thấy rằng không được an toàn và hữu hiệu vì nhiều lý do. Thứ nhất, tầu chạy bằng xăng nên có thể phát nổ dễ dàng nếu bị trúng đạn trong lúc công tác. Thứ hai máy nổ rất ồn ào, gây nhiều tiếng động nên không thích hợp cho việc thả và vớt toán vì dễ bị lộ. Thứ ba, máy rất khó tái khởi động sau khi tắt vì hơi bị kẹt trong lòng máy. Điều này rất nguy hiểm vì sau khi thả toán, chiến đĩnh có thể phải tắt máy để tránh gây tiếng động, nhưng vẫn có thể cần khởi động ngay trong trường hợp khẩn cấp. Thứ tư, máy rất khó vào số lùi. Tuy có khuyết điểm nhưng tầu xăng có hỏa lực mạnh và vận tốc tương đối cao nên rất hữu hiệu trong các công tác pháo kích hay yểm trợ hải pháo.
Ngoài các vấn đề an toàn nêu trên, vì các PTF này thuộc loại cũ không dùng đã lâu nên khó kiếm cơ phận. Hơn nữa, việc dùng chiến đĩnh chế tạo tại Hoa Kỳ cũng là một trở ngại vì theo qui luật, các phương tiện và võ khí xử dụng trong các cuộc hành quân biệt kích đều không được mang xuất xứ từ Hoa Kỳ để tránh các rắc rối về ngoại giao.
Các PTF loại cũ này tham dự một số công tác đáng kể, nhưng sau này, trong những hoạt động vào ngày 30 tháng 7 và 3 tháng 8 năm 1964, cả 2 PTF-1 và PTF-2 đều bị trở ngại về máy móc nên sau đó được thay thế bằng các PTF tối tân hơn do Na Uy chế tạo.
Tổng cộng chỉ có 2 PTF loại cũ được xử dụng trong LLHT. Một trong hai hạm trưởng của loại "tầu xăng" này kể lại như sau:
"Máy chạy để ở vị thế ngừng (idle) không được đều, tiếng máy "gầm gừ" nghe rất lạ. Sự khởi động của máy rất khó khăn. Khi khởi động máy thường phát ra tiếng nổ rất lớn và thổi ra một cục lửa lớn bằng trái banh xa chừng một thước rưỡi. Chân vịt của tầu rất lớn nên quạt nước thật mạnh, mỗi khi tầu cập cầu hay rời bến đều làm cho vịnh nổi sóng. Tầu chỉ chạy tốt với tốc độ cao, chạy chậm dễ bị chết máy. Do đó cơ khí viên rất mệt, phải luôn luôn trông chừng cho máy khỏi bị tắt. Khi máy bị tắt thì khởi động rất khó, đôi khi hết cả bình gió ép! Vận tốc của tầu rất cao, khi đi (lúc tầu nặng vì còn nhiều dầu) có thể tới 35-40 gút, khi về thì 40-45 gút. Chẳng chiếc tầu nào giám cập cạnh hoặc đối diện với tụi tôi. Chúng tôi cũng không bao giờ cập cạnh nhau. Hạm trưởng các tầu khác thường gọi chúng tôi là 2 thằng thủy quái.
Tầu được trang bị 1 đại bác 40 ly, 2 đại bác 20 ly, 2 đại liên 50 và một súng cối 81 ly gắn thêm đại liên 50. Công tác của tụi tôi là chỉ có bắn phá chứ không thả hay vớt người, thành ra rất nhàn hạ và luôn luôn thành công. Công tác của những tầu khác là thả người và vớt người nên đôi khi sai hẹn hay trở ngại vớt không được, nhiều khi đi không lại về không, có khi phải chờ dài cả cổ mới gặp được".
+ PTF Na Uy (Nasty)
Vì các khuyết điểm khó khắc phục nói trên của loại tầu xăng nên khoảng cuối năm 1965, LLHT được trang bị những khinh tốc đĩnh loại "Nasty" tối tân nhất thế giới vào thời bấy giờ do Hải Quân Na Uy và Tây Đức cùng nghiên cứu và chế tạo.
Khinh tốc đĩnh Nasty do kiến trúc sư Jan H. Lingen của Na Uy vẽ kiểu sau khi tham khảo ý kiến với các sĩ quan thuộc hải quân Hoàng Gia Na Uy và tổng hợp những ưu điểm của các loại ngư lôi đĩnh PT của Hoa Kỳ và Fairmile "D" của Anh. Loại tầu tuần tiễu duyên hải này có thể mang theo thủy thủ đoàn 19 người. Chiếc Nasty đầu tiên được chế tạo cho hải quân Na Uy mang tên KNM TJELT (P-343). Tổng cộng, Na Uy chỉ đóng 42 chiếc Nasty, gồm 20 cho Na Uy, 6 cho Hy Lạp, 2 cho Thổ Nhĩ Kỳ và 14 cho Hoa Kỳ dùng tại Việt Nam.
Hai chiếc Nasty đầu tiên được giao cho Hải Quân Hoa Kỳ vào đầu năm 1963 tại Little Creek, Virginia, sau khi chạy thử, được đặt tên là PTF-3 và PTF-4 vào ngày 3 tháng 5 năm 1963, rồi được đưa đi huấn luyện tại San Diego. Ngày 17 tháng 9, hai chiến đĩnh được chiến hạm Point Defiance (Landing Ship Dock - LSĐ 31) chở đến Pearl Harbor, Hawaii rồi tới Subic Bay một tháng sau đó. Tại Subic, các PTF-3 và PTF-4 được biến cải để gắn thêm thùng đựng nhiên liệu để nâng cao tầm hoạt động, bằng cách gỡ bỏ pháo tháp 40 trước mũi, thay vào đó bằng ụ súng 81 ly trực xạ gắn thêm đại liên 50. Ngày 22 tháng 2 năm 1964, cả hai PTF được đưa lên chiến hạm Carter Hall để chở qua Việt Nam. Nhưng trong lúc đưa lên chiến hạm chuyên chở, PTF-3 bị sóng đập vào thành tầu lớn khiến vỏ bị bể, vì vậy được để lại Subic Bay để sửa chữa. Mãi đến cuối tháng 2/64, PTF-3 mới đến Đà Nẵng.
Trong thời gian đó, vào ngày 1 tháng 2 năm 1964, Na Uy lại giao thêm 4 chiếc Nasty mới là các PTF 5, 6, 7 và 8 tại hải cảng Bergen, Na Uy. Các tầu này được đưa lên chiến hạm Point Barrow (AKD-1) chở tới Subic Bay vào ngày 3 tháng 3. Sau khi được biến cải và tân trang, các Nasty này được đưa đến Việt Nam vài tháng sau đó.
Khinh tốc đĩnh Nasty có vỏ bằng ván ép nhiều lớp đặc biệt, trọng tải 75 tấn, dài khoảng 80 bộ, rộng 24.7 bộ, tầm nước 3.7 bộ phía trước, 6.10 bộ chỗ chân vịt sau lái, có thể mang 18 tấn hay 6,100 gallons dầu cặn, tầm hoạt động lên đến 1,000 hải lý với tốc độ tiết kiệm. Máy tầu loại Napier & Deltic của Anh, 18 xy lanh, vận tốc đường trường khoảng 35 gút, vận tốc tác chiến tối đa có thể lên đến 50 gút khi tầu không mang nhiều nhiên liệu..
Về vũ khí, Nasty được trang bị 1 súng cối 81 ly trực xạ gắn thêm đại liên 50 trước mũi. Sân sau lái đặt khẩu đại bác 40 ly, hai bên hông ngang đài chỉ huy gắn đại bác 20 ly. Dụng cụ hải hành gồm la bàn điện, máy dò chiều sâu và radar loại Decca có tầm hữu dụng 50 hải lý với màn ảnh chính đặt trong trung tâm chiến báo và "repeater" trên đài chỉ huy. Radar này thường được dùng để hải hành hay hải thám, nhưng khi cần, ăng ten có thể ngóc lên 15 độ để phòng không. Tuy radar thuộc loại tối tân thời bấy giờ, nhưng các mạch điện còn dùng đèn điện tử nên khi biển động, tàu nhảy sóng và bị đập mạnh xuống mắt nước, các đèn dễ bị lỏng hoặc cháy. Máy truyền tin gồm các loại âm thoại cũng như tín hiệu.
Đặc điểm của loại Nasty là vận chuyển nhẹ nhàng, cần điều khiển máy nằm ngay trên đài chỉ huy nên hạm trưởng có thể tự mình tăng hay giảm máy dễ dàng không phải "truyền lệnh" trong lúc tác chiến hay trường hợp khẩn cấp. Đài chỉ huy lộ thiên, không có chỗ ngồi và tương đối thấp để đỡ cản gió. Khi hải hành với vận tốc cao, khoảng phân nửa thân tầu về phía trước mũi hỏng lên khỏi mặt nước, nếu gặp sóng ngược, phần lớn thân tầu bị dở lên khỏi mặt nước rồi đập xuống như phi ngựa, những đứng người trên đài chỉ huy đều phải "thủ thế" để giảm bớt sức dội và đỡ bị sóng biển tạt ướt. Tuy vậy, vỏ ván ép của Nasty có sức chịu đựng rất bền bỉ, không bị bể hay nứt. Với các đặc tính này, khinh tốc đĩnh Nasty rất được các hạm trưởng ưa chuộng và trở thành xương sống của LLHT.
+ PTF Osprey
Khoảng giữa năm 1968, để thay thế cho một số chiến đĩnh Nasty vào công xưởng sửa chữa đại kỳ hay bị hư hại trong lúc tác chiến, LLHT nhận thêm một số chiến đĩnh mới cũng thuộc loại PTF nhưng có tên là "Osprey" do Hoa Kỳ chế tạo. Loại khinh tốc đĩnh này do hãng đóng tàu John Trumpy and Sons of Annapolis, Maryland sản xuất, tổng cộng chỉ có 6 chiếc.
Các chiến đĩnh Osprey được đóng mô phỏng theo loại Nasty của Na Uy, nhưng vỏ bằng nhôm thay vì bằng gỗ. Đặc biệt, loại Osprey được trang bị máy điều hòa không khí nên rất tiện nghi khi đi công tác. Nghe nói sườn và phần sau lái tầu được nhập cảng "tiền chế" từ Na Uy. Khinh tốc đĩnh Osprey tuy vỏ bằng nhôm nhưng vẫn hơi nặng hơn loại Nasty nên vận tốc kém hơn khoảng 5 gút và mức độ nhảy sóng cũng kém hơn. Vũ khí trang bị tương tự như Nasty. Tuy nhiên, vỏ nhôm của Osprey không chịu được vận tốc cao khi hoạt động trong thời tiết xấu, tầu bị sóng nâng cao và đập mạnh xuống mặt biển nên vỏ tàu bị nứt chỉ sau 6 tháng hoạt động. Vì lý do này, có 4 chiến đĩnh được đưa qua Việt Nam để thử nghiệm, nhưng sau đó lại đưa về Hoa Kỳ và trở thành các PTF 23, 24, 25 và 26 trong Hải Quân.
D. Nhân Viên
Trước khi đi sâu vào phần quan trọng và đặc biệt nhất của LLHT là lãnh vực nhân sự, cần nhắc qua về nhân viên của toán xâm nhập đường biển trước đây, có thể coi là tiền thân của LLHT và SPVZH.
Đối với công luận Hoa Kỳ và thế giới tức là về mặt nổi, những cuộc hành quân biệt kích nhắm vào miền Bắc đều do chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tự đứng ra tổ chức, do đó nhân viên tham dự đều là người Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, có một số người Đài Loan và đệ tam quốc gia do CIA tuyển mộ trong giai đoạn đầu. Cũng giống như CIA đã thuê mướn nhân viên người Đài Loan lái những máy bay C-47 thả dù Biệt Kích ngoài Bắc, CIA cũng mướn những người thuộc "quốc gia thứ ba" dự trù xử dụng trong những cuộc hành quân Biệt Hải xuất phát từ Đà Nẵng.
Thoạt kỳ thủy khi còn xử dụng ghe Nautilus, thủy thủ đoàn đều là nhân viên dân chính Việt Nam, đa số gốc người Nghệ An, Hà Tĩnh hay gốc Nùng di cư vào miền Nam. Các ghe Nautilus được ngụy trang trông rất giống các ghe đánh cá ngoài Bắc để dễ trà trộn, bởi vậy thủy thủ đoàn cũng phải là người Việt giống như ngư phủ địa phương. Toán đổ bộ phần lớn cũng là người Việt. Tuy nhiên trong một vài công tác đổ bộ đầu tiên tại vùng Móng Cái gần biên giới Việt - Hoa, có một số người nhái Trung Hoa Quốc Gia tham dự, nhưng có lẽ họ chỉ nhân cơ hội để hoạt động trên lãnh thổ Trung Cộng.
Về sau, vì nhu cầu công tác, CIA thay thế các ghe Nautilus bằng ba duyên tốc đĩnh PCF là loại tầu mới và tối tân nên các nhân viên dân sự Việt Nam không đủ khả năng điều khiển. Vì vậy CIA đã mướn một số người thuộc đệ tam quốc gia để làm thuyền trưởng. Theo các tài liệu Hoa Kỳ và trong cuộc phỏng vấn gần đây của phóng viên Thụy Điển Sven Oste, thuyền trưởng những chiếc Swift này đều là người quốc tịch Na Uy (ông Oste đã phỏng vấn 2 trong số những người Na Uy từng làm thuyền trưởng Swift tại Việt Nam). Ngoài thuyền trưởng người Na Uy, mỗi chiếc Swift thường có thêm 3 nhân viên dân chính Việt Nam: một tài công, một xạ thủ và một thông dịch viên. Ba thuyền trưởng người Na Uy này thường được gọi đùa là "dân Viking". Họ được tuyển mộ từ Na Uy vào tháng 7/63 và đi chuyến công tác cuối cùng vào ngày 27/5/64, sau đó họ rời Việt Nam vào tháng 6/64 khi mãn giao kèo. Nhận xét chung về người Na Uy, họ là những thuyền trưởng tương đối có khả năng và chu toàn nhiệm vụ được trao phó.
Vào tháng 6/64, sau khi những người Na Uy mãn giao kèo, một số người quốc tịch Trung Hoa đuợc tuyển mộ để thay thế, nhưng khi việc huấn luyện hoàn tất thì chiến đĩnh Swift không còn được dùng trong những công tác vượt vĩ tuyến 17 Bắc nữa.
Về toán đổ bộ, thoạt tiên có một số người thuộc quốc tịch thứ ba như Trung Hoa Quốc Gia trong vài chuyến đầu gần biên giới Hoa - Việt, nhưng sau đó, nhân viên đều là Biệt Hải, đa số thuộc Liên Đoàn Người Nhái HQVNCH.
Đối với các chiến đĩnh PTF, lúc đầu CIA mướn những người Đức để huấn luyện và dự tính dùng vào những chức vụ then chốt, còn người Nùng và Việt Nam chỉ là phụ tá. Nhưng sau đó, những người Đức bị sa thải vì thường uống rượu say sưa. Nhóm người Đức dựa vào giao kèo để phản đối, nhưng sau này CIA trả cho họ một số tiền cho êm chuyện. Nhóm người Đức này không đi một chuyến công tác nào trên PTF. Những chuyến công tác đầu tiên của PTF vào tháng 7 và 8/64 đều do các sĩ quan HQVNCH chỉ huy. Toán đổ bộ dùng PTF đại đa số là người Việt Nam với một số ít người thuộc sắc tộc thiểu số Nùng.
Kể từ khi SPVZH và LLHT được chính thức thành lập, thủy thủ đoàn của các PTF và Swift đều là những quân nhân Hải Quân VNCH tình nguyện. Vì số người tình nguyện bao giờ cũng cao hơn số được thâu nhận nên việc tuyển lựa rất kỹ càng, căn cứ vào kinh nghiệm hải hành, tinh thần phục vụ, sức khỏe và khả năng tác chiến. Việc điều tra an ninh cũng rất gay go với mức độ "mật" hay "tối mật". Khi được tuyển chọn mỗi người phải ký một giao kèo có hiệu lực trong vòng một năm. Sau đó, cứ mỗi 6 tháng khi giao kèo hết hạn, nhân viên có quyền ký thêm 6 tháng nữa hoặc thuyên chuyển về Hải Quân. Mỗi lần ký giao kèo, người tình nguyện, dù sĩ quan hay đoàn viên, đều lãnh một số tiền bằng nhau. Ngoài ra, còn có tiền phụ cấp cho mỗi chuyến công tác trên vĩ tuyến 17 và tiền phụ trội ẩm thực. Ngân khoản này đều do chính phủ Hoa Kỳ cung cấp. Tiền lương Hải Quân vẫn được lãnh hàng tháng như thường lệ.
Về việc tuyển mộ tình nguyện này, một sĩ quan từng phục vụ lâu năm trong LLHT kể lại như sau:
"... Tưởng cuộc đời mình dính liền với Hạm Đội thì một hôm, HQ Trung Tá... xuống gặp anh em chúng tôi, ngỏ ý tuyển mộ một số sĩ quan trẻ có khả năng để phục vụ trên các khinh tốc đĩnh trong các nhiệm vụ đặc biệt. Với máu ưa mạo hiểm sẵn có cũng như niềm ngưỡng mộ đối với hình ảnh hào hùng của cố Tổng Thống Kennedy lúc ông còn là Hạm Trưởng PT 109 trong Đệ Nhị Thế Chiến, chúng tôi chỉ cần có mấy ngày để rời bỏ Hạm Đội để bước vào một thử thách mới. Khóa chúng tôi gồm có 6 người, cộng thêm 6 bạn khóa 11 trở thành nhóm Sĩ Quan trẻ đầu tiên của LLHT".
Một khi đã ký giao kèo gia nhập LLHT, người tình nguyện không còn thuộc hệ thống chỉ huy của Hải Quân nữa, mà trở thành nhân viên của Lực Lượng Đặc Biệt nên không cần mặc quân phục Hải Quân, ngoại trừ sáng thứ hai khi làm lễ thượng kỳ hay khi có thượng cấp thăm viếng. Trong doanh trại, đa số thường bận quân phục Bộ Binh. Khi đi công tác thường chỉ mặc bộ đồ bà ba đen. Ngay cả lý lịch cũng thay đổi, mỗi người lấy một tên giả, còn thư từ thì gửi về một hộp thư chung cho toàn lực lượng.
E. Vũ Khí Xử Dụng
Ngoài những vũ khí trang bị trên chiến đĩnh, toán đổ bộ lúc đầu còn xử dụng các hỏa tiễn thới chỉnh để bắn phá các mục tiêu, nhưng vì hỏa tiễn không được chính xác nên sau này họ xử dụng súng 57 ly không giật để tăng cường hỏa lực. Những ổ súng không giật di động này có thể thiết trí ở bât cứ nơi nào trên chiến đĩnh vì không cần dùng chân súng. Các ổ súng không giật thường được đặt ở sân trước ngay dưới chân khẩn súng cối 81 ly trên chiến đĩnh mỗi khi bắn phá mục tiêu trên bờ. Toán đổ bộ cũng thực tập bắn súng 57 ly bằng cách mang trên vai để có thể xử dụng vũ khí này trên xuồng cao su. Ngoài súng 57 ly, còn có các loại 90 ly hay 106 ly nhưng không được xử dụng thường xuyên. Nhiều loại mìn nổ chậm cũng được Biệt Hải dùng trong công tác phá hoại. Về vũ khí cá nhân, các nhân viên đổ bộ dùng loại súng AK của khối CS hay tiểu liên (K-gun) do Thụy Điển chế tạo.
F. Tin Tức Tình Báo Và Không Ảnh
Trước khi lên đường hành quân, các Hạm Trưởng và trưởng toán đổ bộ thường được thuyết trình về tình hình địch cũng như xem không ảnh mới nhất của vùng mục tiêu. Tin tức tình báo thường là cung từ của các tù binh hay dân đánh cá bị tại địa phương bị bắt về để khai thác. Các không ảnh này đa số do phi cơ "tối mật" U-2 chụp trên cao độ ngoài tầm hỏa tiễn phòng không cũng như phi cơ của BV. Các phi cơ U-2 thường xuất phát từ phi trường Biên Hòa, đôi khi từ căn cứ Clark Air Base bên Phi Luật Tân.
Tại phi trường Biên Hòa thường có hai phi cơ U-2 túc trực. Không ảnh của phi cơ U-2 là nguồn tình báo chính cho các cuộc hành quân OPLAN 34A. Thông thường, vào ngày có công tác, một phi cơ U-2 bay từ sáng sớm để chụp hình mục tiêu. Đến trưa, không ảnh đã có trong tay MACSOG tại Sài Gòn. Đôi khi không ảnh cũng được chụp bằng các phi cơ không người lái (drone) ở cao độ thấp hơn hoặc bằng cách chụp hình trên màn ảnh radar (radarscope photography) trên các phi cơ bay đêm.
G. Tinh Thần Chiến Đấu
Dĩ nhiên trong mỗi lần vượt vĩ tuyến 17 thi hành công tác, bao giờ cũng có những nguy hiểm chờ sẵn, nhưng thật ra những lo âu, hồi hộp không phải vì địch quân mà do cảm giác thiếu an toàn khi hoạt động trong vùng địch kiểm soát. Trong những chuyến công tác đầu tiên, tuy vẫn hải hành ngoài biển, nhưng một khi vượt qua lằn ranh tưởng tượng là vĩ tuyến 17 sang hải phận địch, ai cũng cảm thấy tinh thần căng thẳng. Ngược lại khi trở về vùng biển nhà, mọi người đều thở phào nhẹ nhõm.
Lâu dần, đầu óc cũng quen đi, hơn nữa so với các tầu tuần duyên Bắc Việt, các chiến đĩnh LLHT có hỏa lực mạnh hơn, vận tốc lại nhanh hơn nên lúc nào cũng chiếm được thế thượng phong. Vì vậy, những cảm giác lo âu ban đầu không còn nữa nhưng lúc nào cũng cần đề phòng cẩn mật và tập trung tâm trí chỉ vào việc hoàn thành công tác. Đã từng phục vụ tại các giang đoàn ở miền Nam, chúng tôi nhận thấy rằng những chuyến công tác vượt tuyến còn ít nguy hiểm hơn nhiều. Các giang đĩnh hoạt động trong sông lạch chật hẹp là mục tiêu bị động tốt cho địch quân ẩn núp hai bên bờ nhắm bắn bất cứ lúc nào; ngược lại, các chiến đĩnh tối tân của LLHT ngoài biển cả luôn luôn nắm vai trò chủ động.
Mỗi chuyến công tác vượt tuyến là một cuộc phiêu lưu mạo hiểm rất hào hứng và cũng là một thử thách. Ngoài ra, các chuyến công tác tương đối ngắn, ít khi kéo dài quá 24 tiếng đồng hồ, không mấy nguy hiểm lại được đãi ngộ xứng đáng nên tinh thần của nhân viên LLHT rất cao. Bằng cớ là có rất nhiều người thuộc thủy thủ đoàn chưa tới phiên, nhưng vẫn tình nguyện đi công tác thay thế cho những người vắng mặt ở thủy thủ đoàn khác cho đủ cấp số. Lắm người tình nguyện này đi công tác nhiều gấp đôi, gấp ba so với các bạn đồng đội thuộc thủy thủ đoàn chính của mình.
2. Lực Lượng Biệt Hải
Ngay từ tháng 11 năm 1962, một căn cứ đã được thiết lập tại bãi biển Mỹ Khê do CIA điều khiển để các ngưới nhái Hoa Kỳ (SEAL - Sea Air Land) huấn luyện các toán đổ bộ. Tuy căn cứ này do CIA chịu trách nhiệm cho tới năm 1964, nhưng việc huấn luyện hoàn toàn do SEAL đảm trách.
Bãi biển Mỹ Khê nằm về hướng đông của bán đảo Tiên Sha, từ chân núi Khỉ (hay núi Sơn Chà) chạy dài về hướng Nam tới Ngũ Hành Sơn (Marble Mountain). Bán đảo Tiên Sha thuộc khu phía đông của thành phố Đà Nẵng. Tất cả các căn cứ của toán Biệt Hải đều nằm dọc theo bãi biển Mỹ Khê. Các toán Biệt Hải sống và huấn luyện trong những trại riêng biệt, tương đối nhỏ chỉ đủ cho vài ba chục người. Có trại dành riêng cho toán Biệt Hải gốc Bộ Binh (Romulus?), có trại dành cho Biệt Hải gốc người nhái Hải Quân (Vega), có trại dành riêng cho toán xử dụng chất nổ dưới nước. Ngoài ra, còn có trại riêng cho những người Nùng chuyên việc canh phòng các doanh trại.
Vào khoảng năm 1964, toán người nhái Hải Quân Hoa Kỳ đảm trách việc huấn luyện các toán Biệt Hải, dưới quyền chỉ huy của Đại Úy Cathal L. Flynn. Các toán Biệt Hải được huấn luyện về kỹ thuật chèo xuồng cao su, đổ bộ, bơi ngầm dưới biển, xử dụng chất nổ v.v... Về vũ khí, đầu tiên họ được huấn luyện cách xử dụng hỏa tiễn loại 3.5 inch thời chỉnh (time- delay) do CIA cung cấp. Trên nguyên tắc, một toán có thể đổ bộ gần mục tiêu rồi đặt giàn phóng hỏa tiễn, điều chỉnh thời gian khai hỏa rồi rút về căn cứ trước khi hỏa tiễn khai hỏa. Tuy nhiên, loại hỏa tiễn này không được hiệu quả vì kém chính xác, hệ thống thời chỉnh hay bị sai và nhất là nguy hiểm vì hay phát nổ bất tử. Những hỏa tiễn này đã được dùng vài lần trong các cuộc đổ bộ ngoài Bắc nhưng sau bị loại bỏ vì không có hiệu quả và sau này được thay thế bằng súng 57 ly không giật. Đây là loại súng đại bác hạng nhẹ với hơi nổ được đẩy ra phía sau thay vì theo nòng súng tống ra phía trước nên "không giật" do đó không cần chân hay đế súng để triệt tiêu sức giật.
Vào tháng 3 năm 1964, Hải Quân Đại Úy Trịnh Hòa Hiệp thuộc Liên Đoàn Người Nhái HQVNCH được thuyên chuyển ra làm Chỉ Huy Trưởng toán LĐNN tại Mỹ Khê. Đây là toán hoạt động hữu hiệu và đạt được nhiều thành quả nhất.
Nguồn từ tài liệu của NKT/ B.TTM/ QLVNCH
Bảy Hiền cựu nhân viên Sở PVDH
No comments:
Post a Comment