Gia chánh

Saturday, May 28, 2016

Chiến tranh Hoa Kỳ – Trung Hoa

Khuất Phong Nguyễn Đình Phùng
 
Tổng Thống Obama vừa viếng thăm Việt Nam ngày Chủ Nhật 22 tháng 5 vừa qua. Chuyến đi này của Obama có thể hiểu như đây là một sửa soạn cho cuộc chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa sẽ xảy đến trong thời gian gần.

Lý do là trong những tính toán của các chiến lược gia của Ngũ Giác Đài, Việt Nam nắm giữ địa điểm chiến lược quan trọng bậc nhất trong cuộc chiến sắp tới này. Hiện nay 99% thời giờ của những người sửa soạn chiến lược tầm xa cho Hoa Kỳ đều được dành cho việc đối phó với Trung Hoa. Ngay cả Nga với Putin và vùng Trung Đông và hiểm họa khủng bố của Islamic State cũng chỉ được dành cho 1% còn lại! Điều này cho thấy đối với bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, cuộc chiến với Trung Hoa đã chiếm ngự hoàn toàn mọi tính toán và sửa soạn, cũng như những dự trù cho ngân sách chi tiêu về vũ khí đủ loại, tất cả chỉ với mục đích đánh bại Trung Hoa trong cuộc chiến gần kề!

Trước khi Obama tới Việt Nam, thứ trưởng quốc phòng Daniel Russell, phụ trách vùng Đông Á Thái Bình Dương, đã sang trước để thương thảo với chính quyền cộng sản Hà Nội về việc quân lực Hoa Kỳ trở lại và xử dụng vịnh Cam Ranh. Chính phủ Việt Nam trước giờ trong thế leo dây giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa vẫn phủ nhận việc để Hoa Kỳ trở lại Cam Ranh. Nhưng với đe dọa và áp lực của Trung Hoa ngày càng nặng, cộng thêm việc Trung Hoa gần như chiếm cứ toàn vùng biển Đông và xây các hòn đảo nhân tạo với cơ sở quân sự trên quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam sẽ bắt buộc phải đi với Hoa Kỳ và để Hoa Kỳ xử dụng vịnh Cam Ranh.

Ngày 10 tháng 3 vừa qua, Việt Nam đã cho khánh thành một cơ sở hải cảng quốc tế tại Cam Ranh, nói là để dùng cho dân sự, nhưng cơ sở này có thể xử dụng cho các tàu chiến. Một số các tàu của Nga, Nhật và Singapore đã bắt đầu đến và xử dụng Vịnh Cam Ranh. Việc Hoa Kỳ trở lại có thể sẽ không được làm rùm beng để tránh phản ứng trả đũa mạnh mẽ của Trung Hoa. Nhưng sau cùng mục đích của Hoa Kỳ vẫn đạt được. Là xử dụng hải cảng Cam Ranh cho hải quân Hoa Kỳ và sau này sẽ là căn cứ quân sự cho quân lực Hoa Kỳ, để đối phó trực tiếp và hữu hiệu với Trung Hoa, hiện đang có căn cứ hải quân với lực lượng tiềm thủy đĩnh ngay tại đảo Hải Nam về phía Bắc của Cam Ranh.

Mấy tháng trước đây Hoa Kỳ đã giải quyết được việc dùng Phi Luật Tân làm căn cứ quân sự khi Tối Cao Pháp Viện của Phi cho phép Hoa Kỳ được xử dụng các căn cứ quân sự trước đây Hoa Kỳ đã dùng trong cuộc chiến Việt Nam nhưng sau đó bị Phi đòi lại. Đây là các căn cứ Subic Bay và Clark Air Force Base. Ngoài ra còn có các căn cứ khác như Antonio Bautista tại Palawan, Fort Magsaysay, Basa Airbase và Benito Ebuen Airbase. Các căn cứ quân sự này của Phi rất hữu ích cho Hoa Kỳ trong trường hợp Hoa Kỳ quyết định tấn công các phi đạo và căn cứ quân sự của Trung Hoa trên 5 hòn đảo nhân tạo tại Hoàng Sa.

Tuy nhiên đối với các chiến lược gia Hoa Kỳ, các căn cứ quân sự của Phi này không thể sánh được với vị trí thuận lợi và địa điểm chiến lược, cũng như mức độ sâu và bảo vệ an toàn cho các hàng không mẫu hạm của Vịnh Cam Ranh.

Cam Ranh quan trọng vô cùng cho chiến lược triệt hạ Trung Hoa của Hoa Kỳ. Vì thế có thể chính quyền cộng sản Hà Nội không ra thông cáo hay ký kết gì cả một cách công khai. Nhưng sau chuyến đi này của Obama, nhiều phần trong thời gian sau đó, quân lực Hoa Kỳ sẽ từ từ và kín đáo trở lại Cam Ranh để sau cùng lập lại căn cứ quân sự vĩ đại tại đây! Những thương thuyết hiện tại về việc bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam hay ngay cả những đòi hỏi về nhân quyền và đòi chính phủ cộng sản thả tù nhân chính trị,  chỉ là hình thức bề ngoài. Mục tiêu chính vẫn là việc Hoa Kỳ trở lại Cam Ranh!

Hiện tại Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ gần như đã sẵn sàng cho cuộc chiến tranh với Trung Hoa có thể xảy ra bất cứ lức nào. Một đạo luật về quốc phòng ít được để ý đến gọi là SouthEast Asia Maritime Security Initiative vừa thông qua đầu năm 2016, cho bộ Quốc Phòng huấn luyện, trang bị và yểm trợ các xứ Phi Luật Tân, Việt Nam, Mã Lai, Nam Dương và Thái Lan với ngân sách là 406 triệu Mỹ Kim cho 4 năm 2016 – 2020. Bộ trưởng quốc phòng Ashton Carter cũng đã cho vận chuyển các hệ thống chống phi đạn tối tân nhất như Howitzer Paladin, M-777 và các dàn phòng thủ gọi là THAAD, Patriot và Army Tactical Missile System về vùng biển Đông Hải, để sẵn sàng xử dụng trong cuộc chiến tranh với Trung Hoa.

Hải quân Hoa Kỳ cũng đã sẵn sàng cho cuộc hải chiến với Trung Hoa. Trong khoảng mấy năm gần đây, Trung Hoa đã có chiến lược gọi là Anti-Access, Area-Denial dùng phi đạn có tầm bắn xa và phá được các chiến hạm của Hoa Kỳ, kể cả hàng không mẫu hạm. Các dàn phi đạn này đặt dọc theo bờ biển, ngăn chặn hạm đội của Hải Quân Hoa Kỳ không đến gần ven bờ Trung Hoa được. Nhưng Hoa Kỳ đã lập tức chế tạo các hệ thống tối tân hơn, trang bị cho các chiến hạm loại DDG 51, Arleigh-Burke class destroyers các hệ thống gọi là NIFC-CA (Naval Integrated Fire ConTrol - Counter Air), có khả năng bắn hạ các phi đạn của Trung Hoa và vô hiệu hóa chiến lược ngăn chặn Anti Access Area Denial như nói trên của Trung Hoa.

Điều này có nghĩa hiện nay Hoa Kỳ đã dồn hết nỗ lực vào việc tối tân hóa các vũ khí chiến lược với mục tiêu duy nhất là triệt hạ Trung Hoa và sẵn sàng cho chiến tranh với Trung Hoa. Các chiến lược gia Hoa Kỳ hiện nay gần như đã đi đến kết luận là chính quyền Tập Cận Bình không sớm thì muộn sẽ gây ra chiến tranh trước với Hoa Kỳ! Lý do là kinh tế Trung Hoa sẽ sụp đổ trong tương lai gần. Và Tập Cận Bình sẽ bắt buộc phải dùng đến chiến tranh để đánh lạc hướng dư luận dân Tàu, không để cho làm loạn và lật đổ chính quyền cộng sản Trung Hoa, một khi kinh tế khủng hoảng nặng và thất nghiệp lan tràn.

Họ Tập từ khi lên cầm quyền đã tỏ ra là kẻ quốc gia cực đoan, muốn trả mối thù với Nhật đã chiếm Trung Hoa trước kia. Điều đáng chú ý là tháng 9 năm 2015, trong cuộc diễn hành tại Thiên An Môn, họ Tập đã cho đoàn quân cầm cờ của PLA (People’s Liberation Army) diễn hành bước đúng 121 bước đến cắm cờ tại giữa sân Thiên An Môn. Con số 121 năm là để nhớ đến mối hận Trung Hoa bị Nhật chiếm đóng năm 1894 và Tập Cận Bình thề sẽ phải trả mối thù này với Nhật!

Cũng như việc họ Tập cương quyết chiếm cả vùng biển Đông, coi các quốc gia khác ven bờ Thái Bình Dương đều là thuộc Tàu, muốn làm gì thì làm. Thái độ quá khích này của họ Tập bất kể đến luật lệ quốc tế cho thấy Trung Hoa chỉ còn một con đuờng duy nhất là sẽ gây ra chiến tranh với Nhật và muốn chiếm đóng các xứ toàn vùng Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Phi Luật Tân, Mã Lai, Nam Dương…..v..v.

Đây là lý do tại sao mấy tháng trước đây, Nhật đã ký kết với Phi Luật Tân thỏa ước hỗ tương quân sự. Phi cũng có một thỏa ước quân sự với Hoa Kỳ và Hoa Kỳ sẽ bắt buộc phải bảo vệ Phi nếu bị Trung Hoa tấn công.

Đây sẽ là khởi đầu cho một cuộc chiến giữa Hoa Kỳ, Nhật với Trung Hoa. Và sẽ mở màn bằng một cuộc đụng độ giữa hải quân Trung Hoa và hải quân Phi trong việc tranh chấp các hòn đảo thuộc Hoàng Sa gần lãnh thổ Phi.  Vì các thỏa ước hỗ tương quân sự giữa Phi với Hoa Kỳ và Nhật, cuộc chiến sẽ lan rộng.

Tập Cận Bình sẽ theo gương vụ Trân Trâu Cảng thời Đệ Nhị Thế Chiến và ra tay tấn công trước. Chiến thuật của Hoa Kỳ là đợi cho Trung Hoa khởi đầu, chịu đựng nửa ngày và lập tức trả đũa. Như trong ngày nhậm chức chỉ huy vùng Thái Bình Dương tháng 5 năm 2015, tướng Harry B Harris, chỉ huy Pacific Command đã tuyên bố: “Nếu bị tấn công, chúng ta sẽ trả đũa ngay trong đêm đó”

Đối với các chiến lược gia Hoa Kỳ, thực sự việc Trung Hoa cho xây các hòn đảo nhân tạo và các căn cứ quân sự tại Hoàng Sa là cơ hội tốt để tấn công Trung Hoa. Vì Hoa Kỳ sẽ dễ dàng cho dội bom và bắn phi đạn phá tan thành bình địa các hòn đảo nhân tạo này. Lực lượng hải quân của Trung Hoa trên đường đến tiếp cứu sẽ là miếng mồi ngon, dễ dàng bị đánh chìm. Và Hoa Kỳ nhân cớ này sẽ cho phá hủy hàng không mẫu hạm duy nhất của Trung Hoa, như một con vịt què nằm trên hồ sitting duck, đợi ăn phi đạn để chìm sâu xuống lòng biển. Các căn cứ tiềm thủy đĩnh của Trung Hoa tại đảo Hải Nam sẽ là mục tiêu khác của Hoa Kỳ để triệt hạ ngay. Cũng như các căn cứ quân sự khác trong nội địa của Trung Hoa cũng sẽ bị phá hủy nhanh chóng với các cruise missile tối tân nhất của Hoa Kỳ.

Cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa sẽ chấm dứt  từ vài ngày đến một hai tuần lễ là tối đa khi chính quyền Tập Cận Bình sụp đổ trước sự tấn công vũ bão của Hoa Kỳ.
Chiến tranh Hoa Kỳ – Trung Hoa như thế là điều không thể tránh khỏi được. Một số viên chức Quốc Phòng Hoa Kỳ cho rằng Tập Cận Bình đã cho sửa soạn và sẽ sẵn sàng để tấn công vào giữa hay cuối năm 2016. Tuy nhiên có thể họ Tập sẽ đợi đến khi qua bầu cử của Hoa Kỳ và chiến tranh sẽ khởi đầu vào những tháng đầu của năm 2017. Dù thế nào chăng nữa, hiện nay biển Đông đã trở thành lò thuốc súng, chỉ cần đợi một ngọn lửa để nổ bùng.

Như tuần lễ trước đây, hai chiến đấu cơ của Trung Hoa đã bay lên đi kẹp sát một phi cơ thám thính của Hoa Kỳ, chỉ cách nhau 50 đến 100 feet. Đây là khoảng cách dễ dàng gây ra đụng chạm giữa hai phi cơ như đã xảy ra trong trường hợp tương tự hai mươi mấy năm trước đây thời nhiệm kỳ đầu của George W Bush. Lúc đó phi cơ của Trung Hoa nổ tan và phi cơ thám thính Hoa Kỳ phải đáp xuống đảo Hải Nam, mãi đến 2 tuần sau phi hành đoàn mới được thả về.

Trong giai đoạn này, một vụ tương tự như thế hay một đụng chạm giữa các chiến hạm tại biển Đông sẽ nhiều phần là mồi lửa đưa đến chiến tranh dễ dàng.

Tóm lại, cuộc chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa đã gần kề và khó lòng tránh khỏi được. Máu lửa và chết chóc sẽ lan tràn. Nhưng cũng có thể đây sẽ là khởi đầu cho chấm dứt của cộng sản Trung Hoa khi Tập Cận Bình bị tiêu diệt. Và Việt Nam  cũng sẽ phải thay đổi theo.  Chúng ta hãy chờ xem.
 
22 tháng 5, 2016
 
Khuất Phong Nguyễn Đình Phùng
 

Hoa Kỳ có cn tránh chiến tranh vi Trung quc không?

 
The Ugly Truth About Avoiding War With China by John Glaser
 
Lời giới thiệu: Ông John Glaser là nhà nghiên cứu về an ninh thế giới tại đại học George Mason. Các bài nghiên cứu của ông thường được đăng tải trên tuần báo Newsweek, và các nhật báo Guardian, Washington Times. Đài CNN cũng thường dùng tài liệu của ông.
 
Thế giới đang lên cơn sốt với nạn ISIS (Islamic State of Iraq & Syria), nhưng việc Trung quốc đang chuyển mình để trở thành một siêu cường cũng là chuyện làm cho các lý
thuyết gia về chiến tranh và hòa bình nhức đầu. Nhà nghiên cứu Graham Allison lập luận rằng thế quốc tế hiện nay giữa Hoa Kỳ và Trung quốc giống như cái thế giữa hai thành phố Athens và Sparta thuộc Hy Lạp vào thế kỷ thứ 5 trước Tây lịch và trận chiến tranh giành thế độc tôn của Sparta kéo dài 30 năm làm cho hai nước đều kiệt quệ mà nhà sử học Thucydides sau này đã dẫn ra như một bằng chứng lịch sử bi đát về sự tranh hùng để giành quyền bá chủ .
Về phần giáo sư Graham Allison, ông sưu tập lịch sử chiến tranh trong 500 năm qua và thấy rằng trong 16 trường hợp lớn nhỏ có một nước đang mạnh và một nước đang lên thì có 12 trường hợp nước mạnh đánh phủ đầu nước đang lên để duy trì thế bá chủ của mình. Nghiên cứu về Trung quốc hiện nay, ông John Mearsheimer , một chuyên viên về bang giao quốc tế quả quyết rằng Trung quốc không thể trở thành siêu cường trong hòa bình được. Thế nào cũng có một cuộc chiến ác liệt làm cho cuộc chiến tranh chống ISIS chỉ là chuyện nhỏ.
Nhưng có một thực tế là Trung quốc chỉ thật sự là mối đe doạ của Hoa Kỳ nếu Hoa Kỳ nhất định duy trì thế mạnh của mình trên sân cỏ nhà Trung quốc. Đối với Trung quốc sân cỏ vườn nhà là Tây Thái bình dương. Nếu Hoa Kỳ không đòi thế thượng phong tại Tây Thái bình dương thì có thể tránh được chiến tranh. Trái lại nếu Hoa Kỳ quyết chận cửa ra biển của Trung quốc thì chiến tranh khó tránh.
Hiện nay Hoa Kỳ đang áp dụng chính sách 3 gọng để kềm chế Trung quốc :
  1. Duy trì và củng cố thế liên minh đang có với các nước Nhật, Nam Hàn, Úc châu, Phi Luật Tân và Thái Lan.
  2. Tăng cường phân bố lực lượng quân sự trong vùng Tây Thái bình dương để có thể đáp ứng mọi tình huống quân sự.
  3. Hội nhập sâu xa vào sinh hoạt kinh tế trong vùng để giảm thiểu hay gạt ra ngoài ảnh hưởng kinh tế của Trung quốc.
Ông John Glaser  viết, nếu tin rằng các biện pháp kềm chế Trung quốc sẽ làm cho Trung quốc dễ bảo hơn thì không có gì sai lầm bằng. Chính sách này chỉ làm cho tình hình an ninh trong vùng căng thẳng hơn.
Tại sao ? Vì Trung quốc vốn cảnh giác đối với Hoa Kỳ, cho rằng Hoa Kỳ luôn tìm cách tạo bất ổn cho Trung quốc như: Hoa Kỳ cam kết bảo vệ Đài Loan, Hoa Kỳ dàn trải một lực lượng Hải quân hùng hậu tại Biển Đông Trung quốc và Tây Thái bình dương và là nước có cam kết vừa chính thức vừa bán chính thức với tất cả các nước lân bang của Trung quốc. Trung quốc tin rằng Hoa Kỳ là một quốc gia bất thân thiện sẵn sàng làm bất cứ gì để giảm ảnh hưởng chính trị của Trung quốc trên thế giới .
Theo John Glaser, sự lo lắng của Trung quốc không phải không có căn cứ. Sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ chung quanh bờ biển Trung quốc có tính đe dọa. Hạm đội Thái bình dương của Hoa Kỳ luôn luôn thao diễn quân sự với các nước trong vùng. Hoa Kỳ còn một lực lượng quân sự mấy sư đoàn tại Nam Hàn và một lực lượng hùng hậu khác tại các hải đảo phía nam Nhật Bản không xa bờbiển Trung quốc bao nhiêu. Trong khi đó 40% dầu thô cung ứng cho nền kinh tế Trung quốc đều phải đi qua vùng biển mà trên nguyên tắc Trung quốc chưa đủ khả năng bảo vệ nếu có chiến tranh!
Theo giáo sư Lyle Goldstein, hiện Trung quốc theo chính sách phòng vệ. Nhưng nếu Trung quốc cảm thấy bị đe dọa hơn Trung quốc sẽ chuyển qua thế đối ứng và tình hình có thể trở nên xấu đe dọa hòa bình thế giới. (TBN: chính sách này đang được thử thách khi Hoa Kỳ thỉnh thoảng cho chiến  hạm và máy bay thám thính bay vào vùng 12 hải lý chung quanh các hòn đảo Trung quốc đang xây đắp trong vùng biển Trường sa)
Nhưng nếu Hoa Kỳ biết cách chọn lựa, ổn định thế giới có thể được duy trì, trong khi Hoa Kỳ không mất mát gì. Nhiều nhà phân tích nghĩ rằng Hoa Kỳ có thể bỏ chính sách khống chế vùng Tây Thái bình dương mà không làm thiệt hại những quyền lợi cốt lõi của mình.
Hiện nay không có một chỉ dẫn gì Trung quốc sẽ đánh phủ đầu các lực lượng của Hoa Kỳ tại Tây Thái bình dương, cũng như không có ý định xâm lăng các nước trong vùng. Và mặc dù Trung quốc đang xây dựng một lực lượng Hải quân hùng hậu, Trung quốc cũng chưa có khả năng cũng như có ý định cắt đường biển quốc tế xuyên qua Biển Đông.   Hãy nhìn vị trí của Hoa Kỳ trên bản đồ thế giới. Hoa kỳ nằm giữa lục địa Mỹ châu, phía Bắc (Canada), và phía Nam (Mexico) là hai đồng minh vừa yếu về quân sự vừa không có tham vọng. Hai bên sườn là hai đại đương. Trên đất nhà Hoa Kỳ có một kho võ khí nguyên tử lớn nhất thê giới.  Trong khung cảnh đó duy trì một lực lượng quân sự lớn tại Đông Á không làm cho Hoa Kỳ an toàn hơn, chỉ tốn tiền và phung phí nhân lực.
Một nguyên tắc bất di dịch là muốn làm anh cả phải trả giá. Nếu Hoa Kỳ hứa bảo vệ các nước trong vùng không muốn bị Trung quốc ép, và duy trì hàng chục ngàn quân và hơn một nửa hạm đội tại Tây Thái bình dương thì nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ bị ảnh hưởng. Và sựtriển khai một lực lượng như vậy làm cho Hoa Kỳ có nhiều rủi ro dính vào một cuộc chiến cục bộ, mà trên nguyên tắc chỉ lợi cho quốc gia được Hoa Kỳ bảo vệ hơn là có lợi cho Hoa Kỳ .
Nắm thế thượng phong chỉ hữu ích khi nó mang lợi lộc về cho quốc gia. Nếu tính sổ thật kỹ thì trong trường hợp “Tây Thái bình dương” lợi bất cập hại. Giáo sư Robert Jervis từng viết rằng, “chiếm thế thượng phong để tung hoành một cõi đã trở thành chuyện quá khứ”. Trong thời đại nguyên tử, không có nước nào muốn làm cho đất bằng nổi sóng để tự diệt, và khuynh hướng hợp tác giữa các nước lớn là khuynh hướng thời thượng. Giáo sư Charles Glaser cũng lý luận tương tự như vậy. Ông nói: “Thời đại đơn cực đã quá mùa. Hoa Kỳ không nên theo đuổi một chính sách tốn kém nói là để bảo vệ quyền lơi cốt tử của quốc gia mà quên rằng mình đã có sự an toàn cần thiết.” Về phương diện kinh tế, giáo sư Daniel Drezner lý luận: “Người ta thường phóng đại rằng kẻ mạnh nhất sẽ thu được nhiều quyền lợi kinh tế nhất. Không có gì chứng tỏ điều đó là chân lý.” Trên thực tế, một chính sách đối ngọai dựa vào sức mạnh để “làm giàu” là một chính sách sai lầm (TBN: chính sách này chỉ đúng một thời khi các nước Âu châu tranh nhau đi chiếm thuộc địa vào thế kỷ thứ 19).
Nghĩ cho cùng, chính sách giành sức mạnh tại Đông Á của Hoa Kỳ hiện nay trên căn bản không phải vì an ninh quốc gia, cũng không phải vì quyền lợi kinh tế mà chính yếu vì tự ái.
Theo dòng lịch sử, học giả William Wohlgorth chỉ ra rằng: “Quốc gia nào đang vươn lên hàng siêu cường  thường tìm cách thích ứng với khuôn mẫu có sẵn chứ không tìm cách phá bỏ để vươn lên.” Sử gia Thucydides viết rằng, nguyên nhân cuộc chiến tranh Peloponesian giữa Athens và Sparta không phải do “sự vươn lên của Athens vì Athens không đe dọa quá đáng cho nền an ninh và thịnh vượng của Sparta, nhưng Sparta phải hành động (kéo hạm đội sang đánh Athens) vì sự vươn lên của Athens đe dọa thế lãnh đạo thế giới Hy Lạp của Sparta.”  Cũng vậy sự vươn lên của Đức bên cạnh siêu cường Anh quốc đưa đến Thế chiến I do một tình cờ lịch sử hơn là vì Anh quốc sợ bị Đức chèn ép quyền lợi. Hoa Kỳ bị ám ảnh bởi sự vươn lên của Trung quốc rõ ràng không phải vì an ninh của Hoa Kỳ bị đe dọa hay vì mất quyền lợi kinh tế mà chính vì tự ái nước lớn. Nhưng nếu đi đến chiến tranh vì tự ái thì không phải là khôn ngoan .
Hai nhà nghiên cứu Joseph M. Parent và Paul K. MacDonald nghĩ rằng: Hoa Kỳ nên thay thế chính sách đối ngoại hiện nay là duy trì sự hiện diện quân sự khắp nơi trên thế giới và ưa can thiệp vào những chuyện chỉ liên hệ bên lề đến quyền lợi của mình, bằng sự xác định lại cái gì thật sự là quyền lợi sinh tử của mình để giảm thiểu chi tiêu quốc phòng và rút dần quân đóng ở nước ngoài về. Hai ông Parent và MacDonald lập luận rằng duy trì các tiền đồn xa là sách lược phòng chống của chiến tranh lạnh theo thuyết dominos khi kẻ thù (Xô viết) là một đối tượng nguy hiểm công khai tuyên bố quyết diệt Hoa Kỳ để thiết lập một thế giới đại đồng ảo tưởng. Thuyết “tiền đồn và ngăn chận” này không còn ăn khách nữa.
Ông Barry Posen tại đại học MIT (Boston, Hoa Kỳ) chủ trương Hoa Kỳ nên giảm bớt sự hiện diện quân sự tại Á châu Thái bình dương. Ông nói các nước có khả năng trong vùng sẽ tự đảm trách công việc bảo vệ mình trước đe dọa của Trung quốc. Sự hiện diện quân sựcủa Hoa Kỳ có thể làm cho Hoa Kỳ dính líu vào những cuộc tranh chấp địa phương có thể trở thành chuyện lớn .
Thật ra Hoa Kỳ có chính sách “làm đàn anh” tại Đông á trước khi Trung quốc bước vào sân chơi siêu cường, cho nên nếu (Hoa Kỳ) nói cần duy trì sự hiện diện vì Trung quốc đang lên là một lập luận thiếu căn bản. Trên thực tế dù cho kinh tế (và đi theo là sức mạnh quân sự) của Trung quốc càng ngày càng lớn mạnh, viễn ảnh Trung quốc làm chủ Á châu Thái bình dương cũng còn rất xa vời.
00-5
Muốn làm chủ Á châu-Thái bình dương, Trung quốc phải chứng tỏ vượt trội hơn các quốc gia trong vùng về mọi phương diện. Điều này không dễ vì Ấn Độ cũng có mộng siêu cường, có vũ khí nguyên tử  và được bảo vệ bởi dãy núi Hy Mã Lạp Sơn. Nhật Bản là một quốc gia kiên cường và có khả năng trở thành một lực lượng quân sự, kể cả vũ khí nguyên tử trong một thời gian ngắn nếu cảm thấy bị đe dọa. Liên bang Nga cũng có thể kềm chế ảnh hưởng của Trung quốc trong vùng Trung Á và sự hiện diện của Hải quân Liên bang Nga vùng Bắc Thái Bình Dương cũng không cho phép Trung quốc đầu tư tất cả sức mạnh của hạm đội về phía nam. Trung quốc có vấn đề dân số và tình hình luôn luôn bất ổn tại Tân Cương và Tây tạng. Trong bối cảnh đó Hoa Kỳ có thể rút ra khỏi Tây Thái bình dương và vẫn đủ thì giờ trở lại nếu cần.
Nếu: (1) kinh tế lệ thuộc lẫn nhau, (2) gây chiến tranh để giành thế siêu cường độc nhất trong thời đại toàn cầu hóa đã lỗi thời, thì không có căn bản nào để kết luận chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung quốc là điều không thể tránh được. Tuy nhiên lịch sử thế giới chứng tỏ rằng khi có một quốc gia vươn lên thế siêu cường, thế giới sẽ trải qua một thời kỳ tế nhị và nguy hiểm. Nếu không có chiến tranh thì tranh chấp ngấm ngầm cũng làm cho thế giới trải qua những ngày ăn ngủ không yên.
Nếu Hoa Kỳ nhất quyết duy trì thế thượng phong của mình tại Đông Á để chận sự bành trướng của Trung quốc thì có nhiều rủi ro chiến tranh. Và dù tránh được chiến tranh Hoa Kỳ cũng trở nên mệt mỏi một cách không cần thiết.
Tác giả John Glaser  kết luận: Đó là điều Hoa Kỳ không cần làm mà vẫn vững như bàn thạch./.
 
John Glaser
Trần Bình Nam (lược dịch)
Jan. 1, 2016
 

Vũ Thất
neo

No comments:

Post a Comment