Lang Anh
Đến ngày hôm nay 24/04/2016, sau đúng 20 ngày kể từ khi cá bắt đầu chết trên diện rộng tại 4 tỉnh ven biển miền Trung, gây ra nhiều hậu quả nặng nề: Hàng vạn ngư dân bỏ biển, cá tự nhiên và cá nuôi ven biển chết hàng loạt, nhiều quan ngại sâu sắc về sự huỷ diệt của các rặng san hô và các loài sinh vật biển tầng nước đáy, hàng chục triệu người Việt hoang mang, mức tiêu thụ cá biển sụt giảm mạnh tại thị trường nội địa kéo theo sự tăng vọt bất ổn của các loại thực phẩm khác. Bên cạnh đó, còn những nghi ngại sâu sắc về các vấn đề sức khoẻ và các hậu quả lâu dài có thể có do tình trạng ô nhiễm mà cơn thảm hoạ này đã gây ra. Đến nay, có lẽ ít nhiều đã có đủ thông tin để có thể phác hoạ một cái nhìn toàn cảnh.
Formosa Hà Tĩnh là một dự án có mức đầu tư cam kết lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay. Nó có tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 28 tỷ USD (Giai đoạn 1 có mức đầu tư 10 tỷ USD), gồm một khu liên hợp gang thép có công suất 22,5 tr tấn, một cảng nước sâu và các tổ hợp năng lượng nhiệt điện cung cấp điện năng cần thiết cho toàn bộ khu liên hợp. Có thể nói dự án này mang ý nghĩa rất lớn đối với Hà Tĩnh và thậm chí đối với cả Việt Nam trong phát triển ngành luyện thép và công nghiệp nặng. Chính vì thế, người ta đã bỏ qua nhiều quan ngại về vị trí an ninh rất đặc thù của Vũng Áng và dành cho nhà đầu tư nhiều ưu đãi biệt lệ. Dự án có tổng mức quỹ đất và mặt nước tới 3300 ha, giấy phép cấp 70 năm, một biệt lệ vượt quá mức quy định của luật đất đai và tiền thuê đất trong cả vòng đời dự án chỉ vỏn vẹn 96 tỷ VND (1,37 tỷ/năm/3300 ha đất và mặt nước). Dù có nhiều quan ngại về môi trường, nhưng ngành luyện thép trên thế giới là không thể thiếu được. Dù thị trường thép những năm gần đây gặp khó khăn, nhưng nếu nhìn vào tương lai thì Formosa Hà Tĩnh vẫn có một triển vọng rất sáng sủa. Dự án này sẽ có tác động rất lớn đến kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh và Việt Nam trong tương lai. Thế giới cũng đã phát triển nhiều công nghệ để giảm thiểu tác động tiêu cực của các dự án công nghiệp, gồm cả ngành thép, tất nhiên việc áp dụng các công nghệ này đều rất tốn tiền. Bản thân chủ đầu tư Formosa cũng cam kết sẽ đảm bảo áp dụng các tiêu chuẩn ngặt nghèo nhất về phát thải. Cam kết là một chuyện, thực hiện dĩ nhiên lại là một chuyện hoàn toàn khác biệt.
Quay trở lại câu chuyện về thảm hoạ biển ở miền Trung, có thể điểm lại các diễn biến sự kiện:
- Ngày 04/04/2016, một ngư dân ở Vũng Áng chuyên hành nghề lặn biển phát hiện thấy sự hoạt động mạnh của đường ống xả thải khổng lồ chôn ngầm dưới vịnh của Formosa. Theo anh ta tường thuật lại, đường ống này đã có cách đây hai năm nhưng chỉ bắt đầu hoạt động mạnh từ ngày 29/03/2016, tại thời điểm phát hiện, ống thải ngầm này đang phụt ra rất mạnh một thứ nước có màu vàng bốc mùi khó chịu. Người ngư dân này đã báo ngay với cơ quan chức năng, nhưng không có cuộc điều tra nào đã diễn ra. Diễn biến sau đó là cá bắt đầu chết trên diện rộng, khởi đầu từ Hà Tĩnh và lan dần ra Quảng Bình, Quảng Trị và đến Thừa Thiên - Huế. (1)
- Theo phóng sự của báo Giao Thông, từ đầu năm 2016, Formosa đã nhập 297 tấn hoá chất độc hại để phục vụ thi công và súc rửa đường ống để chuẩn bị cho giai đoạn vận hành (2). Một phóng sự khác của báo Tuổi Trẻ, đề cập rõ hơn: Có hàng trăm tấn hoá chất cực độc phục vụ súc xả đường ống đã được Formosa nhập khẩu và sử dụng mà không hề thông báo cho cơ quan quản lý tại địa phương theo luật định. Formosa thừa nhận chuyện này nhưng giải thích ngắn gọn là không thông báo vì không biết đến quy định đó. Việc một chủ đầu tư một dự án 28 tỷ USD với một đội ngũ cố vấn pháp lý hùng hậu không biết đến những quy định về quản lý môi trường và xả thải tại địa phương quả là một lời biện hộ khác thường (3). Tôi sẽ không bình luận về câu chuyện này mà để các cơ quan chức năng tự đánh giá về tính hợp lý của lời biện hộ này và chế tài nên có với nó ra sao.
- Người phát ngôn của Formosa thừa nhận họ đã thải khoảng 12 nghìn m3 nước thải ra biển mỗi ngày thời gian vừa qua, và khẳng định rằng mọi mẫu nước thải do họ tự kiểm nghiệm đều đạt chuẩn. Theo một ước tính khác, thì với quy mô của đường ống xả thải chôn ngầm 1,5 km dưới đáy biển ấy, có khả năng thải ra môi trường tối đa 300 nghìn m3 nước thải mỗi ngày. Nếu chứa độc chất, thì tuỳ từng loại nhưng nó dễ dàng gây thảm hoạ huỷ diệt một vùng biển rộng nếu hoá chất có độc tính cao.
- Diễn biến cá chết tại miền Trung đã lan theo một lộ trình xác định và chỉ theo một hướng. Từ Vũng Áng - Hà Tĩnh, cá bắt đầu chết lan dần ra các vùng ven biển của Quảng Bình, Quảng Trị rồi tới Huế. Điều này rất phù hợp với dòng chảy hải lưu theo bản đồ của Viện Khoa học thuỷ lợi dưới đây. Theo bản đồ này, thì vào mùa đông, tức khoảng thời gian tương đương tháng 2 (febuary) tức mùa đông hàng năm, dòng hải lưu ven biển Việt Nam sẽ chảy theo hướng Bắc Nam, tức là nếu từ Hà Tĩnh, nó sẽ chảy vào Quảng Bình, Quảng Trị rồi tới Huế. Thời điểm cá bắt đầu chết là đầu tháng 04/2016, có thể nhìn thấy sự liên quan rất rõ của cơ chế lan truyền ô nhiễm trên thực địa với hướng của dòng hải lưu (Xin chú thích là cũng theo bản đồ dưới đây, vào khoảng tháng 8, mùa hè, dòng hải lưu sẽ đổi chiều và chảy từ Nam lên phía Bắc). Rõ ràng một tỉnh nằm kề Hà Tĩnh là Nghệ An nhưng ở phía Bắc (ngược hướng dòng hải lưu) không hề có cá chết. Ô nhiễm biển đã lan truyền như thế nào và theo hướng nào đã có thể xác định rất rõ.
Nguồn - Viện khoa học thuỷ lợi Việt Nam
Bản đồ miền Trung, ô nhiễm bắt đầu từ Hà Tĩnh,
lan dần đến Quảng Bình, Quảng Trị rồi tới Huế,
theo đúng hướng của dòng hải lưu
- Cũng về dòng hải lưu, theo công trình nghiên cứu KC09/06-10 do GS.TS Đinh Văn Ưu chủ trì từ năm 2007 - 2010 thì vào tháng tư hàng năm, dòng hải lưu có hướng chảy theo chiều Bắc - Nam. Điều này phù hợp với phân tích nêu trên và dẫn đến kết quả Nghệ An nằm kề sát Hà Tĩnh đã hoàn toàn không chịu ảnh hưởng. (4)
Sơ đồ dòng hải lưu tại miền Trung vào tháng 04
Nghiên cứu của GS.TS Đinh Văn Ưu tại công trình KC09/06-10
- Ngày 23/04/2016 Sau khoảng 20 ngày kể từ khi thảm hoạ diễn ra trên diện rộng, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn họp báo tại Hà Tĩnh. Trong thông cáo tại buổi họp báo có hai điều đáng chú ý: Thứ nhất, cá chết không phải do virus hoặc bệnh mà là do có độc chất trong môi trường nước (Dù chưa có xét nghiệm chính thức về loại độc chất). Thứ hai, trong hai ngày gần nhất không còn thấy cá chết thêm, từ đó suy ra độc tố trong nước đã giảm và không còn nữa (5). Từ thông tin trong buổi họp báo này, rất dễ hình dung có một nguồn xả thải gây độc đã gây ô nhiễm môi trường trên diện rộng. Và hiện nay thì nguồn gây ô nhiễm đó đã khoá van. Việc điều tra để xác định nguồn này, kể cả khi thủ phạm đã chùi tay không hề quá khó khăn với cơ quan chức năng. Vì loại độc chất sẽ phải tìm ra (Thật phi lý nếu người ta không thể xét nghiệm đó là chất độc gì với trình độ khoa học hiện nay). Kể cả thủ phạm có khoá van thì các dấu vết thực địa sẽ không thể lau chùi hết được. Ngoài ra, có thể đối chiếu với các loại hoá chất mà các dự án công nghiệp tại miền Trung đã nhập về trong thời gian qua, gồm Formosa Hà Tĩnh để xem chất độc được tìm thấy trong xác cá chết và trong nước biển là từ loại hoá chất nào gây ra. Sẽ vô cùng phi lý nếu các cơ quan điều tra của Việt Nam không thực hiện được việc này.
- Hiện tượng cá chết hàng loạt đã diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Có nhiều trường hợp do các yếu tố tự nhiên (Ví dụ sự vận động của lòng biển khiến rò rỉ khí độc, hiện tượng thuỷ triều đỏ ....) và nhiều trường hợp khác là do hoạt động xả thải của con người. Thường hoạt động xả thải sẽ để lại những hậu quả vô cùng lâu dài, ví dụ trường hợp vịnh Minamata của Nhật Bản, sau 70 năm, vẫn còn gây các tác động tiêu cực đến đời sống con người. Trong trường hợp ô nhiễm biển tại miền Trung lần này, các nguyên nhân do cá nhiễm bệnh hoặc động đất, dò khí độc từ lòng biển đã được loại bỏ. Nguyên nhân được xác định là nước biển nhiễm độc. Cơ chế lan truyền của vùng nhiễm độc cũng đã được phân tích rõ như ở trên. Việc tìm ra nguồn xả thải và cảnh báo về những hậu quả còn lại đối với môi trường để người dân bảo vệ mình là hoàn toàn nằm trong tầm tay của các cơ quan chức năng.
- Quá chậm chễ - Đó là cảm tưởng chung của người dân với hoạt động điều tra đáng ra cần phải có của các cơ quan chức năng. Giờ đây họ bắt đầu điều tra về các nguồn xả thải chỉ khi lượng độc tố trong nước biển đã biến mất (Như thông cáo trong cuộc họp báo ngày 23/03/2016). Tôi không bình luận về việc một số viên chức tuyên bố đã không thể vào kiểm tra Formosa dù nó gợi lại một cảm giác nặng nề giống như đây là tô giới nhượng địa của nước ngoài trên đất Việt Nam (6), và việc các quan chức cấp tỉnh của Hà Tĩnh không hề xuất hiện trên bờ biển để chỉ đạo giải quyết trong suốt hai mươi ngày diễn ra thảm hoạ (7). Tôi cũng không bình luận về chuyến viếng thăm của TBT Nguyễn Phú Trọng vào ngày 22/04/2016 đến kiểm tra tiến độ dự án Formosa , khi cơn khủng hoảng đang ở lúc cao điểm dù có nhiều người kết luận đó là một chuyến thăm hết sức nhạy cảm về chính trị khi Formosa được coi là nghi phạm chính và cuộc sống của hàng chục triệu người Việt đang bị ảnh hưởng (8).
Kết luận :
Tôi không thể nói rằng Formosa Hà Tĩnh là thủ phạm gây ra đợt thảm hoạ này, vì nó chưa được các cơ quan điều tra chứng minh và cũng chưa có phiên toà nào kết luận về điều đó. Tuy nhiên qua các bằng chứng và phân tích vừa được đề cập phía trên, thì thật khó có thể bác bỏ rằng Formosa và các đơn vị trong khu công nghiệp Vũng Áng - Hà Tĩnh đang là nghi phạm chính. Cũng theo các phân tích đã được đề cập, sẽ rất nực cười nếu các cơ quan điều tra không thể xác định thành phần loại độc tố gây ra ô nhiễm trên thực địa và không tìm ra nguồn phát thải. Trong các vụ sát nhân, người ta có thể tìm ra thủ phạm qua các vết máu nhỏ nhất, huống hồ đây là hoạt động gây ô nhiễm ở quy mô công nghiệp, dấu vết không thể chùi sạch dù có khoá van và người ta còn có thể tìm ra từ nguồn hoá chất đã nhập khẩu của các đơn vị trong vùng. Người Việt Nam cần được biết về thủ phạm và cách xử lý thủ phạm. Họ cũng cần được cảnh báo về các hậu quả còn tiếp diễn do hoá chất độc gây ra, vì rất có thể ngay cả sau khi cá đã ngừng chết thì các loại độc tố sẽ vẫn còn lại dai dẳng trong môi trường và gây những hậu quả hết sức lâu dài cho những người tiếp xúc với nó.
Các dự án công nghiệp không hề xấu và một dự án có quy mô khổng lồ như Formosa có ý nghĩa rất lớn với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên nếu không được giám sát và kiểm tra chặt chẽ thì những tổn hại gây ra từ chính những dự án này sẽ gây ra những tổn thất khổng lồ không thể bù đắp. Formosa đến từ Đài Loan, hầu hết các thành viên dự án từ cấp quản lý đến các kỹ sư và công nhân đều là người Hoa. Và thành tích tôn trọng môi trường của hầu hết các công ty do người gốc Trung Quốc làm chủ trên toàn thế giới thì đều rất tồi tệ. Người Việt vẫn chưa quên Vedan, một công ty Đài Loan với đường ống xả thải chôn ngầm đã huỷ diệt cả sông Thị Vải. Và quy mô của Vedan thì chỉ là hạt cát so với Formosa. Tôi chỉ hy vọng rằng quy luật kinh tế Too big to fail (Quá lớn để sụp đổ) sẽ không khiến người ta bỏ qua dễ dàng việc điều tra thủ phạm. Trong mọi trường hợp, tôi cho rằng đường ống xả thải ngầm khổng lồ dưới lòng biển của Formosa cần phải được gỡ bỏ, và mọi dòng xả thải trước khi đổ ra biển phải qua một trạm quan trắc độc lập đặt dưới sự giám sát của cơ quan quản lý môi trường Việt Nam. Vì thật khó hiểu tại sao người ta cần đến một đường xả thải ngầm, và nếu không có sự giám sát mà để các dự án tự thực hiện việc kiểm định mẫu nước thải thì có trời mới biết họ sẽ bất thần thải những gì qua những đường thải ngầm khổng lồ như vậy.
P/S Có những thông tin chưa được kiểm chứng rằng người ngư dân đã phát hiện ra đường xả thải của Formosa hiện nay đã “mất tích”, đúng hơn là đã rời khỏi địa phương và rất khó liên lạc (9). Tôi rất mong công luận sẽ không thờ ơ để tránh việc có một hậu quả không mong muốn với con người dũng cảm này.
(Bài viết này được tuỳ ý trích dẫn và đăng tải lại mà không cần xin phép tác giả với điều kiện đề rõ tên tác giả và đường link đến trang facebook này :Lang Anh)
Nguồn tham khảo:
(1) Người dân phát hiện đường ống xả thải khổng lồ chôn ngầm 1,5 km dưới biển : http://thanhnien.vn/thoi-su/vu-ca-c...
(2) Formosa Hà Tĩnh nhập 297 tấn hoá chất độc từ đầu năm 2016 : http://www.baogiaothong.vn/vu-ca-ch...
(3) Formosa nhập nhiều chất kịch độc phục vụ xúc rửa đường ống và không thông báo với cơ quan quản lý môi trường về việc sử dụng chúng “Vì không biết có quy định đó” : http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-...
(4) Theo công trình nghiên cứu KC09/06-10 do GS.TS Đinh Văn Ưu chủ trì từ 2007 - 2010, dòng hải lưu vào tháng tư hàng năm chảy theo hướng Bắc Nam : http://baonghean.vn/kinh-te/201604/...
(5) Họp báo xác nhận nguyên nhân cá chết do độc chất trong nước biển, loại trừ các nguyên nhân tự nhiên : http://m.vtc.vn/vu-ca-chet-trang-bo...
(6) Việt Nam mất chủ quyền với Formosa Vũng Áng ? : http://m.dantri.com.vn/dien-dan/pha...
(7) Quan chức Hà Tĩnh “tàng hình” trong thảm hoạ :http://dantri.com.vn/xa-hoi/lanh-dao-tinh-tang-hinh-truoc-tham-trang-ca-chet-day-bien-20160423112704965.htm
(8) TBT Nguyễn Phú Trọng thăm kiểm tra tiến độ dự án Formosa ngày 22/04/2016: http://m.vietnamnet.vn/vn/thoi-su/c...
(9) Ngư dân phát hiện đường ống xả thải Formosa hiện “mất tích”: http://www.nguoiduatin.vn/kinh-ngu-...
[Chú thích bổ sung của Diễn Đàn : Đã liên lạc được với kình ngư "mất tích" sau công bố về ống xả thải]
PHỤ LỤC
Formosa Vũng Áng đã ngả bài !!!
Chưa có kết quả điều tra, nhưng Formosa Vũng Áng đã chơi bài ngửa :
Giám đốc đối ngoại của Formosa tuyên bố khi trả lời phỏng vấn của VTC14 : “ Không thể vừa có nhà máy, lại vừa có tôm cá ”. Hiểu theo nghĩa cái dự án 28 tỷ Usd này sẽ gây tàn hại môi trường một cách không thể tránh được : VTC14.
Giám đốc đối ngoại của Formosa tuyên bố khi trả lời phỏng vấn của VTC14 : “ Không thể vừa có nhà máy, lại vừa có tôm cá ”. Hiểu theo nghĩa cái dự án 28 tỷ Usd này sẽ gây tàn hại môi trường một cách không thể tránh được : VTC14.
Tuy nhiên có nhiều điều ông Giám đốc người Tàu này lờ đi, là vấn đề không phải chỉ ở chỗ ít tôm cá đi, mà là những nguy cơ lâu dài đối với sức khỏe người dân dọc bờ biển miền Trung và thậm chí là cả miền Bắc. Vì vào mùa đông, hải lưu sẽ đưa nước thải từ Vũng Áng vào Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng và vào mãi phía nam, còn mùa hè thì hải lưu sẽ đưa nước Vũng Áng ngược về Nghệ An, Thanh Hoá rồi ra mãi tận Hải Phòng hay Quảng Ninh. Khi chưa hoạt động, Formosa thải 12 nghìn m3 nước thải mỗi ngày. Vậy khi đã hoạt động rồi cái khu liên hợp khổng lồ ấy sẽ thải ra bao nhiêu m3 nước thải ??? 50 nghìn, 100 nghìn hay 200 nghìn mỗi ngày ??? và cái thứ nước thải theo khẳng định của giám đốc đối ngoại Formosa thì dù được xử lý cũng chắc chắn làm chết tôm cá.
Kinh tế biển của Việt Nam rồi sẽ ra sao ??? Ngư dân bỏ biển rồi lấy ai giữ hải phận Hoàng Sa, Trường Sa ??? Và quan trọng là cái dòng nước mang độc chất chết tôm cá ấy sẽ hủy diệt thế nào sức khỏe của toàn bộ người Việt ở hai đầu Nam Bắc ???
Công nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tới đây sẽ thế nào và thị trường thế giới có chịu mua hải sản xuất khẩu của Việt Nam nữa hãy không ? Liệu doanh thu xuất khẩu ngót 7 tỷ USD h àng năm thủy sản trong tương lai sẽ còn bao nhiêu ???
Thế mạnh du lịch biển miền Trung và miền Bắc có còn không khi dòng hải lưu đưa theo dòng nước nguồn thải từ Vũng Áng ???
Người Việt đã chết dần bới thực phẩm độc trên bờ, giờ thêm thực phẩm biển mang thương hiệu tác động dòng chảy Formosa Vũng Áng. Sẽ có thêm bao nhiêu căn bệnh hiểm nghèo, bao nhiêu ca ung thư ? Tiền của để chữa bệnh của toàn xã hội rồi sẽ lớn tới đâu ? Ai chi trả ???
Khi cộng sổ tất cả các thiệt hại về ngành thủy sản xuất khẩu, về du lịch, và đặc biệt là sức khỏe và tính mạng người dân Việt vốn đã chịu đủ thứ đe doạ, giờ lại thêm nạn ô nhiễm không thể tránh được từ Formosa Vũng Áng, thêm vào đó là cả mối đe dọa mất chủ quyền khi ngư dân bỏ dần biển, cuối cùng so với số thuế thu được từ Formosa, liệu cái nào lớn hơn và quan trọng hơn ??? Việt Nam mất những gì và còn gì ??? Câu hỏi này, xin chuyển tới những người đứng đầu Đảng và nhà nước Việt Nam. Các vị hãy trả lời.
Tôi phải nhấn mạnh là không có sự mâu thuẫn tuyệt đối giữa phát triển công nghiệp và bảo vệ môi trường. Chúng ta đang sống ở thế kỷ 21 chứ không phải thời kỳ tiền công nghiệp vào thế kỷ 18. Có đủ công nghệ để xử lý nước thải và khí thải của các nhà máy luyện thép quy mô lớn. Vấn đề là các quan chức chính quyền có đủ kiến thức, có đủ tâm huyết và có đủ trong sạch để bắt buộc các nhà tư bản ngoại quốc phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường, hay lại mắt nhắm mắt mở hoặc vì những động cơ mờ ám mà để mặc họ kiếm lời và gây những tổn hại sinh tồn cho người Việt Nam. Thành tích quản lý của Việt Nam về môi trường vốn đã chẳng thuyết phục nổi ai khi để ô nhiễm tràn lan và thực phẩm bẩn giờ đã thành đại hoạ giết hại dần người dân trong nước. Trong khi đó bản thân tập đoàn Formosa vốn cũng lừng tiếng với những thành tích tàn phá môi trường. Sự kết hợp giữa một chính quyền quản lý kém và một tập đoàn khổng lồ ngoại quốc có lý lịch đen, sẽ đặt vận mệnh quốc gia trước một nguy cơ có tính sống còn.
Tôi đề nghị các lãnh đạo đứng đầu Đảng và nhà nước phải yêu cầu chủ đầu tư công bố công khai các số liệu sau :
1 - Số lượng nước thải và khí thải mà khu liên hợp Formosa sẽ thải ra môi trường mỗi ngày khi chính thức hoạt động, chi tiết theo từng giai đoạn.
2 - Công bố công khai hồ sơ thiết kế khu xử lý nước thải và các công nghệ áp dụng xử lý khí thải. Công bố công khai tổng số tiền chủ đầu tư bỏ ra để đầu tư các hệ thống xử lý khí thải và nước thải, công bố công khai toàn bộ các máy móc và công nghệ xử lý thải đã đầu tư để xã hội và các nhà khoa học giám sát. Formosa phải để báo chí và các cơ quan quản lý định kỳ kiểm tra trên thực địa sự vận hàng hệ thống xử lý thải của họ. Formosa có thể đầu tư 28 tỷ USD cho khu liên hợp, thì họ cũng buộc phải và có đủ khả năng đầu tư thêm ít nhất 2 tỷ USD (nếu cần) cho hệ thống xử lý thải để đảm bảo sinh mạng và sự an toàn cho người Việt Nam.
3 - Mọi đường thải ngầm và có nguy cơ nằm ngoài sự giám sát đều phải gỡ bỏ và đình chỉ hoạt động. Nguồn nước thải của Formosa trước khi chảy ra biển phải qua một trạm giám sát độc lập về chất lượng, đặt dưới sự quản lý của cơ quan môi trường, trạm này phải có những trang thiết bị đảm bảo đo được những thành phần đầy đủ nhất của mẫu nước thải, kết quả đo phải được lưu lại và thực hiện hàng ngày và phải đảm bảo công khai để xã hội và các nhà khoa học giám sát. Tương tự vậy, việc lấy mẫu và kiểm định khí thải của Formosa cũng cần thực hiện thường xuyên bởi các cơ quan quản lý. Cần có chế tài ngay lập tức và đủ mạnh khi Formosa vi phạm.
4- Định kỳ, cần tổ chức lấy mẫu nước biển tại Vũng Áng, lập hồ sơ theo dõi môi trường sinh vật biển tại khu vực để đánh giá về mức ảnh hưởng của dòng xả thải. Nếu có các tác động tiêu cực đến môi trường biển và đời sống con người, cần có chế tài mạnh để yêu cầu chủ đầu tư khắc phục.
Nếu Đảng và chính phủ Việt Nam thực sự thực hiện được các nội dung trên, thì không phải sự tồn tại của Formosa Vũng Áng sẽ là đại hoạ, dù phải nói thẳng thắn là các nhà tư bản ngoại quốc sẽ chẳng dễ chịu gì khi phải chấp nhận giảm khá lớn lợi nhuận cho các công nghệ bảo vệ môi trường. Tôi sẽ không bình luận rằng tôi có tin là quý vị sẽ làm được những điều đã nêu ở trên hay không vì niềm tin của tôi vốn chẳng còn bao nhiêu nữa. Tuy nhiên đây là một khế ước xã hội mà Đảng cộng sản và chính phủ Việt Nam phải làm bằng được, vì nếu không thì người dân đóng thuế cho các vị là để làm gì ???
NGUỒN : FB Lang Anh, 25.04.2016
Vũ Thất
No comments:
Post a Comment