Gia chánh

Friday, March 25, 2016

Một con đường, ba thế hệ


.....Có lý tưởng, tức là vạch ra một con đường để cùng đi, chưa đủ. Mỗi người cần có nhiệt tâm, đức khiêm tốn, tôn trọng lẫn nhau, học hỏi người khác, và tinh thần đồng đội...

Một con đường, ba thế hệ

Tang lễ ông Nguyễn Ngọc Bích tại Nghĩa trang National Memorial Park, Falls Church, Virginia, ngày 12.3.2016 vừa qua có lẽ là cuộc tiễn đưa lớn nhất trong cộng đồng người Việt vùng thủ đô nước Mỹ từ nhiều năm nay. Và sau ông Bích, chắc còn nhiều năm nữa mới lại có một tang lễ lớn như vậy của người Việt tại đây.
Yêu ông Bích hay ghét ông Bích, không ai có thể chối cãi ông ấy là người rất nổi tiếng, không những trong cộng đồng người Việt tại Washington D.C., Virginia và Maryland mà còn ở nhiều nơi khác trong các cộng đồng người Việt hải ngoại. Có lẽ lý do là ông Bích đã tham gia sinh hoạt trong rất nhiều hội, tổ chức, đảng phái ở nhiều nơi, không kể hai hội do chính ông lập ra từ những năm đầu tới Mỹ : Hội Văn Hóa Bắc Mỹ và Nghị Hội (Toàn quốc Người Việt tại Hoa Kỳ). Ông Bích làm chủ tịch nhiều hội mà ít ai biết hết.
Ông Bích xuất hiện ở khắp nơi, xuất hiện không ngừng nghỉ, nói về đủ mọi đề tài. Dịch thuật. Văn. Thơ. Báo chí. Phê bình văn học. Lịch sử. Chính trị. Quân sự. Tôn giáo...
Ông Bích đột ngột qua đời ngày 3.3.2016 trên chuyến bay từ Washington D.C. tới Manila “để dự Hội Nghị Biển Đông do ông tổ chức cùng các đoàn thể khác trên khắp thế giới” (theo Cáo Phó)  lúc đang là “cái đinh” trong vụ tranh chấp ồn ào tại ngôi Chùa Giác Hoàng ở Hoa-Thịnh-Đốn mà ông là một trong sáu thành viên của Ban Quản Trị từ ngày thành lập cách đây 40 năm.
Khi ông Bích bất ngờ nằm xuống giống như trên một sân khấu đang diễn một vở kịch sôi động bỗng nhiên vai chính biến mất làm khán giả ngơ ngác. Sự ngơ ngác này có thể đọc được trong các lời Phân Ưu đăng trên nhiều tờ báo ở Vùng Hoa-Thịnh-Đốn: “Chúng tôi bàng hoàng và vô cùng thương tiếc”, “Thật không có cái chết nào ý nghĩa, cao quý và chấn động hơn thế nơi hải ngoại”, “Một học giả, một nhà văn hóa lớn, một nhà đấu tranh bất khuất”, “Một nhà văn hóa hàng đầu, một người yêu nước thương dân đến tận hơi thở cuối cùng, một nhân cách phi thường”, “Một thư viện vừa cháy”, vân vân.
Hiển nhiên, ông Nguyễn Ngọc Bích ra đi đột ngột đã để lại một khoảng trống mà ít ai có thể thay thế. Hay nói cách khác, một thế hệ đang theo nhau, kẻ trước người sau, rời khỏi sân khấu. Trước ông Bích hai tuần là Tướng Đỗ Kế Giai, ra đi ngày 21.2.2016. Sau ông Bích một tuần là Nhà báo Trần Bình Nam (Trần Văn Sơn), qua đời ngày 11.3.2016.
Thế hệ thứ nhất của người Việt lập cư ở hải ngoại sau khi VNCH sụp đổ năm 1975 đang theo nhau tàn rụng trong lúc không có mấy “khuôn mặt trẻ” thuộc thế hệ một rưỡi và thế hệ thứ hai trong những sinh hoạt của các hội đoàn ở hải ngoại để được “trao đuốc”.
Họ đang làm gì và ở đâu?
Có lẽ họ đang đi theo những con đường khác, hay đang tìm một con đường khác để đi vì không thấy con đường của các bậc cha anh sẽ đưa họ đến một chân trời tươi sáng. Họ muốn có một cái gì mới, thay vì cứ đi theo đường xưa lối cũ với những khuôn mặt cũ, tuồng tích cũ, sai lầm cũ. Con đường mà họ cho là đã đưa đến thất bại, đến mất nước, đến lưu vong.
Hay, chỉ đơn giản là họ cũng muốn đi chung con đường với các bác, các chú, các cô… để được “trao đuốc” nhưng đã bị đẩy ra vì đầu óc đố kỵ, bè phái, hay tệ nạn độc đoán, độc tôn.
Và như thế, ba thế hệ người Việt ở hải ngoại đang không cùng đi trên một con đường.
Nhưng thật đáng ngạc nhiên, gần đây khách vãng lai Khu Eden, trung tâm thương mại lớn nhất trong cộng đồng người Việt Vùng Hoa-Thịnh-Đốn và cả miền Đông Bắc Hoa Kỳ, để ýđến một văn phòng lớn gồm hai căn phố ( số 46-48, West Wing Eden Center) với một cái bảng hiệu sơn màu xanh dương, vàng và trắng phía trên khung cửa “TRUNG TÂM SINH HOẠT NGƯỜI VIỆT”, bên dưới là hàng chữ “MỘT CON ĐƯỜNG – BA THẾ HỆ”.
Người ta ngạc nhiên vì Khu Eden là một trung tâm thương mại, tiền phố khá đắt, sao lại vào đây sinh hoạt, và sinh hoạt những gì?
Theo một bản tin được phổ biến không lâu thì đây là một văn phòng dịch vụ được mở ra từ hơn một năm nay để giúp đỡ đồng hương trong vùng gồm nhiều lãnh vực:
1.     Thuế Vụ - Tax.
2.     Dịch thuật – Translation.
3.     Công chứng – Public Notary.
4.     Đầu tư – Investment.
5.     Trợ giúp pháp lý – Paralegal service
6.     Dạy Anh ngữ.
7.     Obamacare.
8.     Luyện thi nhập tịch công dân Mỹ.

Tại đây cũng có những  máy computer để mọi người sử dụng miễn phí cho những sinh hoạt cá nhân, kể cả gọi Skype về Việt Nam.
Từ ngày 25 tháng 2, một “Tủ Sách” đã được thành lập tại trung tâm sinh hoạt này nhằm hai mục đích:
Bán những cuốn sách Việt ngữ giá trị thuộc đủ mọi thể loại: biên khảo, tiểu thuyết, bút ký, hồi ký, thơ… do chính tác giả hay các nhà xuất bản gửi bán. Hiện nay, Nhà xuất bản Tiếng Quê Hương ở Virginia đã gửi nhiều tác phẩm vừa xuất bản rất hay như Chuyện Kể Năm 2000 nguyên văn bản chính của tác giả Bùi Ngọc Tấn và Hậu Chuyện Kể Năm 2000, Việt Nam Cuộc Chiến Leo Dốc của Frank Scotton, do Phan Lê Dũng dịch, Những Sự Thật Cần Phải Biết của Đặng Chí Hùng, Cộng Sản và Tôi, tuyển tập gồm 70 tác giả…Ngoài ra còn có một số sách giá trị xuất bản đã lâu ngày nay khó tìm như Việt Nam Theo Đường nào vào Thế Kỷ 21 của Phạm Kim Vinh, Nguyễn Du Toàn Tập (trọn bộ 2 cuốn) của Bách Việt, Bút Ký Irina Tập 2 của Irina Zisman, vv. Đặc biệt, nhiều cuốn sách được bán giảm giá để khuyến khích người Việt đọc sách Việt ngữ.

Cũng trong chiều hướng ấy, ngoài sách bán, còn có một tủ sách cho mượn đọc tại chỗ thuộc nhiều thể loại và nhiều sách hay. Hàng ngày, đồng hương vào Khu Eden mua sắm, hớt tóc, làm đầu, sửa sắc đep, hay thưởng thức các món ăn ngon trong rất nhiều nhà hàng có thể ghé qua Tủ Sách để thưởng thức những món ăn tinh thần miễn phí thanh cao, vừa giải trí vừa làm giàu cho sự hiểu biết.

Tên tiếng Anh của Trung tâm sinh hoạt này là “AASTODAY”, một cố gắng mở rộng hoạt động để phục vụ cộng đồng của AASUCCESS, một tổ chức bất vụ lợi đã hoạt động từ nhiều năm nay tại Vùng Hoa Thịnh Đốn với mục đích rèn luyện cho các học sinh, sinh viên người Mỹ gốc Á kỹ năng (hay năng khiếu) sống để khắc phục những khó khăn, vượt qua những trở ngại tại học đường và ngoài xã hội để đi tới thành công, như tên của Hội. AA là chữ tắt của Asian American, nhưng hầu hết hội viên là gốc Việt mà con chim đầu đàn là Dave Nguyễn, hay Nguyễn Trọng Đạt, một thuyền nhân lúc mười tuổi, thuộc thế hệ một rưỡi của người Việt tị nạn trên nước Mỹ.

Sau khi vượt qua những khó khăn và trở ngại trên quê hương mới để đi đến thành công cho chính mình, Dave Nguyễn đã không thu mình vào trong “tháp ngà” ích kỷ để hưởng thụ thành quả của những năm tháng sách đèn mà đã hướng ra ngoài, nghĩ đến những người trẻ, những khó khăn và kém may mắn của thế hệ đi sau, thế hệ thứ hai, ra đời trên nước Mỹ, và đã lập ra AASUCCESS. 

AASUCCESS đã nhận  được sự bảo trợ của những người có lòng, trong cộng đồng người Việt cũng như ngoài cộng đồng người Việt, thuộc nhiều thế hệ khác nhau. Nhờ đó trong thời gian qua, AASUCCESS đã hướng dẫn nhiều lớp người trẻ đi đến thành công, và những người này sau đó đã trở nên những thành viên mới của Hội, rèn luyện những người đi sau và giúp Hội mở rộng hoạt động.

Qua những kinh nghiệm và học hỏi trong khi dấn thân hoạt động cho công ích, nhất là sự đồng lòng chung sức của cả ba thế hệ người Việt trên một con đường đã vạch ra, gần đây AASUCCESS đã chọn châm ngôn cho Hội là “Một con đường, ba thế hệ”. Một bí quyết, một điều kiện không thể thiếu để đi đến thành công trên con đường phục vụ công ích?
Nói không khó nhưng làm được thì không phải dễ. Thực hiện được châm ngôn ấy, trước hết cần có một lý tưởng. Ngồi lại với nhau mà chỉ vì danh hay lợi thì sẽ không đi đến đâu, chẳng làm được cái gì. Đó là tình trạng của nhiều hội đoàn người Việt ở hải ngoại, dù mang những danh xưng to lớn đến đâu, nhưng cũng chỉ là những chiếc xe không thể lăn bánh.

Có lý tưởng, tức là vạch ra một con đường để cùng đi, chưa đủ. Mỗi người cần có nhiệt tâm, đức khiêm tốn, tôn trọng lẫn nhau, học hỏi người khác, và tinh thần đồng đội.

Không có nhiệt tâm, dù làm việc nhỏ đến đâu cũng sẽ “không ra môn ra khoai” gì. Khiêm tốn, tôn trọng lẫn nhau, học hỏi người khác không phải chỉ để dành cho người trẻ đối với người già mà cả người già đối với người trẻ. Cuối cùng người trong một tổ chức phải coi nhau những cầu thủ trong một đội bóng trên sân cỏ.  Tất cả cho chiến thắng của toàn đội. Tạo hào quang cho cá nhân trong khi toàn đội thất bại sẽ chẳng có ý nghĩa gì. Và vô ích.

Có lẽ Dave Nguyễn đã học hỏi được kinh nghiệm đau xót trên đây khi dấn thân muốn giúp các chú, các bác một tay để phục vụ cộng đồng.

Trước sự “lão hóa” của các tổ chức trong cộng đồng người Việt hải ngoại, các bậc “thức giả” thường chép miệng thở dài: “Tre đã già mà măng không mọc”. 

Không. Măng đã mọc và đang vươn lên. Nhưng không phải từ những lũy tre già của ngôi làng xưa.
Ký Thiệt
IMG_0985.jpg



IMG_20160308_113806586.jpg

No comments:

Post a Comment