Gia chánh

Friday, March 11, 2016

Lá Cờ Thiêng Liêng cho người chiến sĩ cầm bút Nguyễn Ngọc Bích

Hơn một tuần lễ nay, tức là từ khoảng 12 giỡ trưa ngày 3/3/2016 giờ miền đông Hoa Kỳ cho đến giờ phút mà chúng tôi ngồi viết những dòng tâm tình này, thì qua các phương tiện truyền thông như đài truyền hình, đài phát thanh, báo chí và nhất là trên các trang mạng internet, tràn lan tin tức về sự ra đi đột ngột của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích.
Những bản tin phân ưu, những trang tiểu sử, kỷ niệm vui buồn của những người có thời gian là môn sinh của Giáo Sư, hay được làm việc chung với ông, cùng những đóng góp của ông đối với nền văn hóa của người Việt trên bước đường lưu vong viễn xứ và nhất là nhiệt tâm của ông trong việc ra sức bảo vệ biển đông trước ý đồ tham lam, nhan hiểm của tàu cộng đã được nhắc nhở đến rất nhiều.
Cho nên với chúng tôi, một kẻ hậu sinh, chưa từng hân hạnh là học trò của ông, chẳng bao giờ được cùng ông chung tay làm việc, và nhất là không một lần được diện kiến để thỏa lòng ngưỡng phục.
Mỹ cảm mà chúng tôi dành cho ông ở rất nhiều lãnh vực:
Ngưỡng phục bởi ông là một trí thức thật sự, du học Hoa Kỳ từ năm 1956 bằng học bổng Fullbright lúc mới 19 tuổi, ông sinh năm ngày 26/07/1937. Hai năm sau, tức 1958 ông đã tốt nghiệp cử nhân ngành chính trị học tại đại học Princeton. Sau đó, ông tiếp tục theo học môn Á Đông học, Văn học cổ điển Nhật tại Columbia University, New York và có thời gian sang Nhật bằng học bổng President's Fellowship để thu thập tài liệu cho luận án cao học. Ngoài ra, ông theo đuổi  một số khóa học ngắn ở Đại học Vienna và Munich (tiếng Đức), Madrid (tiếng Y-pha-nho), USDA Graduate School (tiếng Trung và tiếng Nga).
Sau hơn một thập niên sinh sống và làm việc ở Hoa Kỳ, với một học vị như thế, với một môi trường như vậy, chắc chắn ông đã có một chỗ đứng vững vàng nơi xứ người. Hà cớ gì ông phải quay trở về mảnh đất đau thương, đầy những hiểm họa khôn lường ngay vào cái thời điểm mà cuộc chiến lên đến cực độ của sự khốc liệt, để cùng người bạn đời là Tiến Sĩ Đào Thị Hợi thành lập Viện Đại Học Cửu Long tại Sàigòn. Điều này phần nào nói lên tấm lòng của ông bà dành cho lớp trẻ đang ngụp lặn trong khói lửa chiến tranh.
Đây là điều chúng tôi rất ngưỡng phục.
Bởi không thiếu những kẻ được đi du học bằng đồng tiền của chính phủ và nhân dân miền Nam, sau khi công thành danh toại, đã tìm mọi cách lòn lách, tránh né hồi hương, thậm chí còn tiếp tay cho phong trào phản chiến, đâm sau lưng những người đã đổ máu xương, gìn giữ cho họ an bình, thảnh thơi cắp sách đến trường, chắt chiu từng đồng thuế để họ có điều kiện du học.
Sau ngày quê hương lâm vào ngục tù cộng sản, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích quay trở lại nơi ông đã được đào tạo để tiếp tục công cuộc đấu tranh cho một Việt Nam tự do và độc lập.
Trong suốt thời gian hơn 40 năm qua, ông kiên trì đóng góp trong nhiều lãnh vực văn hóa, giáo dục, đấu tranh của người Việt Quốc Gia hải ngoại.
Thời Tổng thống George W.H Bush lãnh đạo Tòa Bạch Ốc, Giáo sư Bích được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Song Ngữ của Bộ Giáo Dục Liên Bang. Ông cũng từng là giám đốc của Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do (RFA) từ ngày đài phát thanh chương trình đầu tiên về Việt Nam vào tháng hai năm 1997. Kể từ ngày về hưu rời khỏi RFA, ông vẫn giữ chức Chủ tịch "Nghị Hội Toàn Quốc Của Người Việt tại Hoa Kỳ" và tiếp tục các trước tác văn học, dịch thuật.
Sự ngưỡng phục của chúng tôi dành cho ông cũng bởi cái nhiệt tâm cao đẹp này.
Chúng ta hãy nghe lời chia sẻ của những người có giao tình, đã quen biết, hay từng làm việc chung với Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích để thấy được phần nào nhân cách của nhà trí thức đích thực, nhưng lại không tự tôn, cao ngạo xa rời cộng đồng.
Nói về sự ra đi đột ngột của Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, nhà văn nữ Trương Anh Thụy, người cùng với Giáo sư Bích khởi xướng Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ và đã phát hành rất nhiều tác phẩm văn học, nghiên cứu trong hơn 20 năm qua, lặng đi, đứt quãng:
-“Sửng sốt! Đau buồn! Cùng học với Bích thời thập niên 50 bên Mỹ và làm việc chung với nhau không biết bao nhiêu công tác, không ngờ ông lại mất đột ngột không một lời giã biệt.”
Một bạn học khác của Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích thời du học Mỹ là ông Nguyễn Thái Sơn nói:
-“Buồn đau quá các bạn ơi! Bích hiền lành và thủy chung với tất cả mọi người. Tấm lòng như thế mà sao lại đột tử! Buồn quá các bạn ơi.”
Trải lòng ra với mọi người là cái nhân.
Biết đem áp dụng những điều học hỏi được vào con đường đấu tranh cho quê hương dân tộc là cái trí.
Dám từ bỏ nơi êm ấm, an bình để trở về chốn lửa đạn, với hoài bão mở mang kiến thức cho lớp hậu sinh là cái dũng.
Nhân trí dũng hội tụ nơi con người Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích đủ để chúng tôi trào dâng cảm xúc ngưỡng phục mà viết lên những dòng tâm tình này. 
Ngọc Trân, một nhà thơ xuất thân là Sĩ Quan Biệt Động Quân trong thi phẩm khá nổi tiếng của anh:
Khi Tôi Chết, Cờ Vàng Xin Đừng Phủ, với khổ mở đầu:
Khi tôi chết cờ vàng xin đừng phủ.
Xác thân này đâu chết cho quê hương?
Súng gươm xưa đã bỏ lại chiến trường!
Thân chiến bại nhục nhằn nơi đất khách!
Trong phần điện thư trả lời báo Người Việt, anh đã nói lên nguyên do ra đời của những câu thơ đầy xót xa ấy:
“Bài thơ tôi chỉ làm trong một phút tình cờ khi thấy những hình ảnh phủ cờ tùm lum làm mất giá trị thiêng liêng của lá cờ. Tôi chỉ làm thơ tài tử thôi.”
Người thơ Mũ Nâu ấy đã rất tự trọng để xin được khước từ một vinh dự là phủ lá Cờ Vàng trên áo quan, lúc anh ra đi. Như Vị Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù Lê Quang Lưỡng đã từng làm.
Ước nguyện ấy của anh chắc chắn sẽ được mọi người tôn trọng, bởi như anh đã nói:
Xác thân này đâu chết cho quê hương
Hy sinh cho quê hương thì có rất nhiều phương cách. Có thể là cầm súng ra chiến trường, như hàng hàng lớp lớp người trai của miền Nam Việt Nam đã làm suốt gần một phần tư thế kỷ. Có thề bằng con đường đấu tranh chính trị như Nguyễn Thái Học, Trần văn Bá, bằng văn hóa như Hồ thị Bích Khương, Tạ Phong Tần, bằng lời ca tiếng nhạc như phong trào Hưng Ca Việt Nam ở hải ngoại và nhạc sĩ Việt Khang, Trần Vũ An Bình trong nước.
Dù với phương cách nào, đường lối nào, cũng chỉ chung một mục đích: bảo vệ và gìn giữ quê hương. Và tất cả những nhân tố ấy, đều là những người con yêu của Tổ Quốc.
Vào lúc rạng sáng ngày 3/3/2016 trên chuyến bay từ Hoa Thịnh Đốn đến thủ đô Manilla của Phi Luật Tân, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích đã đột ngột qua đời. Đó là thông tin mà ai cũng có thể đọc được trên các phương tiện truyền thông.
Ông cùng với phu nhân đi du lịch? Ông quá cảnh để hồi hương? Hay là vì bất cứ một chuyện riêng tư nào đó chăng?
Không, hoàn toàn không phải vậy. Ông đang trên đường bay ra mặt trận trong tư thế của một người chiến sĩ. Một chiến sĩ với khối óc tài ba, tinh thần minh mẫn và nhiệt tâm ngùn ngụt, chưa bao giờ lụn tàn.
Ông đến đó để tham dự Hội Nghị về Biển Đông và cách ứng phó với sự bành trướng của tàu cộng.
Nơi ấy, chưa có đạn nổ bom rơi, chẳng có xe tăng đại pháo, nhưng cũng sẽ có ngàn trùng những gian khó phải đối đầu để bảo vệ từng ngọn rau tấc đất quê hương, đang bị bọn phỉ quyền cắt xén dâng hiến cho ngoại bang.
Ông đã ra đi đột ngột trên chuyến bay ấy.
Nhà báo Phan Tấn Hải đã nói:
-“Tôi tin rằng cái chết của Giáo Sư Bích chỉ vì vỡ tim mà chết: đó là cái chết của một người yêu nước mình tha thiết, chết trên bầu trời Biển Ðông, chết trên chuyến bay từ Mỹ sang Manila để bênh vực cho quê nhà. Và cảm xúc tràn ngập, Giáo Sư Bích vỡ tim mà chết. Chưa từng có ai như thế.”
Một người chiến sĩ nằm xuống, lúc đang trên đường thi hành nhiệm vụ đấu tranh vì sự sinh tồn của Tổ Quốc thì chúng ta nên gọi là gì?
Chúng tôi ở xa, không biết rằng Cộng Đồng nơi ông cư ngụ, các Hội đoàn ông từng sinh hoạt, những thân hữu ông đã quen biết và làm việc chung có thực hiện điều này hay không, vì trong phần cáo phó không thấy ghi, là phủ lên quan tài ông lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, lá cờ mà ông đã tận tụy hy sinh và tranh đấu cho đến phút lâm chung, trước khi người ta ném những nắm đất cuối cùng để tiễn biệt ông vào lúc 02 giờ trưa ngày 12/03/2016 giờ Hoa Thịnh Đốn.
Khi ra chiến trường đối đầu với hiểm nguy gian khó, người lính nhận thức được đấy là nhiệm vụ, là bổn phận cần làm và phải làm. Chẳng ai kỳ vọng mai này sẽ bia đá đề tên, sẽ Tổ Quốc Ghi Ơn. Với Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích, chúng tôi nghĩ rằng cũng không ngoại lệ. Bởi ông làm những việc ấy chỉ bằng cái tâm.
Chuyện về sau là bổn phận của những người còn ở lại.
Đứng trên quan điểm ấy, nghi thức phủ cờ có được thực hiện cho Người Chiến Sĩ Cầm Bút Nguyễn Ngọc Bích hay không thì riêng đối với chúng tôi, lá cờ thiêng liêng của Tổ Quốc đã được trịnh trọng phủ trên nắp áo quan, khi thi thể của ông vừa từ Phi Luật Tân di chuyển về đến ngôi nhà thân yêu mà ông từng nhiều năm chung sống.
Ông rất xứng đáng đón nhận vinh dự ấy, và danh thơm của ông sẽ sống mãi trong lòng dân tộc. Xin được nói lời vĩnh biệt ông Người Chiến Sĩ Cầm Bút Nguyễn Ngọc Bích với lòng tôn kính sâu xa, và chúng tôi sẽ luôn nguyện cầu cho quê hương sớm vượt qua bể khổ, như ước mong ông hằng ấp ủ.
Dương thượng Trúc

10/03/2016

No comments:

Post a Comment