Gia chánh

Friday, January 8, 2016

Nhìn Lại Một Năm Obama


...nhân lực trong thị trường lao động dưới Obama ít hơn tới 12 triệu người so với thời Bush...
Như đã có dịp làm những năm trước, đầu năm cũng là lúc nhìn lại thành quả năm qua của TT Obama. Trong khuôn khổ giới hạn của một bài báo, dĩ nhiên không đủ để coi lại tất cả mọi chuyện lớn nhỏ, do đó, chỉ có thể xét lại hai chuyện quan trọng nhất hiện nay: kinh tế và di dân.

Hiển nhiên vấn đề thời sự quan trọng nhất hiện nay là cuộc bầu tổng thống, nhưng đây là đề tài khác. Ở đây, ta chỉ nhìn vào thành quả của TT Obama. Kẻ viết cũng xin lưu ý quý độc giả, tất cả những con số trong bài này, cũng như trong tất cả các bài của kẻ viết này từ trước đến giờ, đều có thể kiểm chứng được dễ dàng qua Google. Quý độc giả trước khi kết tội tác giả là “viết láo”, hay “ma giáo”, vui lòng phối kiểm trước nhé.

KINH TẾ
Sau những năm hỗn độn của hậu khủng hoảng 2008-09, tình hình kinh tế đã tương đối ổn định dù vẫn chưa đến giai đoạn phát triển mạnh. Sau suốt 8 năm lãi suất gần mức Zero để giúp kích động kinh tế (lãi suất thấp giúp doanh gia vay mượn làm ăn dễ dàng hơn, từ đó giúp phát triển kinh tế nhanh hơn), Nhà Nước đã tăng lãi suất lên tới mức 0.25% tháng Chạp vừa qua. Quý độc giả vay mượn ngân hàng sẽ trả lãi cao hơn một chút. Việc tăng lãi suất đã gây tranh cãi vì giá dầu xăng trên thế giới rớt như sung rụng, chỉ dấu hiển hiện của tình trạng kinh tế trì trệ của cả thế giới, vậy mà Mỹ lại tăng lãi suất. Rất có thể Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang đã bị áp lực nặng của TT Obama để chứng minh kinh tế Mỹ đã phục hồi phần nào chứ chẳng lẽ đi vào lịch sử như vị tổng thống duy nhất chủ trì 8 năm lãi suất ở mức zero thì thật khó coi.

Phục hồi kinh tế, nhất là hạ tỷ lệ thất nghiệp từ 10% xuống 5%, dĩ nhiên là “công lớn, thành quả vĩ đại” của chính quyền Obama như nhiều người ủng hộ ông đã tung hô. Những người không ủng hộ ông sẽ thấy một cái gì kém vĩ đại hơn nhiều: một cuộc phục hồi vừa quá chậm vừa đầy kẽ hở.

Thứ nhất, mất tới gần nguyên hai nhiệm kỳ mới phục hồi lại kinh tế có lẽ không phải là loại thành tích đáng đấm ngực ầm ầm.

Nước Mỹ trong hơn nửa thế kỷ từ 1960 đã trải qua 7 cuộc khủng hoảng hay suy trầm kinh tế đưa đến gia tăng tỷ lệ thất nghiệp nặng. Trong 6 khủng hoảng trước Obama, trung bình phải 30 tháng thì tỷ lệ thất nghiệp mới trở lại mức trước khủng hoảng. Riêng trong khủng hoảng dưới thời TT Obama, từ đầu 2009 cho đến tháng 9, 2015, tức là sau 82 tháng, tỷ lệ thất nghiệp mới xuống tới 5,1%, mà một độc giả quảng cáo là “thấp nhất từ 1972”, trong khi một độc giả khác hăng tiết vịt hơn cho là “thấp nhất từ 1948”!

Thật ra, cả hai vị đều sai, chắc tại “uốn óc” chưa đủ 7 lần. Kỷ lục thấp nhất từ 1948 là 2,5% năm 1953 dưới thời TT Eisenhower. Kỷ lục thấp nhất từ 1972 là 3,8% năm 2000 dưới TT Clinton. Dưới TT Bush con, mức thấp nhất là 4,4% năm 2007 (trước khủng hoảng).

Thứ nhì, một lý do quan trọng đưa đến giảm tỷ lệ thất nghiệp là số người thất nghiệp quá lâu hay quá nản không đi tìm việc làm nữa, bị loại ra khỏi thống kê lao động. Đây là cách tính thống kê chung của tất cả các tổng thống. Nhưng dưới TT Obama, số người bị loại đã tăng lên mức kỷ lục là gần 95 triệu người (so với 70-75 triệu thời Bush). Có người đã diễn giải đây chỉ phản ánh thế hệ sanh ngay sau Đệ Nhị Thế Chiến bắt đầu đi vào tuổi hưu. Không sai lắm, nhưng theo các nghiên cứu, số người này chỉ bằng khoảng một phần ba số người mới bị loại khỏi thống kê, còn lại là do thất nghiệp trường kỳ. Đưa đến số nhân lực trong thị trường lao động tuột xuống 62% tổng số dân Mỹ, thấp nhất kể từ thời TT Carter cách đây gần 40 năm (so với 66% dưới thời Bush; khác biệt 4% giữa Bush và Obama có nghiã là dưới thời Bush số nhân lực trong thị trường lao động nhiều hơn thời Obama tới 12 triệu người).

Thứ ba, tỷ lệ thất nghiệp có giảm đi thật, nhưng một phần lớn những việc làm có lại là những việc làm bán thời dưới 35 giờ một tuần, không được hưởng quyền lợi như bảo hiểm y tế, nghỉ hè có lương,… Kinh tế trì trệ là lý do thứ nhất, lý do thứ nhì là... Obamacare. Với nhân công làm việc bán thời, công ty không phải trả tiền bảo hiểm y tế. Tổng số người làm việc bán thời lên đến trên 28 triệu người tính đến giữa năm 2015. Một kỷ lục khác của TT Obama. Dưới thời TT Bush con, trung bình là 24 triệu.

Thứ tư, phần lớn những người thất nghiệp tìm được việc là những việc với mức lương thấp hơn. Theo New York Times, kinh tế Obama đã thay việc làm lương cao với việc làm lương thấp, số kỹ sư và chuyên viên giảm mạnh trong khi số nhân viên các nhà hàng ăn nhanh –fast food- vọt mạnh.

Trong khung lương thấp nhất, dưới 13 đô một giờ, tăng gần 2 triệu jobs. Trong khung lương hạng trung từ 13 đến 20 đô một giờ, mất 1 triệu jobs. Trong khung lương cao trên 20 đô một giờ, mất 1 triệu jobs. Mức lương trung bình của một gia đình giảm từ 55.600 đô năm 2007 xuống 51.000 năm 2012, sau khi điều chỉnh lạm phát.

Thứ năm, khi tỷ lệ thất nghiệp nhẩy lên 9%-10%, thì số lượng công chức liên bang tăng 5,3% năm 2010. Mướn thêm công chức là cách TT Obama kềm hãm bớt thất nghiệp. Không có sự gia tăng công chức này thì tỷ lệ thất nghiệp nói chung sẽ còn cao hơn 10%. Trong số công chức, tỷ lệ dân da đen và da nâu tăng, dân da vàng đứng yên và dân da trắng sút giảm.

Vài người bênh vực TT Obama so sánh 6,4 triệu việc làm được TT Obama “tạo” ra với số 1,3 triệu do TT Bush tạo ra, rồi tung hô Obama giỏi gấp 5 lần Bush. Nếu Obama tạo được nhiều việc như vậy, tại sao nhân lực trong thị trường lao động dưới Obama ít hơn tới 12 triệu người so với thời Bush? Quý độc giả thử nhìn chung quanh mình, trong giới bạn bè, bà con xem số người có việc làm những năm dưới Obama có cao gấp 5 lần dưới Bush không?

TT Obama lãnh gia tài của khủng hoảng kinh tế của năm 2009, trong thời kỳ đó, nước Mỹ mất 8,6 triệu việc làm. Những năm sau, kinh tế phục hồi lần đưa đến tình trạng trong vòng 4 năm sau, có 6,4 triệu người tìm lại được việc làm. Đó là con số những việc làm đã bị mất trong cao điểm khủng hoảng, rồi phục hồi lại được sau khi cơn bão đã qua. Trong khi dưới thời Bush, chẳng có ai mất job, không có chuyện phục hồi lại jobs đã mất, 1,3 triệu việc làm mà Bush tạo ra là jobs mới. Khác xa với những việc cũ được phục hồi lại. TT Obama chưa phục hồi lại được 8,6 triệu việc cũ đã mất chứ đừng nói tới tạo việc mới.
Nhìn vào những con số trên, bảo đảm những đệ tử của Đấng Tiên Tri sẽ mau mắn đổ thừa tại Bush tất cả! Bush đã đẻ ra cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh lớn nhất thế kỷ. Và TT Obama chỉ là nạn nhân đáng thương vì đã lãnh một gia tài thảm hại.

Từ ngày cuộc khủng hoảng nổ bùng ra đến nay, đã có hàng trăm cuốn sách và hàng ngàn bài báo viết về nguyên nhân và diễn tiến cuộc khủng hoảng 2008-09. Chắc chỉ có khoảng vài ba chục chuyên gia kinh tế tài chánh đọc, cũng như vài ba anh giáo sư tìm hiểu câu chuyện cho rõ. Đảng DC tiếp tục khua chiêng trống đổ thừa lên đầu Bush hết, và dĩ nhiên, cả triệu người đã tin mà không cần tìm hiểu gì thêm.

TT Bush chỉ là giọt nước làm tràn ly. Cái ly đó đã được đổ nước vào từ thời TT Carter năm 1978 qua 5 đời tổng thống, và đến lúc tràn thì phải tràn thôi. Thời điểm đó, cho dù Clinton hay Gore hay Bush hay Obama hay Quản Trọng nắm quyền thì cũng không tránh khỏi. Chẳng qua anh cao bồi Bush “số ăn mày” làm tổng thống không đúng lúc thôi. Cũng như cái “số ăn mày” làm tổng thống đúng ngày 9/11 thôi.

Đó là một cuộc khủng hoảng toàn cầu, dính dáng đến tất cả các cường quốc kinh tế Âu Châu từ Anh tới Đức, Pháp, Ý,... cả trăm đại ngân hàng lớn nhất thế giới và cả trăm triệu dân trên khắp thế giới. Một cuộc khủng hoảng toàn cầu như vậy không thể xẩy ra trong vòng vài ba tháng hay vài ba năm dưới thời Bush, mà đã tích lũy gần nửa thế kỷ từ thời Carter. Thật ra, TT Bush năm 2007, hai năm trước khi bong bóng gia cư nổ bùng, đã đề nghị cải tổ thể thức vay tiền mua nhà quá dễ dãi để ngăn cản nợ dưới tiêu chuẩn quá nhiều, nhưng đã bị đảng DC khi đó nắm đa số tại lưỡng viện quốc hội bác bỏ ngay, đặc biệt là Barney Frank, dân biểu Chủ Tịch Ủy Ban Tài Chánh Hạ Viện, lớn tiếng tố cáo Bush “muốn sửa luật không cho dân nghèo mua nhà”! Tố Bush tạo ra cuộc khủng hoảng chỉ lộ rõ sự thiếu hiểu biết hay tính phe đảng của mình.

Cột báo này đã viết về đề tài này quá nhiều, chỉ xin nhắn những độc giả nào muốn nghĩ là lỗi Bush thì cứ tiếp tục, còn nếu muốn hiểu tường tận, xuyên qua hỏa mù của DC tung ra, có thể kiếm đọc cuốn sách Reckless Endangerment của bà Gretchen Morgenson. Bà này là chuyên gia tài chánh của New York Times, là tờ báo chưa bao giờ có thiện cảm với Bush.
Một vấn đề lớn của năm qua: giá xăng tiếp tục giảm mạnh. Cả nước hớn hở vui mừng, tha hồ đổ xăng xe SUV đi du lịch, thăm con cháu ở xa. Dĩ nhiên nhiều người không bỏ lỡ cơ hội ca tụng công của TT Obama, mặc dù việc giá dầu trên thị trường thế giới chẳng liên quan xa gần gì đến bất cứ quyết định nào của TT Obama hết. Cũng không khác gì ca tụng nhờ công của TT Obama mà thủy triều hạ xuống mỗi đêm.

Giá dầu xăng giảm trên thế giới là hậu quả của hai tiến trình: sự cạnh tranh dành thị trường của các nước sản xuất dầu, từ Trung Đông đến Mỹ, tăng số lượng khai thác dầu tối đa đưa đến số cung quá lớn; trong khi kinh tế thế giới đi từ trì trệ như bên Âu Châu, đến xì hơi bong bóng như bên Trung Cộng.

Giá dầu xăng rẻ cũng là dấu hiệu cho một chu kỳ suy thoái kinh tế sắp tới. Thị trường chứng khoán đứng khựng nguyên năm. Tiểu bang Texas chưa chi đã bị mất hơn 50.000 việc làm liên quan đến ngành khai thác dầu hoả.

Nói tóm lại, kinh tế trong năm qua dù sao cũng đã khá hơn so với 6 năm trước tuy không khá hơn nhiều lắm. Chậm và ít vẫn còn hơn không.

DI DÂN VÀ TỴ NẠN

Năm 2015 là năm đã đưa di dân lên hàng đầu các vấn đề thời sự, thay đổi luôn cả cuộc diện tranh cử tổng thống, đưa đến sự thành công của những ứng viên cực đoan chống di dân mạnh nhất.

Đúng ra di dân từ Trung Mỹ đã tràn vào Mỹ từ cả mấy chục năm nay chứ không phải là mới đây. Khác với đám tỵ nạn chúng ta, họ đều là di dân kinh tế, qua Mỹ kiếm job, kiếm tiền gửi về nuôi gia đình nghèo khó ở quê nhà.

Theo một báo cáo của Center of Immigration Studies, trong 6 năm đầu dưới TT Obama, đã có khoảng 2,5 triệu di dân vào Mỹ bất hợp pháp, trung bình hơn 400.000 người mỗi năm, hơn 1.000 người mỗi ngày. Nếu những người này đi xe tải qua, mỗi xe chở được 20 người thì mỗi ngày đều có 50 xe nối đuôi nhau vượt biên giới qua Mỹ đủ 365 ngày một năm trong 6 năm liền. Cảnh sát biên phòng Mỹ đâu? Họ không nhìn thấy gì hay là được lệnh nhắm một mắt? Hay được lệnh nhắm cả hai mắt?
Đây là một vấn đề cực kỳ nhạy cảm cho Mỹ mà cả mấy chục năm nay, qua bao nhiêu đời tổng thống từ Carter đến giờ vẫn chưa ai dám đụng đến.

Những người này tràn qua, tuyệt đại đa số ở lại luôn, chỉ một số nhỏ phạm pháp bị bắt mới bị trục xuất thôi.

Trong thâm tâm, nhiều người không muốn trục xuất họ. Cỡ 75% di dân Nam Mỹ bỏ phiếu cho đảng DC. Nam Cali đã là thành đồng vững hơn bàn thạch của DC. New Mexico gần đây đã lọt vào tay DC. Arizona và Texas đang là đối tượng hàng đầu của DC. Nhiều cử tri như vậy sao đuổi đi được? Một số lớn công ty, từ công ty xây cất lớn cho tới nhà hàng nhỏ, cũng mướn di dân, nhất là di dân lậu, vừa trả lương cực thấp, vừa khỏi phải lo chuyện thuế má, bảo hiểm y tế, trả lương thất nghiệp, lương giờ phụ trội, đóng tiền an sinh xã hội,... Cứ vào bất cứ tiệm phở nào ở Bolsa hay Bellaire thì thấy ngay. Lau bàn, rửa chén phần lớn là di dân lậu. Các ông bà đại gia thì không chê các bà vú em, các anh tài xế, cắt cỏ, làm vườn,... chỉ biết làm lụng như nô lệ mà không cần tiếng Anh tiếng Em gì hết. Ông Trump một mặt đòi trục xuất hết, một mặt thuê cả ngàn nhân công gốc Nam Mỹ cho các công trình xây cất vĩ đại của ông, hay làm việc tạp nhạp trong các khách sạn và sòng bài lớn của ông.

Chuyện di dân Trung Mỹ còn đang rối bù thì năm 2015 lại nổ ra chuyện dân tỵ nạn Trung Đông. Cả triệu người từ Trung Đông đi bộ hay lội biển qua Âu Châu. TT Obama tình nguyện nhận chia sẻ 10.000 người tỵ nạn. Thiên hạ lo lắng khủng bố len lỏi vào. TT Obama trấn an “chúng ta đã kềm chế được khủng bố rồi”, và khẳng định “chúng không có khả năng tấn công chúng ta đâu”. TT Obama nói chưa hết câu thì xẩy ra vụ khủng bố đánh Paris và San Bernardino. Một là TT đã không nói sự thật cho dân, hai là TT không biết chuyện gì đang xẩy ra ngoài hàng rào Toà Bạch Ốc.

Thiên hạ run như cầy sấy. Số lượng súng bán ra tăng gấp bội ngay trong vài ngày. Không phải ở Mỹ không mà ngay cả ở... Thụy Sỹ, số súng bán ra tăng ngay 20% sau khi nghe lời khuyến cáo “nên tự lo” của tướng tư lệnh quân lực André Blattmann! Texas biểu quyết cho thiên hạ công khai đeo súng đi đường như thời cao bồi lập quốc. Các ứng viên mỵ dân CH nhẩy nhổm vào cơ hội, đổ dầu vào lửa, đòi cấm không cho dân Hồi giáo vào.

Chìm lỉm trong tiếng hò hét đó là việc Nhà Nước Obama đã lặng lẽ nhận di dân các xứ Hồi vào Mỹ từ mấy năm qua mà chẳng ai hay biết vì chẳng có thông báo gì hết. Từ năm 2009 tới 2013, 680.000 di dân Hồi đã được cấp thẻ xanh trong khi 670.000 người nữa sẽ có thẻ xanh trong vòng 5 năm tới. Con số mỗi năm mỗi tăng. Riêng năm 2013, đã có hơn 130.000 di dân thường trú (thẻ xanh), 110.000 tạm trú (lao động và du sinh, phần lớn ở lại luôn), và 40.000 tỵ nạn Hồi được nhận vào Mỹ, tổng cộng 280.000 người.

Đó là những con số chính thức của Bộ An Ninh Quốc Nội -Homeland Security-.

Hơn 90% di dân Hồi giáo đó sau 5 năm vẫn sống bằng trợ cấp đủ loại, bù lại, 80% bỏ phiếu cho đảng Dân Chủ. Ai đang đóng thuế nuôi họ? Đó là đám dân trung lưu đang tung hô ông Trump!

NHỮNG CHUYỆN KHÁC

Trên đây chỉ là hai chuyện coi như quan trọng nhất. Năm 2015 cũng là năm nhiều “thành quả” khác của TT Obama. Dưới đây là vài ví dụ.

Đó cũng là năm mà mâu thuẫn trắng đen tiếp tục nổ bùng khắp nơi, cảnh sát trắng và dân da đen bắn giết nhau loạn đả, với phong trào Black Lives Matter lan tràn qua hàng loạt các thành phố lớn của Mỹ. Chưa khi nào quan hệ trắng đen xấu như dưới trào của ông tổng thống của đại đoàn kết toàn dân.

Năm qua đánh dấu một mốc lớn trong định chế gia đình Mỹ khi Tối Cao Pháp Viện nhìn nhận hôn nhân đồng tính, trong khi truyền thông tung hô dân chuyển giới như những “người hùng” –heroes!

Cũng là năm TT Obama ký một “hiệp ước” với Iran mà không phải là hiệp ước để có thể tránh phê duyệt của Thượng Viện, chấp nhận tháo gỡ mọi biện pháp cấm vận đổi lấy lời hứa của các giáo chủ sẽ “tự kiểm soát” việc chế tạo bom nguyên tử rồi báo cáo lại cho thế giới biết. Hiệp ước không có ai ký, cũng chẳng có hiệu lực bắt buộc, cho đến giờ này vẫn chưa được áp dụng. Chừng nào thì áp dụng? Đó là câu hỏi của báo phe ta Washington Post.

Chưa hết. Năm qua cũng là năm TT Obama thông qua một “hiệp ước” khác mà cũng không phải là hiệp ước cần phải có 2/3 Thượng Viện phê chuẩn, là hiệp ước hợp tác thương mại liên Thái Bình Dương, thường được gọi là TPP –Trans-Pacific Partnership. Cũng chưa ai ký, và không có hiệu lực áp chế như “hiệp ước” với Iran. Điểm độc đáo của TPP: không có sự tham gia của Trung Cộng, cường quốc kinh tế thứ nhì trong vùng. Mỹ gọi đó là chuyện con voi đứng giữa phòng mà không ai nhìn thấy. Điều đáng nói là TPP được thông qua với phiếu của cái mà phe ta gọi là “Party of No”, tức là đảng CH, trong khi bị đảng DC chống mạnh.

Cả hai “hiệp ước” cũng giống như Obamacare đều phải chui cửa sau của quốc hội, thông qua bằng kẽ hở thủ tục, không có vẻ như một độc giả đã viết: “mỗi một quyết định, thay đổi chính sách của Quốc gia, đều phải thông qua Quốc hội, có nghiã là có sự đồng thuận của cả nước”. Kẻ viết này đề nghị vị độc giả gửi ý kiến này đến Tòa Bạch Ốc.

Năm qua cũng là năm Cuba được TT Obama giúp trở thành một CHXHCNVN thứ hai, nơi mà các đại cán đỏ sẽ trở thành đại gia đỏ trong khi dân đen vẫn đen thui.

Bộ Ngoại Giao theo lệnh tòa án tiếp tục công bố các emails của bà cựu Ngoại Trưởng, chẳng những gây bối rối cho bà, mà cho cả TT Obama luôn. Trong các emails mới giải mật có một cái của một nhà ngoại giao Mỹ cảnh giác bà tân Ngoại Trưởng Hillary nên cẩn thận khi nói chuyện với Đức vì bà Thủ Tướng Đức Angela Merkel, “khinh thường hiện tượng Obama” –despised Obama phenomenon. (03-01-16)


Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

No comments:

Post a Comment