Gia chánh

Tuesday, June 23, 2015

Một mẫu chuyện nơi xứ người

 Giờ này , ở quê nhà chắc đỏ một màu hoa phượng bởi vì đang mùa hè . Mùa hè thì nóng bức nhưng ngồi dưới gốc phượng to đầy bóng mát nhặt hoa phương để chơi "đá gà " cùng lũ bạn thì vui biết bao , quên đi cái nóng của trưa hè . Nhớ lúc còn học dưới mái trường Trung học cùng bạn bè nhặt những hoa phượng ép thành những con bướm thật xinh , chúng tôi thi đua xem đứa nào có hình bướm đẹp nhất , rồi tặng nhau qua quyển  " Lưu bút ngày xanh " . Kỷ niệm thì không bao giờ quên được , mỗi khi nhớ lại nhức nhối thấu tâm cang !
          " Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng . Ai chở mùa hè của tôi đi đâu ? ..." Rồi " Cánh phượng hồng ngẩn ngơ . Mùa hè đến trường khắc nỗi nhớ trên cây . Và mùa sau biết có còn gặp lại . Ngày khai trường áo lụa gió thu bay ..."  Đó là lời của một bài thơ thật dễ thương của Đỗ Trung Quân , mỗi khi nghe lòng tôi bồi hồi khôn xiết . Giờ đây sống nơi xứ người , hè sang thèm được ngắm những cành hoa phượng , thèm chắp tay cầu nguyện cho gió lay hoa rụng để tôi nhặt mà ép vào trang vở , tôi thường gọi hoa phượng là hoa Nắng , bởi vì mùa hè thì nắng nhiều , mà nắng nhiều thì hoa phương mới rực rỡ . Hoa Nắng của tôi đâu rồi ? Hoa Nắng của tôi nơi đâu ?
     Nhắc về hoa phượng , tôi nhớ đến một người chị tôi đã quen trong những ngày đầu mới định cư nơi xứ lạ quê người , mà đã mấy năm nay tôi chưa gặp lại . Chị Phượng ! Chị tên là Lâm Hoàng Phượng , tên đẹp mà người cũng đẹp , những hình ảnh cách đây hơn mười năm sống dậy trong tôi .
     - Này cô ! Cô có phải người Việt Nam không ?
      Tôi quay lại :
     - Dạ , em là người Việt Nam . Chào chị , chị ở gần đây à ?
      Trước mặt tôi là một người đàn bà tuổi trạc năm mươi , vóc người nho nhỏ , mặt trái xoan , mũi dọc dừa , tóc ngắn , chị cười thật tươi lộ ra hàm răng đều như hạt bắp .
     - Chị ở cách đây năm căn nhà , em đến đây hồi nào vậy ?
     - Dạ gần một tuần rồi chị . Tên em là Hạ , còn chị ?
     - Chị Phượng . Nhà em số mấy ?
     - Dạ 8736 .
     - Hôm nào chị sang chơi , chào Hạ nhé  . Chị đi " ex - sơ - xai " đây .
      Đó là một buổi chiều mùa hè cách đây hơn 11 năm , tôi đang ở phòng giặt đồ của khu apartment . Chân ướt chân ráo , thật bơ vơ lạc lỏng , buồn nhiều hơn vui , một nỗi buồn của người xa xứ không một người thân . Thèm nghe một giọng nói quen thuộc bằng ngôn ngữ của nước mình , bởi lẽ xung quanh tôi chỉ thấy toàn là người ngoại quốc . Ngoài người bản xứ còn có người Ấn Độ , người Mễ Tây Cơ , người Tàu , người Thái v.v... Tôi thật vui khi biết cạnh nhà mình có người Việt Nam ở đây , tôi quên mất không hỏi số nhà của chi .
    Giặt xong mớ đồ , tôi về nhà thấy lòng nhẹ hẳn , thế là ta có láng giềng là người Việt Nam , vui quá ! Tôi chuẩn bị tư tưởng , lời nói , để  gặp chị Phượng và nói những gì cho phút gặp gỡ ban đầu , hy vọng đó là người láng giềng tốt bụng .
     Vài ngày sau , khi đi làm về tới nhà thì chị Phượng sang nhà tôi , chị bê cho tôi nào rau thơm , bầu , bí , dưa leo , khổ qua đủ loại rau quả .
     - Cho Hạ nè , cây nhà lá vườn đấy . Chỉ trồng được mùa hè thôi , ăn cho đến cuối thu , em mới đến chắc chưa biết chợ búa gì phải không ? Ở đây có một chợ Tàu nhỏ có bán rau cải nhưng ít lắm , còn như muốn đầy đủ phải đi tận Silverspring lận , hay đi Eden ở Virginia .
Tôi chưa kịp lên tiếng , chi đã nói tiếp :
      - Hôm nào chị rảnh chị qua làm cho em một chỗ trồng rau , phía sau có miếng đất trống để không làm gì .
    Tôi thật cảm động lí nhí nói :
      - Cám ơn chị nhiều lắm , để cuối tuần em làm sạch cỏ , rồi sang chị xin ít rau thơm về trồng .
      - Ừ , cứ qua mà bứng , nhiều vô số . Nhà nào nhiều hoa nhất đó là nhà của chi , cửa không bao giờ khóa , cứ mở vô không sao . Chị thích hoa lắm , năm nào cũng tốn tiền mua hoa đủ loại để trồng , mùa nào hoa ấy , mùa đông chị chơi hoa giả . Chị cười .
      Vài ngày sau , khi đi làm về tôi thật ngạc nhiên , phía trước nhà có " mảnh vườn " nho nhỏ với hoa cẩm chướng , hoa hồng , hoa pense' màu tím . Đàng sau có một khoảnh đất được làm cỏ sạch và có rau đủ loại : nào rau húng , rau dấp , rau tía tô ,kinh giới ... tất cả đều mới trồng xuống tưới nước ướt đẩm . Biết là chị Phượng chứ không ai xa lạ , tôi xúc động đến bàng hoàng , cứ đứng nhìn mà nước mắt rưng rưng . Thấy tôi , chị chạy qua vui vẻ nói :
     - Chị không đi làm , ở nhà đọc sách hoài cũng chán , nên chị qua làm sạch cỏ và trồng rau cho em đó , khoảng tháng sau tha hồ ăn . Mình chỉ trồng một lần thôi , năm sau nó lên lại chỉ tưới nước và nhổ cỏ  .Thấy các em bận rộn qua' chị giúp chút ít ấy mà , không có gì đâu , đừng ngại . "Tri túc tiện túc đãi túc hà thời túc . Tri nhàn tiện nhàn đãi nhàn hà thời nhàn " , Nguyễn Công Trứ dạy không sai , chị sống đơn giản vậy đó .
    Tôi chỉ biết nói một câu ngắn ngủi :
    - Dạ , em cám ơn chị Phượng nhiều lắm .
    - Nè , đi làm đừng khóa nước nha , để chị sang tưới dùm cho , mùa này cần tưới nhiều , hơn nữa rau mới trồng .
    Tôi mời nhưng chị không vào nhà , chị bảo chị đi bộ vòng vòng cho vui chân .
     Qua lời tâm sự của chị , được biết ngày xưa chị là giáo viên trường Trung học ở thành phố Nha Trang , chồng chị là Sĩ quan  Võ bị Đà Lạt khóa 16 tên là Hưng , chị sang Mỹ theo diện HO . Anh Hưng vóc người hơi gầy , tóc hoa râm , anh đang làm cho một chợ Mỹ gần đó , anh cũng vui vẻ , ân cần hỏi han , rất có tình . anh thường nói với chúng tôi :
    - Người đến trước giúp đỡ người đến sau , các em ở gần chúng tôi lâu rồi sẽ hiểu , sẽ thấy , cần gì thì cứ bảo  , ban đầu ai cũng vất vả .
    Chúng tôi cảm động lắm , và rất mừng vì có người láng giềng tốt bụng , thấy bớt ưu tư phần nào , thấy được " tình người ấm lạnh " ở xứ sở xa hoa vật chất này .
    Chị Phương tâm sự , Sau năm 1975 , chồng chị bị tù cải tạo , chị bị nghỉ dạy , một nách bốn con tảo tần , buôn bán , vừa nuôi con , vừa nuôi chồng nơi trại tù xa xôi , một thân cò lặn lội , không than van , lúc nào cũng tìm cách làm ra tiền để lo cho chồng con . Chị gom hết  tiền bạc , vàng vòng kể cả những nữ trang của ngày cưới để cho ba đứa con lớn đi vượt biên cùng với người dì Út của chị , chị phải ở lại vì còn phải lo cho chồng đang bị tù và đứa con còn quá nhỏ . Đứa con gái lớn nhất chỉ 8 tuổi , đứa kế 6 tuổi và thằng bé 4 tuổi , tôi nói :
   - Sao chị gan quá , các cháu còn nhỏ quá mà dám cho đi một mình không có mẹ , rủi có chuyện gì thì làm sao ?
   Chị bảo :
   - Vì tương lai của tụi nó em ạ , thằng bé nhỏ chỉ 2 tuổi , nếu lớn hơn một chút cũng cho đi luôn . Em thấy đó , anh Hưng bị tù biết có ngày về không , chị ở đây ôm đàn con như vậy sau này chúng lớn lên có được học hành gì không , tương lai tụi nó sẽ ra sao , ôm nhau chết à ?
   - Chị hay thật và can đảm !
   - Đúng ra đi với dì Út của chị nên chị cũng yên tâm , nếu may mắn chuyến đi trót lọt thì các con chị cũng đến được bến bờ tự do , được học hành và tương lai tụi nó sẽ khá còn hơn ở đây kể như đời tàn . Còn như rủi ro có bề gì thì xem như chị bạc phước vô phần , chắc chị cũng chết quá .
   Thấy chị rưng rưng nước mắt tôi không dám nói gì thêm , mà tôi cũng nghe mằn mặn trong cổ họng mình .
   Chị kể tiếp , sau khi 3 đứa con đi chị ở lại buồn lo đủ thứ và thầm cầu nguyện cho các con được bình yên , mong được nhà hảo tâm nào đó nhận nuôi chúng thành người chớ một mình dì Út chắc lo không nổi , tiếng là dì chứ thật ra dì Út của chị trẻ hơn chị 5 tuổi .
   - Các cháu nhỏ quá làm sao tụi nó biết được tụi nó là ai , con ai , hả chị ?
   - Chị có cho tụi nó mang theo giấy khai sinh , và trên mỗi sợi dây chuyền đều có khắc tên của nó và tên cha mẹ , cũng như ngày tháng năm sinh .
   - Rồi bây giờ chị có liên lạc được các cháu chưa ?
  Chị thở dài , kể với giọng đầy nước mắt . Nhìn chị tôi thấy thương làm sao , bây giờ tôi mới hiểu tại sao chị lại lang thang ngoài đường , thất thểu bước đi như người mất trí . Lúc đầu chưa tiếp xúc chúng tôi ngỡ chị " không bình thường " , bởi lẽ chị như người mất hồn , khi thì nói huyên thuyên , khi thì im lặng và cứ đi tới đi lui vòng theo khu apartment , tôi thật ái ngại .
   Chị cho biết , sau khi anh Hưng ra tù vài năm , chị cùng gia đình đi Mỹ theo diện H.O , định cư ở tiểu bang Iowa . Chị liên lạc được người dì của chị , thì người dì cho biết , ba đứa nhỏ được ba gia đình nhận đem về nuôi , lúc đầu còn tới lui thăm viếng , sau họ dời nhà và dì mất liên lạc , vì kế sinh nhai nên dì Út cũng không tìm kiếm , nhưng dì biết chắc tụi nó rất được thương yêu , và người ta cho học hành đến nơi đến chốn. Đặc biệt , dù tụi nhỏ ở ba gia đình khác  nhau , nhưng chúng vẫn liên lạc với nhau nhất là hai cô gái , hai gia đình cho chị em gặp thưòng xuyên . Chị cố gắng tìm kiếm đủ mọi cách qua các nhà thờ , và đăng trên những tờ báo Mỹ , cuối cùng tìm được hai cô con gái . Cô lớn là một Luật sư đã có gia đình hiện định cư ở tiểu bang Florida , cô nhỏ ở tiểu bang Maryland đang học đại học ngành dược
Thời gian đầu hai đứa con của chị không chịu nhìn cha mẹ ruột , dù chúng vẫn còn giữ sợi dây chuyền  . Chúng bảo là cha mẹ không thương con nên mới bỏ chúng , giờ chúng chỉ biết cha mẹ nuôi thôi , chị cố gắng giải thích với vốn liếng Anh ngữ của chị sợ con không hiểu , chị nhờ những người trong hội thiện nguyện giúp đỡ chị . Đó là năm 1992 , chị liên lạc được hai con gái , dù chúng vẫn trách móc đủ điều nhưng chúng vẫn biết chúng là con của chị . Cô lớn tên Rebeca là một Luật sư đã có gia đình và định cư ở Florida , cô nhỏ tên Rachel là một dược sĩ định cư ở Maryland . Chính vì Rachel mà gia đình chị từ Iowa dọn sang Maryland để gần gũi con gái , nhưng mâu thuẩn càng lớn khi sống chung với nhau , anh chị không sao hòa hợp được với cách sống rất Mỹ của cô con gái , và cứ cải vả nhau nhất là anh Hưng cứ theo phong tục , tập quán của người Á Đông mà bắt con gái phải học tập , bị phản đối , mỗi khi phản đối là cô đem chuyện "bỏ con " ra mà bắt lỗi cha mẹ . Cuối cùng chịu không nỗi anh chị Phượng phải dọn ra ở apartment , nhìn chị nhòe nhoẹt nước mắt mà tôi thấy thương chị vô cùng .
   - Em biết không , tụi nó chưa chịu nhìn cha mẹ nhưng mình còn thấy , còn biết tin chúng , còn nấu ăn mang cho tụi nó .Còn thằng con trai của chị mất luôn , hai chị nó biết chỗ nó ở nhưng nó nhất định không nhìn cha mẹ , và không cho chị nói chuyện . Đau lắm em ơi .
   - Nhưng hai chị của nó biết chỗ ở của nó hả chi ?
   - Có lẽ biết  ,nhưng thằng kia không cho nói . Chị thở dài .
   Buồn nhiều nên đôi khi tinh thần chị không vững , chị thường khóc và có lúc chị muốn chết đi . Chị hay đi lang thang giống như người mất trí , tôi nhìn người mẹ đau khổ mà thương vô cùng , tôi hiểu tâm trạng của người mẹ mất con , nhưng khổ
 là biết tin con mà con không chịu nhìn !
   Ba năm sau , gia đình chị Phương dọn đi nơi khác , vì mấy đứa con sau này học xong có việc làm nên mua nhà cho cha mẹ , chị không còn ở khu apartment này nữa . Vắng người hàng xóm tốt bụng , dễ thương , không ai hàn huyên tâm sự ,tôi thật là buồn , mỗi lần nhìn cụm hoa cúc , hoa hồng , hoa cẩm chướng trước nhà , nhìn đám rau thơm sau nhà là tôi nhớ đến chị da diết , muốn nói với chị nhiều lắm nhưng tôi không nói được lời nào .Nhà mới của chị khá xa nhà tôi , vì bộn bề công việc  để kiếm sống , nên tôi cũng ít khi đến thăm chị dù vẫn luôn nhớ thương về chị .
   Rồi tôi cũng giã từ khu apartment này dọn đi nơi thành phố xa hơn nữa , nên khoảng cách giữa tôi và chị càng xa ! Số điện thoại của chị cũng thay đổi nên tôi không sao liên lạc được dù rất là muốn đến thăm chị vào những ngày nghỉ , tôi tìm kiếm và hỏi thăm những người quen cũ nhưng không ai biết tin , đành chờ dịp may thôi .
   Một hôm , tình cờ tôi thấy trong tờ báo ở mục phân ưu , tên của anh Hưng chồng chị Phượng đây mà , tôi sửng sốt  , đọc thật kỹ , tên họ , tuổi tác , cấp bậc ,thì chắc chắn đó là chồng của chị . Không sao biết được địa chỉ hay số điện thoại để hỏi thăm , chúng tôi liên lạc với tòa soạn báo , cuối cùng tôi có được số điện thoại của chị . Tôi liền đi đến nhà chị , gặp tôi chị ôm chầm lấy tôi và khóc nức nở . Anh Hưng bệnh ung thư gan , chị cho biết bệnh này đã bị lúc trong trại tù , nhưng khi qua đến Mỹ đã diều trị tạm ổn , nhưng tái phát và tới thời kỳ chót...anh đã ra đi . Tôi không  nói lời nào an ủi chị , nghẹn ngào đứng chết trân . Sau đó chị kể tôi nghe về cơn bệnh của anh , về những việc làm của anh lúc cuối đời . Chị cho biết dù buồn đau chồng chị mất , nhưng chị sung sướng là đã tìm được đứa con trai , ngày nay chúng rất là thương yêu chị , chị em sum họp , ba chị em hiểu và rất thương yêu anh chị .
  - Anh Hưng mất đó là sự mất mát lớn lao , nhưng chị biết anh cũng rất sung sướng mãn nguyện vì các con đã sum họp , hòa thuận , tụi nó cố chạy chữa cho cha nhưng đành chịu vì căn bênh đã di căn làm sao sống được .
Chị bảo hai cô gái khó khăn lắm mới liên lạc được em trai vì cậu ta ở tận Luân Đôn của nước Anh xa xôi , vợ chồng cậu ta từ Luân Đôn qua thăm cha và ở luôn cho đến khi cha ra đi . Giờ đây chị thật sự vui vì đã tìm đủ các con mà từ lâu tưởng không bao giờ tìm được , dù anh Hưng ở cõi vĩnh hằng nhưng chắc anh cũng mĩm cười vì các con anh đã tìm về cội rễ .
  Nay thì chị Phượng của tôi không còn đi lang thang như người mất trí nữa , mà chị thật sự vui trở lại bổn phận làm mẹ , săn sóc , âu yếm , nấu nướng cho các con dù các con của chị đã lớn đã thành đạt và chắp cánh bay thật vững . Thỉnh toảng chị đến chơi nhà người con này , nhà người con kia , lâu lâu được các con dẫn đi du lịch , để đền bù những tháng ngày gian nan khổ cực , lắm lúc tưởng chừng phát điên . Tôi mừng cho chị Phượng của tôi , và mong rằng chị được  khỏe mạnh , sống thật lâu , thật hạnh phúc với đàn con .
    Tôi luôn nhớ những điều chị đã dạy tôi , mà tôi không bao giờ quên được :
                    Tri túc , tiện túc , đãi túc , hà thời túc
                    Tri nhàn , tiện nhàn , đãi nhàn , hà thời nhàn .
lethihaanh


No comments:

Post a Comment