Nguyễn Vĩnh Nguyên
Có nhà cửa, hộ khẩu ở TP.HCM thì trở thành người Sài Gòn? Chưa chắc. Khi ta nói “người Sài Gòn” là nói tới một hệ thống phẩm chất, một thế sống – theo cách dùng từ của nhà văn Vũ Khắc Khoan – chứ không phải là nói tới cái sự định vị hợp thức về mặt hành chính.
Gần đây, từ Sài Gòn được xài lại nhiều, trên sách báo chính thống có bề tự nhiên hơn trước. Hình như sức nặng văn hóa thuộc nội hàm của một địa danh đã vượt qua những quy ước địa danh hành chính.
Vì sao như vậy?
Thiên hạ phải chăng tất thảy đều mắc chứng hoài cổ thái quá?
Thật khó tin vào giả thiết có một thứ tâm thức hoài cổ tập thể ở một thành phố mà sự thay đổi theo chiều hướng hiện đại và tư duy toàn cầu đang hiện diện trong mọi ngõ ngách đời sống hằng ngày. Càng khó tin rằng ở vào thời buổi thực tại “phân mảnh” này, người ta dễ dàng chìm đắm trong những chiêu trò truyền bá mị dân, dù cho là theo định hướng nào.
Không phải ngẫu nhiên mà ngày nay, giữa dòng thông tin hỗn loạn, trên các tờ báo mạng, nhật báo vẫn có những hồ sơ dài kỳ về loạt chuyện người Sài Gòn, các huyền thoại phố phường hay du hành về quá khứ truy tìm gốc gác những địa danh, nhân vật, sản vật của thời vang bóng, giải mã những công trình kiến trúc biểu tượng hay lục lọi khám phá một Sài Gòn của năm tháng cũ hòng mong tìm thấy ở đó những giá trị lấp lánh “Sài Gòn đúng nghĩa” từng bị che phủ dưới bụi thời gian. Những quyển sách ghi chép về chuyện đời tư các gia đình Sài Gòn mẫu mực, những lối sống “kiểu Sài Gòn” đến nay còn lưu giữ hay những thú tiêu khiển phong lưu của người Sài Gòn trước đây được khai thác lại, trình hiện lại, mà bán chạy như tôm tươi.
Kệ sách viết về Sài Gòn ngày càng đầy lên. Và dù là khảo cứu, nghiên cứu hay dù là những tiểu tự sự đầy riêng tư, đến mức, có thể viết về Sài Gòn của “giai đoạn thành phố Hồ Chí Minh” thì người ta vẫn cứ phải dán lên bìa sách hai chữ Sài Gòn, mới “ép-phê”.
Sài Gòn, vì sao? Vì đó là một cách gọi đắc địa, hàm chứa bên trong nó là một diễn ngôn cộng đồng về khát khao hướng đến những giá trị lịch sử tích tụ qua ba thế kỷ, những diễn trình phát triển liền mạch, lành lặn, bảo lưu những căn tính văn hóa tốt đẹp, hướng đến những mục tiêu sự phát triển nhân văn, cởi mở, tự do trong hài hòa. Sài Gòn, tên địa danh đi cùng với nội hàm biểu hiện một hệ thống tài nguyên nhân văn được kết tinh, lắng đọng qua quá trình tự nhiên của một đô thị và định hình trong tâm thức của cộng đồng sống giữa lòng nó.
Tên gọi mang trong nó sức rung ngân của những biểu tượng và cũng gói trong nó cảm thức của con người về một cõi miền, ở đó, có sự xác lập một lãnh thổ xã hội nhân văn. Paris, New York, Berlin, Venice… khi những tên gọi cất lên, đều đem đến ngay trong não người tiếp nhận có hiểu biết và trải nghiệm những dữ liệu, hình dung rất rõ ràng. Ta nghe không khí, môi trường một vùng đất, ta thấy thế sống của con người ngay từ khi nghe nhắc địa danh. Nội cảm ta muốn truyền thông tinh thần một xứ sở khi môi miệng nhắc đến một tên xứ sở. Khi nói tới Sài Gòn, hay cụ thể hóa hơn, là Người Sài Gòn, thì cũng thế. Đó là hơn ba trăm năm văn hóa gom lại trong hai từ, dễ gì tan đi trong ngày một ngày hai.
Lịch sử cần được tư duy liên tục. Đó là diễn ngôn chính thoát ra từ những hiện tượng này.
Dưới địa danh là ẩn ngữ văn hóa. Điều không thể chối cãi. Dưới địa danh là suối nguồn tính cách thị dân. Ta gặp ở đó những “yếu tố làm nên Sài Gòn”: là hào phóng, năng động, hào hiệp, lịch lãm, bao dung, bộc trực, chân thành, vị tha, trọng nghĩa khí và yêu tự do… Là những điều mà người ta lo sợ bị “loãng” dần trước xu hướng đơn điệu của đô thị toàn cầu và mai một sau những ghềnh thác lịch sử chính trị tạo ra.
Gọi tên Sài Gòn cũng là một cách nhắc nhở chính những thị dân về nhận thức và trách nhiệm đối với tương lai đô thị mà mình dự phần và với cả lịch sử của đô thị đó. Và khi gọi tên Sài Gòn, cũng là một cách tự vấn về những phẩm giá Sài Gòn bên trong mỗi người sống ở đây. Mình có thực sự là Sài Gòn đúng nghĩa với những thang bậc giá trị thuộc về căn tính Sài Gòn hay chỉ là kẻ trôi dạt vong thân, tuy sống trong một đô thị rộng mở mà lòng đầy vị kỷ với những hành xử hoang dã, phản văn minh, phi “Sài Gòn”.
Và cũng trên trục nghĩ đó, âm vang của cái tên Sài Gòn sẽ rộng hơn, đâu chỉ trên “lãnh thổ địa lý” của một vùng đất một đại đô thị, mà lan tỏa. Rộng vô biên. Mấy mươi năm trước, nhà văn Vũ Bằng, người từng nắn nót những dòng mỹ văn về Hà Nội đã tranh thủ “làm người Sài Gòn” trong quyển văn ẩm thực Món lạ miền Nam: “Muốn sách gì đi nữa, tôi yêu thì tôi cứ bảo là tôi yêu. Yêu Sài Gòn quá, Sài Gòn ơi, bởi vì Sài Gòn là trời hoa, đất rượu”. Trời hoa, đất rượu không nằm nơi món ngon đem lại khoái cảm từ đường miệng, mà là sự đắm say của thứ làm nên tài nguyên nhân văn, cảnh sắc, thế sống của một thành phố.
Ta hiểu rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, nơi đâu có hấp lực của sự đắm say, có tình người vị tha, hào sảng, có hòa bình, văn minh và coi trọng tự do thì nơi đó những phẩm giá tốt lành của đô thị được chuyên chở; nơi đó, hiện hữu giá trị Sài Gòn.
Sài Gòn của sự thân thiện và chân thành - Ảnh NVN |
Sài Gòn của sự dung dị trong sung túc - Ảnh NVN |
Gánh hàng lưu niệm gốc gác đồng quê trên phố trung tâm Sài Gòn - Ảnh NVN |
Sài Gòn của tôi
Nguyễn Thị Hậu
|
Nếu được bắt đầu một lần nữa tuổi trẻ, nghề nghiệp, các cơ hội thay đổi cuộc sống…, tôi có chọn Sài Gòn không? Và câu trả lời là CÓ! Bởi vì tôi hiểu rằng, Sài Gòn là nơi chốn của tôi, vì chỉ ở nơi đây tôi mới thật là TÔI. Sài Gòn đã dành cho tôi một số phận.
Lúc rảnh rỗi, tôi hay lục trong đám thư từ cũ những bức thư của bạn bè gửi cho tôi sau tháng năm 1975, khi ấy tôi cùng gia đình rời Hà Nội trở về Sài Gòn sinh sống.
Đọc những bức thư ấy, tôi có thể nhớ lại, tôi đã luyến tiếc và mong muốn được quay lại Hà Nội như thế nào! Đúng thôi, “nơi tôi sinh Hà Nội… phố nhỏ ngõ nhỏ nhà tôi ở đó…”, cả thời thơ ấu nghèo nàn nhưng ấm áp vui vẻ trong khu tập thể có những căn phòng 12 mét vuông giống hệt nhau từ giường tủ đến bàn ghế, giống nhau cả quần áo của bọn trẻ và cả bữa ăn đơn sơ mà người lớn vội vã nấu trên cái bếp dầu bé tí luôn hôi khói dầu ma dút.
Bị dứt đi khỏi miền thơ ấu vào tuổi 17 mơ mộng, lần cuối chia tay Hà Nội vào một đêm mùa thu, hương hoa sữa xóa nhòa lời tạm biệt của người bạn trai… Tôi ra đi mà biết rằng sẽ mang theo Hà Nội trong tim mình rất lâu, rất lâu…
Nhiều năm sau khi tôi đã là một người vợ rồi thành người mẹ, mỗi lần trở lại Hà Nội tôi đều tự hỏi: nếu mình sống ở Hà Nội hay một nơi nào đó không phải là Sài Gòn thì sẽ thế nào? Biết đâu tôi sẽ như cô bạn thân hồi phổ thông, lấy một ông chồng chỉn chu công chức, sáng đưa con đi học đưa vợ đi làm, đến chiều cả nhà lại trên chiếc xe máy “khứ hồi” về căn buồng nhỏ chia ra từ ngôi nhà chung của bố mẹ… Có thể tôi có một ông chồng khá giả, một căn hộ ở khu chung cư cao cấp, cũng sẽ có chiếc xe máy xịn hay thậm chí có xe hơi để “không thua chị kém em”, mỗi ngày váy áo xông xênh đi đến công sở, đi chơi như nhiều người đàn bà khác, có khi có một chức vụ nho nhỏ nào đó để mà vênh vang với chồng “này, tôi không phải nhờ vả gì ông đấy nhé”.
Thế rồi sao nữa? Thật tình nhiều lần hỏi vậy và tôi không trả lời được. Đúng hơn là tôi không hình dung được nếu cuộc đời mình cứ trôi qua như nhiều bạn bè tôi ở nơi này nơi khác, cả trong và ngoài nước, như tôi đã từng có cơ hội để thay đổi… Những “kịch bản” về một nơi chốn khác cho cuộc đời tôi đã không xảy ra, bởi vì không thể xảy ra khi tôi không muốn! Vì sao tôi không muốn? Giản đơn vì cuộc sống ở những nơi chốn khác, tốt hơn hay xấu hơn là điều khó biết trước, nhưng chắc chắn không phù hợp với tôi. Nếu phải sống cuộc đời trái với tính cách của mình thì nhất định có lúc tôi sẽ bứt tung ra mà làm lại từ đầu!
Tôi lại tự hỏi, nếu được bắt đầu một lần nữa tuổi trẻ, nghề nghiệp, các cơ hội thay đổi cuộc sống… tôi có chọn Sài Gòn không? Và câu trả lời là CÓ! Bởi vì tôi hiểu rằng, Sài Gòn là nơi chốn của tôi, vì chỉ ở nơi đây tôi mới thật là TÔI. Sài Gòn đã dành cho tôi một SỐ PHẬN.
***
Ấn tượng đầu tiên về Sài Gòn của tôi từ một câu ca dao về vùng đất còn đầy vẻ hoang sơ lạ lẫm và những con người đến đây còn rất cô đơn:
Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định – Đồng Nai thì về
Cùng với tích chuyện xưa Thủ Hoằng dựng Nhà Bè ở ngã ba sông, để sẵn gạo củi giúp cho những người lỡ đường sông nước tạm dừng ghe xuồng nghỉ ngơi, chờ con nước lớn mà ngược vào vùng bán sơn địa Gia Định - Đồng Nai hay theo nước ròng mà xuôi ra cửa biển Cần Giờ… Trong tôi, Đất Sài Gòn hiện lên nơi ngã ba sông Sài Gòn và sông Đồng Nai nhập vào nhau để cùng đổ ra biển Đông, và người Sài Gòn hiện ra như những con người rộng rãi sẵn sàng làm việc nghĩa.
Cho đến bây giờ Sài Gòn vẫn không hề không câu nệ anh là ai anh từ đâu đến. Những người bạn của tôi hầu hết đều sống ở Sài Gòn trên dưới 40 năm, từ nhiều vùng miền tỉnh thành, do những hoàn cảnh khác nhau mà đến/ vào/ về Sài Gòn sinh sống. Chúng tôi sống ở Sài Gòn và quen thuộc với sự bao dung, sự chia sẻ cơ may của Sài Gòn cho bất cứ ai đến nơi đây kiếm sống .
Bởi chúng tôi nhận ra rằng, nếu ta sống với Sài Gòn, sống hết mình cùng Sài Gòn ta sẽ nhận ra tấm lòng nặng tình đầy nghĩa bên trong vẻ bộc trực phóng khoáng của người Sài Gòn, người Nam bộ. Qua nhiều năm khó nhọc mưu sinh, nhiều người đã thầm hiểu, nơi ta được sinh ra là nơi để gửi nhớ gửi thương mỗi dịp năm hết Tết đến, còn Sài Gòn là nơi mỗi ngày ta có thể được sống hết mình trong suốt cuộc đời… Và nếu như ta đừng quá “thiên lệch” lòng yêu thương đối với nơi chôn nhau cắt rốn thì tình cảm của ta đối với Sài Gòn sẽ công bằng hơn, vì đó là thành phố của mình, vì ta cũng đã là người Sài Gòn!
Sống ở đây tôi được là chính mình, không cần cố gắng để “như mọi người”. “Tôi là Tôi” nhưng tôi không trở nên dị thường “hổng giống ai”. Những cá tính dù gai góc đến mấy ở Sài Gòn cũng không bị nhào nặn gọt bào cho tròn trịa, như những trái sầu riêng, vỏ ngoài sần sùi khó mà cầm nắm nhưng biết cách thì dễ dàng tách ra để thấy được những múi căng đầy vàng ươm, mới nghe thì “nặng mùi” nhưng ăn một lần thì quen rồi nghiện hồi nào không hay.
Tôi yêu Sài Gòn bằng một tình yêu như thế. Không cần phô phang là “người Sài Gòn”, chẳng cần mình là “gốc” hay “xịn” bởi tôi hiểu, Sài Gòn không bắt ai phải nói tốt về mình, lại càng không muốn so sánh Sài Gòn hôm nay với quá khứ đã qua… Sài Gòn đã thay đổi, và cũng cần thay đổi. Dù sự đổi thay có điều hay điều dở nhưng mạch nguồn trong lành vẫn hiện hữu mỗi ngày, nuôi dưỡng những tâm hồn bình dị phóng khoáng, nuôi dưỡng những việc làm nhỏ bé mà đầy ắp nghĩa tình của người Sài Gòn, và của những người đến Sài Gòn.
Sống ở một nơi như vậy có cần chăng một nơi khác để bắt đầu một cuộc đời khác?
nguồn: tiasang.com
Vũ Thất
No comments:
Post a Comment