Gia chánh

Wednesday, October 7, 2015

Chủ nghĩa lý lịch----Con ông cháu cha


« Chủ nghĩa lý lịch » của người cộng sản hiện đang làm khó gia đình anh Ba X. Oan oan tương báo, gậy ông đập lưng ông, cho dầu anh Ba là người cầm chịch hội đồng nhà nước. Đàn em dưới trướng anh Ba đầy dẫy, ngoài xã hội cũng như trên facebook. Từ công an, quân đội cho tới đám cò ke lục chốt dư luận viên trên các mạng xã hội đều ở dưới trướng anh Ba. Dầu vậy anh Ba cũng khó có thể tránh được món « ám khí », đòn đánh ngay bọng dái…. Từ những người đồng chí thân thuơng của anh Ba.
Chủ nghĩa lý lịch ở VN từ xưa đến nay là ông thần hộ vệ cho chế độ. Người ta thấy nó thể hiện man mác khắp mọi nơi, mọi lúc. Đi xin một tờ giấy, bất kỳ cho mục đích gì, người xin phải điền vào khoảng trống trong tờ giấy rõ ràng nguồn gốc, nghề nghiệp của anh em, cha mẹ, ông bà… của mình. Tức là xét lý lịch ba đời. Đến nay đã gần ½ thế kỷ nhưng câu hỏi « trước 1975 làm gì » vẫn còn thấy tồn tại trên các đơn từ quan trọng.
Người ta phân loại nhân dân VN bằng « hồ sơ lý lịch ». Loại « tốt », có hồ sơ lý lịch trong sáng, kiểu « gia đình có công với cách mạng », hay ba đời vô sản, làm nông, làm lao động… Còn loại « xấu » là những người có liên hệ đến « ngụy quân », « ngụy quyền »… nói chung là những thành phần có quan hệ với chế độ cũ. Những người có lý lịch « xấu » muôn đời không vào làm việc trong các cơ quan nhà nước.
Sống trong xã hội cộng sản ai cũng trải qua cái cảnh mọi người phải dè chừng lẫn nhau. Người này để ý người kia. Thấy người nào « nói xấu chế độ » là người kia có bổn phận phải đi tố cáo. Người nào bị kẻ khác tố cáo là « phản động », cuộc đời xem như đi vào ngõ hẹp Cái nhãn « phản động » ảnh huỏng đến con cháu ba đời. Đây cũng là chủ nghĩa « lý lịch ».
Cái phản xạ « lý lịch » đến nay vẫn còn man mác trong xã hội. Không cần tìm đâu xa, bản thân cá nhân tôi là một thí dụ.
Tôi có người thân quen lâu đời, tình cờ thấy anh này có tài khoản facebook nên liền « kết nối » với anh ấy. Chưa kịp viết lời « tay bắt mặt mừng » thì anh này đã hủy « kết nối » chưa kịp nóng. Tôi thông cảm cho hành động anh này, người VN ai cũng sợ bị « liên lụy » hết. Trong khi những gì tôi viết đều có thể bị kết vào « phản động », « chống cách mạng »… Điều phiền một cái là anh này đang sống ở Mỹ.
Tôi cũng để ý, sau một bài viết của tôi (có vẻ chạm nọc một chút), thì có năm ba người huỷ « kết nối » với tôi. Không bao giờ tôi phiền hà về việc này. Sau kinh nghiệm của anh bạn kia, tôi không bao giờ tự động « kết bạn » với bất kỳ ai khác. Hiện nay con số này, có lúc lên 5000 người, có lúc trụt xuống. Những người kết bạn với tôi đều do họ tự nguyện. Họ tự nguyện kết bạn thì họ tự nguyện hủy. « Dầu đến rồi đi tôi cũng xin tạ ơn người ». Tôi không hề muốn những tư tưởng, những ý kiến của mình sẽ làm « liên lụy » đến bất kỳ một người nào khác.
Chủ nghĩa lý lịch không chỉ tàn phá mối giềng đạo lý giống nòi, mà làm cho con người VN nghi kị lẫn nhau. Con tố cha, vợ tố chồng, anh em tố cáo lẫn nhau… là chuyện thường ngày trong xã hội VN. Sự nghi kị tác hại như át xít, nó sẽ làm phân hủy gia đình, xã hội. Quốc gia chờ ngày tan rã.
Một thống kê, cách đây khá lâu, cho thấy chủ nghĩa « lý lịch » tác động ngay trên chính sách đầu tư của nhà nước. Các vùng, miền… tỉ lệ đầu tư khác nhay vì chủ nghĩa lý lịch. Miền Nam, trên mọi mặt từ giáo dục, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông… đều không được ưu tiên. Dân chúng miền Nam vẫn bị kỳ thị về lý lịch, như là một giống dân thứ cấp : « ngụy dân ».
Chủ nghĩa lý lịch đã giúp cho đảng CSVN giữ vững được quyền lực. Cha làm quan thì tất nhiên con cũng ưu tiên được làm quan, theo kiểu cha truyền con nối. Bằng không một người làm quan cả họ được nhờ.
Thử nhìn qua thân thế gia đình anh Ba X. Anh lên cầm chịch hội đồng nhà nước thì con cái anh, đứa lớn thì làm thuợng thư kiêm luôn tổng đốc, đứa kế thì nắm chắc hầu bao làm chủ ngân hàng (mới nghe nói làm chủ tới 50 tỉ tiền obama), còn đứa út thì được đôn lên làm xếp đảng đoàn chi đó…
Nhìn qua chung quanh, sự việc nhân sự lãnh đạo các huyện toàn là người nhà, hay việc bổ nhiệm nhân sự tỉnh Quảng Nam… cũng là nhờ lý lịch.
Trở lại vấn đề anh Ba X. Con gái anh Ba bị các đồng chí của anh tố cáo có quốc tịch Mỹ. Đúng sai không cần biết, điều đáng nói là bây giờ anh Ba trở thành nạn nhân của «chủ nghĩa lý lịch».
Ở các xứ giẫy chết, khi con cái quá tuổi trưởng thành thì cha mẹ không còn trách nhiệm. Chuyện của con là chuyện của con, không liên quan gì đến cha.

Oan oan tương báo là vậy.
Nhiều tiếng nói đả kích « ba vị giáo sư khả kính » tố cáo con gái anh Ba, bênh vực con gái anh Ba. Dịp này như "tát đìa", cạn nước cá nổi lên, sẽ biết ai là phe anh Ba, ai là phe chống đối.
Tôi thì tin thuyết nhân quả, luân hồi. Anh Ba đã sử dụng « lý lịch » để ngoi lên tột đỉnh thì chắc chắn anh cũng sẽ bị « lý lịch » vùi anh xuống tận đáy. Anh gây tội ác quá nhiều. Ác lai ác báo.
 Trương Nhân TuấnFacebook 


'Con ông cháu cha' - các góc nhìn


BBC
Để quan hệ gia đình trở thành tác nhân trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự ở các cấp là một hiện tượng 'đáng buồn' và đồng thời là 'buồn cười', trong lúc xã hội có thể cảm thấy bất lực 'bó tay', theo ý kiến của nhà phân tích chính trị - xã hội Việt Nam.
Nhân việc mới đây xuất hiện một số vụ tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo ở một số tỉnh, thành trực thuộc trung ương, kể cả ở một số địa phương, được dư luận cho là các nhân sự 'con ông, cháu cha' ngay trước thềm đại hội Đảng CSVN lần thứ 12, TS Hà Hoàng Hợp, từ Singapore, bình luận:
"Đúng là con thưa cha, cháu thưa ông nơi cửa quan nó buồn cười thật," nghiên cứu viên cao cấp từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), nói.

Ông nói: "Nguyên tắc chọn người để làm lãnh đạo hay cấp nào cũng thế, phải đảm bảo những nguyên tắc căn bản.
Và Tiến sỹ Hợp nêu quan điểm về một số tiêu chí tuyển dụng, bổ nhiệm lãnh đạo các cấp, mà theo ông Việt Nam lẽ ra nên áp dụng.
"Một là năng lực, hai là đạo đức, ba là kinh nghiệm, bốn rồi mới đến tuổi tác.
"Có một nguyên tắc quan trọng nhất là quá trình để tuyển chọn hoặc bổ nhiệm phải được xảy ra một cách công khai, minh bạch, rõ ràng, công bằng.
"Không thấy việc đó một cách thường xuyên ở Việt Nam, đấy là điều đáng buồn. Nếu để xảy ra việc con thưa bố, cháu thưa ông, thì chuyện ấy sẽ thành rất buồn cười."

Nhận định được đưa ra hôm 23/9/2015, khi có tin ông Lê Phước Hoài Bảo, 30 tuổi, vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư tỉnh Quảng Nam.
Ông Bảo, sinh năm 1985, là con trai cả của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Phước Thanh. Ông được cho là giám đốc sở Kế hoạch - Đầu tư trẻ nhất Việt Nam.

'Không minh bạch'

Cũng hôm thứ Tư, từ Hà Nội, một nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển, đưa ra bình luận với BBC về hiện tượng này.
"Việc bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo trong bộ máy chính quyền thì rõ ràng là chúng ta (Việt Nam) đã có luật, cũng phải tổ chức thi tuyển v.v....
"Và nó có những quy trình rất rõ ràng...," PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện này nói.

Thì việc chúng ta sẽ lựa chọn được những người có phẩm chất, có năng lực, có ý tưởng, để mà phục vụ cho tốt và qua đó, bộ máy công quyền mạnh lên.
"Cá nhân tôi nhận thấy rằng bộ máy nhà nước sẽ mạnh nếu với những con người lãnh đạo của các cấp khác nhau trong bộ máy hành chính mà đều được thi tuyển,
"Đó là câu chuyện xảy ra cách đây vài tháng.
"Thế nhưng mà đến gần đây thì rất tiếc thông tin đại chúng lại cho thấy rằng là có văn bản yêu cầu dừng việc thi tuyển.
"Như vậy là vào các vị trí lãnh đạo là không thi tuyển nữa, mà theo cất nhắc bổ nhiệm ở bên trong.
"Mà quá trình này rõ ràng là nhân dân không được biết và cũng không có tiêu chí gì cụ thể cả, thì đánh giá việc đưa người này vào vị trí kia lãnh đạo... nó hoàn toàn không minh bạch."

Xã hội bó tay?

Được hỏi Việt Nam có thể làm được gì và xã hội có thể phản ứng ra sao trước khuynh hướng 'thi tuyển' bị dừng lại, trong khi 'bổ nhiệm kín' có dấu hiệu 'quan hệ thân tộc, gia đình', mà trong dư luận lâu nay gọi là 'con ông cháu cha' hoặc mới đây gọi là 'con thưa cha, cháu thưa ông' này gia tăng, nhà nghiên cứu nói:
"Câu chuyện này là câu chuyện hệ thống rồi, ở đây chúng tôi nghĩ rằng khó mà bàn... Tôi nghĩ là xã hội bó tay, anh nào vào vị trí nào là phải chịu sự quyết định về nhân sự của đảng. Cái đó là khẳng định thực tiễn ở xã hội, hệ thống chính trị Việt Nam là như vậy," ông Hoàng Ngọc Giao nói với BBC.
Dư luận trong ngoài nước thời gian qua từng quan tâm một số trường hợp con của lãnh đạo cao cấp được bổ nhiệm.
Mới đây, ông Lê Trương Hải Hiếu vào chức vụ Chủ tịch Quận 12, kiêm Phó Bí thư quận thuộc TP. HCM.
Năm nay ông Hiếu 34 tuổi. Ông là lãnh đạo quận huyện trẻ nhất của TP. HCM tại thời điểm hiện nay. Cha ông, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, là Bí thư Thành ủy TP. HCM từ 2006 tới nay.
Hồi tháng 3/2014, ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai đầu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã được Bộ Chính trị luân chuyển về tỉnh Kiên Giang làm Phó bí thư Tỉnh ủy.



Trước cổng cơ quan, một bác nông dân thập thò, nghiêng ngó. Thấy vậy, anh bảo vệ quát to:

- Ông kia! Tới có chuyện gì?

- Tôi muốn gặp giám đốc xin cái giấy xác nhận!

- Hôm nay giám đốc nghỉ lo đám tang. Bố giám đốc vừa mất!

- Vậy cho tôi gặp phó giám đốc được không?

- Cũng không được! Vì bố phó giám đốc cũng vừa mất!

Vẻ thất vọng lộ rõ trên gương mặt bác nông dân, nhưng bác vẫn cố hỏi thêm:

- Vậy cho tôi gặp trưởng phòng được không?

- Không được! Bố chồng của trưởng phòng vừa mất.

- Vậy cho tôi gặp phó phòng!

- Không được! Hôm nay phó phòng nghỉ lo đám tang. Ông nội phó phòng vừa mất!

- ĐM! Anh đùa tôi đấy à? Chết đéo gì mà lắm thế?

- ĐM! Ông chửi ai đấy hả? Đã không biết thì im mồm đi! Chết mỗi người chứ lấy đéo đâu ra mà lắm! Bố của giám đốc thì cũng là bố của phó giám đốc, thì cũng là bố chồng của trưởng phòng và là ông nội của phó phòng. Vì giám đốc là anh ruột của phó giám đốc, là chồng của trưởng phòng và là bố đẻ của phó phòng. Ông dù chỉ chửi một người nhưng lại là chửi cả cái cơ quan này đó! Ông biết chưa hả? Thôi, về đi cho tôi đóng cổng cơ quan!

- Vẫn sớm mà! Sao đóng vội thế?

- Tôi phải về lo đám tang. Bác tôi vừa mất!

Tác giả: Võ Tòng Đánh Mèo

(FB Đinh Long)
nguồn TH

No comments:

Post a Comment