“Nỗ lực nắm lấy thế chủ động chiến lược trong đấu tranh quân sự, chủ động lên kế hoạch cho đấu tranh quân sự theo tất cả các phương hướng và lĩnh vực, và nắm lấy những cơ hội để đẩy nhanh xây dựng, cải cách và phát triển quân đội” – Chiến lược quân sự Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ngày 26/05/2015.
Ngày 26/05, Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện đã công bố phiên bản tiếng Anh của Chiến lược quân sự Trung Quốc. Ngắn gọn, nhẹ nhàng và dễ đọc hơn hẳn so với chiến lược quân sự của Mỹ, chiến lược quân sự của Trung Quốc gây chú ý vì sự chuyển đổi sang một tư thế công khai, “phòng thủ tích cực” đối với các lực lượng quân sự Trung Quốc. Trong số nhiều điểm nổi bật là sự chú trọng vào việc giành lấy thế chủ động chiến lược, một trong 8 nhiệm vụ chiến lược cụ thể cho quân đội Trung Quốc.
Đây không phải là một diễn biến mới, nhưng những hoạt động gần đây ở Biển Đông là điển hình cho thực tế rằng Trung Quốc đã nắm được thế chủ động chiến lược trên biển. Các sắp xếp lực lượng ở Biển Đông làm rõ rằng Trung Quốc không có ý định từ bỏ thế chủ động. Một phản ứng thụ động của Mỹ sẽ chỉ tiếp tục thể hiện cho Trung Quốc thấy tính hữu dụng trong đường hướng của nước này, trong khi những lựa chọn răn đe linh hoạt truyền thống vừa kích động một cách không cần thiết vừa có thể không hiệu quả. Một chiến lược can dự và hiện đại hóa toàn diện, dài hạn tập trung vào Quốc gia Đối tác (PN) và sức mạnh không quân của Mỹ có thể đem lại cơ hội để Mỹ đảo ngược những lợi thế của Trung Quốc ở Biển Đông và ngăn chặn những lợi thế hơn nữa.
Sức mạnh không quân, đặc biệt là sức mạnh không quân được các quốc gia đối tác triển khai, là xương sống cần thiết của một chiến dịch nhằm vô hiệu hóa một cách có hiệu quả hiệu lực của các công sự trên đảo của Trung Quốc ở Biển Đông. Một chiến lược can dự mạnh mẽ, kết hợp với một lực lượng máy bay ném bom Mỹ hiện đại hóa, sẽ cho phép Mỹ triển khai sức mạnh hoặc hỗ trợ cho các nỗ lực phòng thủ địa phương một cách đáng tin cậy, ngay cả trong những trường hợp không sẵn có căn cứ địa phương cho các lực lượng Mỹ. Chiến lược đề xuất của Mỹ này có 3 thành phần; những mối quan hệ quốc phòng mới, một bộ công cụ đã sửa đổi để tăng cường các khả năng sức mạnh trên không và trên biển của quốc gia đối tác, và một lực lượng máy bay ném bom tầm xa hiện đại hóa.
Địa lý
Bất kỳ cuộc thảo luận nào về Biển Đông đều phải bắt đầu bằng đặc điểm địa lý. Những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc về cơ bản bao trùm toàn bộ vùng biển này, dựa trên những gì còn lại của đường 11 đoạn được thừa hưởng từ Trung Hoa Dân quốc năm 1947. Hiện nay được gọi là “đường 9 đoạn” (2 đoạn đã bị Chu Ân Lai xóa bỏ), đường này bao quanh lãnh thổ mà trong lịch sử đã được các quốc gia khác tuyên bố chủ quyền hoặc chiếm giữ, kể cả các bãi ngầm, bãi cạn và bãi cát cửa sông ở ngoài rìa. Một số điểm ngoài rìa đó đã bị Trung Quốc và quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền chiếm giữ, và một số đã được mở rộng thành các đảo nhân tạo hoàn thiện với các cơ sở quân sự, kể cả sân bay.
Trong khi báo chí đã nói nhiều về các đảo nhân tạo được quân sự hóa của Trung Quốc, các đảo được bồi đắp có tất cả những bất lợi của một chiếc tàu sân bay, mà lại không có tính cơ động hữu ích của tàu sân bay. Như người Nhật Bản đã khám phá ra trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, các đảo bồi đắp là nơi các lực lượng được tập trung một cách nguy hiểm vào những không gian nhỏ hẹp với trang bị, nhiên liệu và đạn dược hạn chế. Về mặt quân sự, các căn cứ trên đảo nhỏ dễ dàng bị cô lập, khó phòng thủ và chúng tập trung các lực lượng theo cách bất lợi nhất – khi chúng dễ có khả năng tổn thương vì bị tấn công nhất. Chúng có thể dễ dàng biến thành một gánh nặng. Ngược lại, trong thời bình, các căn cứ có hiệu quả trong việc mở rộng khả năng của Trung Quốc quan sát, hành động và hăm dọa các nước láng giềng. Khi đó, thách thức là làm thế nào để vô hiệu hóa tác động của nó trong thời bình.
Biển Đông được bao quanh bởi những vùng đất liền xung quanh nó. Không có tập hợp các căn cứ đảo nhỏ, tĩnh nào sẽ làm chủ được nó. Việt Nam, Borneo, Luzon và Palawan chiếm ưu thế về mặt địa lý. Phía Nam quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam và Philippines có một lợi thế về vị trí đối với Biển Đông so với Trung Quốc Đại lục hoặc đảo Hải Nam. Các nước với lãnh thổ gần đó, đáng chú ý là Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Philippines và Brunei, có tiềm năng làm đối trọng với một số lợi thế quân sự của Trung Quốc – nhưng chỉ khi họ có thể gây nguy hại cho các yếu tố quân sự của Trung Quốc.
Một cấu trúc phòng thủ mới
Nếu Mỹ kiềm chế thành công những tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ sẽ phải thay đổi cấu trúc phòng thủ trong khu vực. Chỉ 4 nước có vị trí chế ngự Biển Đông: Trung Quốc, Malaysia, Việt Nam và Philippines. Người ta cho rằng Trung Quốc có quân đội lớn nhất đi kèm với vị trí địa lý xấu nhất. Một chính sách kiềm chế của Mỹ có thể được cải thiện đáng kể nếu việc bổ sung sự tham gia tích cực của một hoặc nhiều hơn các quốc gia láng giềng quan trọng này. Ngay cả khi không có căn cứ thường trực của Mỹ, các mối quan hệ phòng thủ đã thiết lập một vị thế quân sự của quốc gia đối tác được cải thiện có thể đem lại sức mạnh chống lại sự hung hăng của Trung Quốc.
Việt Nam, nước có 1000 năm bị Trung Quốc chiếm đóng trong lịch sử, cũng là nạn nhân mới nhất của sự hung hăng quân sự trên quy mô lớn của Trung Quốc, trước đó đã bị Trung Quốc xâm lược vào năm 1979. Việt Nam cũng đã chịu nhiều thương vong ở Biển Đông trong những cuộc đối đầu trực tiếp với Trung Quốc hơn mọi quốc gia khác. Với một vị trí mang tính chế ngự trên Biển Đông, với những tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và một cấu trúc cơ sở vững mạnh, Việt Nam về mặt lôgích là nước có lợi nhất trong khu vực khi cải thiện quan hệ quốc phòng, dù có hoặc không có căn cứ phía trước để Mỹ có thể tiếp cận được. Tương lai hợp tác quân sự hiện nay có phần hạn chế vì Mục 22 của Bộ quy tắc liên bang (CFR) 126.1 ngăn cấm viện trợ quân sự sát thương cho Việt Nam; việc dỡ bỏ lệnh cấm này liên quan đến các hệ thống vũ khí trên biển đã cho phép mở rộng, dù có giới hạn, quan hệ quốc phòng với Việt Nam. Việc dỡ bỏ có thể được mở rộng để bao gồm cả các khả năng trên không, và Thượng nghị sĩ John McCain đã thông báo một kế hoạch nhằm đưa ra điều luật dỡ bỏ các biện pháp giới hạn của CFR 126.1 đối với Việt Nam.
Malaysia, nước hiện đã có quan hệ hợp tác an ninh với Mỹ, chế ngự các lối vào Biển Đông ở phía Nam thông qua đảo Borneo. Nước này tiếp tục tuyên bố chủ quyền đối với một số đảo thuộc quần đảo Trường sa, và kiểm soát một số bãi ngầm, bãi cạn và sân bay trên bãi ngầm Swallow. Có 7 sân bay quân sự lớn của Malaysia ở Borneo, khiến nước này trở nên mạnh mẽ hơn đáng kể trước bất kỳ cấu trúc căn cứ nhân tạo nào của Trung Quốc. Lực lượng không quân hoàng gia Malaysia vận hành một đội máy bay chiến đấu hiện đại của Mỹ, Nga và châu Âu cho một loạt vai trò rộng lớn. Trên quan điểm về hàng không, Malaysia có một lực lượng không quân nhỏ nhưng có khả năng, và một học thuyết quốc phòng tập trung nhiều vào sự tự lực.
Philippines là nước duy nhất trong 3 đối tác giáp với Biển Đông có một hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ, bắt đầu từ năm 1961. Không may là Lực lượng không quân Philippines là cái bóng của tổ chức mà Mỹ đã giúp đỡ xây dựng sau Việt Nam. Bất chấp kế hoạch hiện đại hóa kéo dài 20 năm, Lực lượng không quân Philippines đã thui chột khả năng vận hành máy bay chiến đấu lên thẳng 10 năm trước và phải chịu thiết bị cũ dần, hạ tầng cơ sở tồi tàn, một hệ thống mua sắm quân sự không có dự tính và tinh thần yếu kém. Trên thực tế, Lực lượng không quân Philippines là một lực lượng an ninh nội địa và Philippines hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ về phòng thủ bên ngoài.
Chiến lược chồn wolverine
Quá trình củng cố các đối tác địa phương để cạnh tranh với một bá quyền khu vực thường được gọi là chiến lược “con nhím”. Nhím là một thách thức khó khăn cho một kẻ săn mồi định có một bữa ăn nhanh. Nhím không nhất thiết không thể ăn được, nó chỉ khó khăn hơn và không bõ công bằng những lựa chọn khác cho bữa ăn. Mặt khác, một con chồn wolverine, là một kẻ săn mồi cáu kỉnh, hung hăng không chỉ khó ăn, mà còn nguy hiểm khi đứng xung quanh và tốt nhất nên tránh xa. Một chiến lược “chồn wolverine”, nhằm cải thiện các khả năng tấn công đáp trả trên biển và trên không của các quốc gia đối tác, sẽ nắm một phần chìa khóa để vô hiệu hóa thế chủ động của Trung Quốc.
Những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông không có chỗ đứng trong luật pháp quốc tế, và chỉ có rất ít cơ sở lịch sử có ý nghĩa. Nhiều trong số các đảo thỉnh thoảng mới có người cư trú trong nhiều thế kỷ, một số vẫn được Trung Hoa Dân quốc tuyên bố chủ quyền, và một số đã bị Trung Quốc chiếm bằng vũ lực. Năm 1974, Trung Quốc đã chiếm giữ nhóm đảo Lưỡi liềm (Cressent Group) thuộc quần đảo Hoàng Sa từ Việt Nam Cộng hòa. Năm 1994, Đá Vành Khăn (mischief Reef) đã bị chiếm giữ trong thời gian tạm lắng các cuộc tuần tra của Hải quân Philippines và năm 2012 Trung Quốc đã bãi bỏ thỏa thuận do Mỹ làm trung gian, thỏa thuận sẽ rút lại các tàu của PLAN và Hải quân Phippines . Cuộc bao vây kéo dài 3 năm biệt đội lính thủy đánh bộ Philippines trên Bãi Cỏ mây (Second Thomas Shoal) đang tiếp tục diễn ra. Trung Quốc đã hung hăng theo đuổi các tuyên bố chủ quyền Biển Đông, không chỉ trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của các quốc gia khác, mà còn trong giới hạn 12 hải lý lãnh hải của Philippines, Brunei và Malaysia.
Trung Quốc là một bên ký kết Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS), nhưng tin rằng nó không áp dụng với Biển Đông. Cho tới nay, không nước liền kề nào kháng cự lại sự xâm phạm quân sự của Trung Quốc, với ngoại lệ đáng chú ý là Việt Nam. Điều này chỉ có thể thay đổi nếu các nước này trở nên đủ hùng mạnh để khiến các bước tiến của Trung Quốc tốn kém và dễ dàng bị đảo ngược. Đối với phòng thủ trong EEZ của một nước, sức mạnh không quân đặt trên mặt đất là lực lượng mang tính quyết định vì Việt Nam, Philippines và Malaysia có thể đều có tiềm năng duy trì ưu thế trên không trong vùng 200 hải lý tính từ bờ biển của họ, trong khi Trung Quốc sẽ bị thách thức hoạt động ở một phạm vi xa hơn nhiều. Nếu các nước xung quanh Biển Đông có những khả năng tấn công trên không và trên biển mạnh mẽ, họ sẽ không chỉ được chuẩn bị tốt hơn để chống lại sự hung hăng của Trung Quốc, mà còn có thể đảo ngược những lợi thế nhất thời và khiến sự can thiệp của Trung Quốc trở nên tốn kém hơn.
Sự tham gia của Mỹ trong việc phát triển các khả năng tấn công trên không và trên biển có tính then chốt, nhưng vào lúc này không đặc biệt khả thi. Mỹ không có các hệ thống không quân và hải quân sát thương, giá rẻ và có thể chuyển giao được mà các đối tác khu vực của Mỹ có thể mua, vận hành và duy trì một số lượng đầy đủ. Trong những năm 1970, Lực lượng không quân Mỹ đã cung cấp máy bay dư thừa từ Việt Nam cho một số lượng lớn lực lượng không quân trên toàn cầu để đem lại một lực lượng bảo vệ hiệu quả chống lại một mối đe dọa chung lấy cảm hứng Cộng sản. Các máy bay A-37, F-5, A-7, C-7, C-119, C-123, O-1, O-2 và OV-10 đã được cung cấp cho một số lực lượng không quân. Các máy bay này hiện chỉ được vận hành một cách cầm chừng, nếu không muốn nói là hoàn toàn không. Mỹ hiện nay hầu như không có đề xuất thay thế trong khi đồng thời, đòi hỏi về sự hỗ trợ của Mỹ cho các lực lượng không quân chỉ đang gia tăng. Nếu một quốc gia đối tác không thể chi trả cho một chiếc F-16 có nâng cấp vào giữa vòng đời, Mỹ không thể cung cấp cho họ máy bay chiến đấu. Tương tự, Mỹ không thể chế tạo các tàu hải quân mà không thể được các đối tác ít năng lực sử dụng hiệu quả – lựa chọn tốt nhất của chúng ta là những chiếc khinh hạm FFG-7 đã ngừng hoạt động và thỉnh thoảng là tàu tuần tra có tuổi thọ lớn. Các tàu tác chiến ven biển quá đắt đỏ về mặt quy mô đơn đặt hàng, và Mỹ không chế tạo tàu chiến nổi như tàu cánh ngầm lớp Pegasus, tàu hộ tống lớp Skjold, hay tàu tên lửa nhanh Mẫu 022. Nếu Mỹ nỗ lực tiến hành Chiến lược chồn wolverine, thì sẽ thiếu những công cụ cần thiết – Mỹ sẽ gặp khó khăn khi cung cấp phần cứng chung, huấn luyện hiệu quả và khía cạnh quan trọng nhất – một mối quan hệ dài hạn giúp định hình các quân đội đối tác là một đồng minh chính cho một nỗ lực toàn cầu với những giá trị chung cho cả hai.
Đây là vấn đề sâu sắc ở Đông Nam Á, khi máy bay chiến đấu do Mỹ chế tạo đã hết thời hạn sử dụng. Máy bay chiến đấu xuất khẩu cuối cùng của Mỹ F-5E, Tiger II, cho tới nay đã bị thay thế bởi các máy bay chiến đấu không phải của Mỹ, làm mất đi một cơ hội hợp tác an ninh lớn. Những chiếc F-5 còn lại cuối cùng ở Đông Nam Á sẽ hết hạn sử dụng trong 5 năm tới mà không có lựa chọn thay thế của Mỹ nào ngoài những chiến F-16, F-18 và F-15E đắt đỏ hơn nhiều.
Nếu Mỹ tiến hành Chiến lược chồn wolverine thành công, Mỹ sẽ phải làm điều gì đó về cả khả năng cố vấn không quân lẫn kho máy bay chiến đấu sẵn có của mình. Các biến thể chiến đấu của máy bay huấn luyện T-X (AT-X và FT-X) có thể phục vụ như một loại máy bay chiến đấu trung hạn, có thể xuất khẩu vào giữa những năm 2020. Tương tự, máy bay OA-X (AT-6B và A-29B) của Bộ Tư lệnh không quân tác chiến có thể giúp xây dựng lại những kỹ năng cơ bản mà Philippines cần để cho phép chuyển đổi hiệu quả sang một lực lượng đa năng – và những chiếc máy bay đó hiện đang sẵn sàng. Nếu Mỹ cũng thiết kế và chế tạo các tàu chiến mang tên lửa nhỏ gần giống với lớp Hầu Bắc Mẫu 022 của Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung QUốc, các quốc gia đối tác có thể bổ sung các tàu chiến nhỏ, có khả năng sát thương vào danh sách những năng lực được sử dụng để cân bằng ưu thế trên biển hiện tại của Trung Quốc so với các lực lượng hải quân khác trong khu vực. Quan trọng nhất, Mỹ phải gắn bất kỳ nỗ lực cố vấn nào với một cam kết dài hạn gần giống như Kế hoạch Colombia, vốn phải mất đến một thập kỷ, nhưng đã đem lại một Lực lượng không quân Colombia được trang bị tốt, hoàn toàn chuyên nghiệp.
Máy bay ném bom
Thành phần cuối cùng là một lực lượng máy bay ném bom tầm xa, bao gồm LRS-B, B-2 và B52J được nâng cấp (B-1B đơn giản là tốn nhiên liệu, và bị đánh giá thấp về khả năng sẵn có, đến mức không thể tiết kiệm chi phí để duy trì trong kho khí tài. Việc mất những chiếc B-1 sẽ được bù đắp bằng LRS-B mới và bằng việc đưa B-52 bổ sung khỏi kho dự trữ vào các đơn vị tác chiến). Những khoảng cách xa điển hình cho chiến đấu ở Thái Bình Dương và tầm bắn ngày càng tăng của mối đe dọa tên lửa Trung Quốc có thể đòi hỏi phải hoạt động từ bên ngoài khu vực. Máy bay ném bom có thể tác chiến từ những địa điểm nước ngoài như căn cứ Không quân hoàng gia Australia ở Tindall hay Diego Garcia, nhưng một chiếc B-52J được thay động cơ mới cũng có thể tác chiến ở Biển Đông mà không cần tiếp nhiên liệu từ các căn cứ xa xôi như căn cứ Không quân hoàng gia Australia ở Amberly và lãnh thổ của Mỹ như Wake, Guam hay thậm chí Hawaii. Với các hệ thống cảm biến hiện đại hóa bao gồm khẩu độ mở tổng hợp nghịch đảo (để nhận diện tàu) và các chế độ xung nhịp – Doppler (để nhận thức tình hình trên không), các máy bay ném bom sẽ có thể hỗ trợ các chiến dịch chống tác chiến biển trong và xung quanh Biển Đông.
Chống lại Hải quân Liên Xô, một phi đội gồm 3 máy bay B-52G được trang bị tên lửa Harpoon đã là một lực lượng đáng sợ, và có thể tỏ ra một lực lượng vượt trội ở Bắc Đại Tây Dương. Được trang bị các vũ khí chống tàu hiện đại như Tên lửa tấn công hải quân hay tên lửa Harpoon cải tiến, một phi đội toàn B-52 có quy mô cả loạt để áp đảo các hàng phòng không của hải quân từ tầm xa. Bên cạnh chiến tranh chống tàu nổi, công suất lớn của các máy bay ném bom có thể cho phép cô lập một cách hiệu quả các kho quân sự trên đảo của Trung Quốc bằng cách tân công trực tiếp từ xa, hoặc triển khai các khả năng ném bom trên không tầm xa chính xác, ví dụ như Quickstrike-ER và Quickstrike-P. Việc cô lập các căn cứ trên đảo bằng cách ngăn chặn tiếp tế có thể vô hiệu hóa chúng một cách hiệu quả – các căn cứ không quân để có hiệu quả đòi hỏi rất nhiều nhiên liệu, và các hàng rào phòng không cần điện, thứ cũng cần nhiều nhiên liệu. Các căn cứ trên đảo bị cô lập bởi việc ném bom từ xa các vùng biển gần đó không thể có khả năng tái triển khai trang bị quân sự hạng nặng, sau đó có thể bị tấn công dễ dàng.
Điều kiện nhỏ hẹp, chật chội trên các đảo bồi đắp hạn chế hiệu quả của việc phòng thủ chủ động, vốn không thể dựa vào học thuyết cơ động vì diện tích nhỏ và không thể dựa vào kiểm soát sóng radio chặt chẽ do thiếu cơ sở hạ tầng hỗ trợ, đặt trên mặt đất. Hơn nữa, các căn cứ được xây dựng trên đảo bồi đắp không thể được củng cố hiệu quả bằng các cơ sở dưới lòng đất – một điều kiện cũng làm điêu đứng các căn cứ trên đảo của Mỹ trong khu vực này. Bất kỳ cuộc tấn công có vũ khí nào vào một căn cứ đảo nhân tạo sẽ có thể có một tác động to lớn do sự tập trung lượng lớn phương tiện.
Kết luận
Các tuyên bố lãnh thổ ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông gây bất lợi cho Mỹ và các quốc gia đối tác. Cách tiếp cận dần dần của Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào những lợi thế về vị trí và hăm dọa sử dụng sức mạnh quân sự, điều thường được đe dọa nhưng hiếm khi được sử dụng. Trung Quốc có thể không bị trừng phạt với kiểu hành vi này vì các quốc gia cạnh tranh không có một dàn xếp phòng thủ khu vực và vì sự mất cân bằng lớn trong quy mô lực lượng và các khả năng. Tuy nhiên, Việt Nam, Malaysia và Philippines có những lợi thế địa lý đáng kể so với Trung Quốc ở chỗ từng nước trong số họ có một vị trí mang tính chế ngự trên nhiều phần của Biển Đông. Cùng với nhau ba nước, được Mỹ trang bị và hỗ trợ hợp lý, có thể chống lại một cách mạnh mẽ bất kỳ sự hiện diện quân sự biệt lập nào mà Quân giải phóng nhân dân có thể thiết lập bên ngoài EEZ của Trung Quốc.
Sự kết hợp của các mối quan hệ quốc phòng được cải thiện và những khả năng trên không cũng như trên biển do Mỹ xây dựng, được hỗ trợ bằng một khả năng tấn công tầm xa hiện đại hóa từ các máy bay ném bom thuộc Lực lượng không quân Mỹ, sẽ đòi hỏi phải đầu tư đáng kể thời gian và nguồn lực, nhưng không đặt gánh nặng đối trọng với các bước tiến của Trung Quốc lên một mình Mỹ. Trong bối cảnh tái cân bằng sang Thái Bình Dương, một chiến lược can dự mạnh mẽ là một thành phần cần thiết trong bất kỳ nỗ lực của Mỹ nào để kiềm chế Trung Quốc và làm yên lòng các đối tác và đồng minh châu Á rằng sự tái cân bằng không chỉ là những lời sáo rỗng. Sức mạnh không quân là một thành phần chính của chiến lược này và phù hợp với những thách thức trên biển đặt ra ở Biển Đông.
The Diplomat – 05/08/15
No comments:
Post a Comment