1. Báo Trung Quốc điên cuồng chống phá Singapore vì Biển Đông
Hồng Thủy
(GDVN) - Phán quyết Trọng tài sẽ không ngăn nổi Tập Cận Bình thực hiện cái gọi là "giấc mơ Trung Quốc", tăng vị thế thống trị Đông Nam Á và phạm vi rộng hơn.
Tờ Phụ nữ Đô thị xuất bản tại Tế Nam, Trung Quốc ngày 26/8 đăng bài: "Vạch mặt kẻ gây rối Biển Đông - Singapore", trong đó đổ tội cho cố Thủ tướng Lý Quang Diệu là nguồn gốc, nguyên nhân của bất ổn ở Biển Đông.
Bôi nhọ Singapore và cha con Lý Quang Diệu - Lý Hiển Long
Tờ báo này viết: "Cục diện Biển Đông trở nên căng thẳng là vì chính sách xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ, mà chính sách này lại đến từ kiến nghị của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu.
Trung Quốc lâu nay cứ nghĩ đến tình nghĩa đồng bào, nên đối với Singapore luôn luôn giữ lễ. Nhưng có lẽ chính vì sự khách sáo này đã làm hỏng người Singapore.
Đầu tháng 8 năm nay, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khi thăm Mỹ đã rêu rao, Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông đã đưa ra định nghĩa rất huyết phục cho các bên yêu sách.
Hàm ý của ông Long là muốn Mỹ tiếp tục gây áp lực với Trung Quốc, buộc Bắc Kinh chấp nhận phán quyết trọng tài.
Sau Mỹ, Nhật, Australia và EU, Singapore là nước tích cực hơn cả các đồng minh còn lại của Mỹ như Hàn Quốc, Anh trong vấn đề Biển Đông.
Từ lúc nào Singapore đã trở thành kẻ quấy rối Biển Đông? Có thể nói rằng cục diện Biển Đông ngày nay là do chiến lược xoay trục của Mỹ, mà chiến lược này lại do Lý Quang Diệu kiến nghị.
Sinh thời, Lý Quang Diệu lo lắng Trung Quốc trỗi dậy sẽ là mối uy hiếp tiềm tàng đối với Singapore, từng nhiều lần thăm Mỹ và khuyên Washington quay trở lại châu Á.
Năm 2009 Lý Quang Diệu nói tại Washington rằng, nếu Mỹ không tiếp tục can thiệp vào sự vụ châu Á và kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc thì có thể đánh mất vị thế lãnh đạo toàn cầu.
Quan điểm này đã kích thích người Mỹ. Năm 2011 Mỹ đưa ra chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương, từ đó Biển Đông trở thành điểm nóng.
Từ đó trở về sau, Singapore liên tục dương vây hò hét ở Biển Đông, trước sau thời điểm có Phán quyết Trọng tài từng mấy lần mượn sức Mỹ để gây áp lực với Trung Quốc.
Chiến lược quay trở lại châu Á không chỉ dừng lại ở Biển Đông. Trên lĩnh vực kinh tế Singapore cũng đề xuất hiệp định TPP để thách thức Trung Quốc.
Lý Hiển Long từng nhiều lần hối thúc Mỹ phê chuẩn TPP, thậm chí đe dọa: "Nếu TPP không được Quốc hội Mỹ phê chuẩn mà bị chết yểu, Mỹ sẽ bị gạt khỏi hệ thống thương mại ở châu Á do Trung Quốc lãnh đạo."
Ý của Lý Hiển Long là khuếch đại mối uy hiếp từ Trung Quốc, chọc phá quan hệ Trung - Mỹ.
Ở trong ASEAN thì Singapore đóng vai trò như thế nào? Lâu nay Singapore dựa vào ảnh hưởng kinh tế, thủ đoạn ngoại giao thuần thục của mình cùng uy tín, ảnh hưởng quốc tế nên được mệnh danh là "quân sư" của ASEAN.
Việc ASEAN ngày càng nhấn mạnh "lập trường thống nhất" trong vấn đề Biển Đông về cơ bản thể hiện ý kiến của Singapore."
Tờ báo dẫn lời 3 nhà nghiên cứu Trung Quốc để chỉ trích Singapore.
Hứa Lợi Bình từ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc nhận xét, Singapore chỉ có 5 triệu dân, lại nằm nơi yếu địa châu Á, nên phải cân bằng quan hệ với Mỹ, Trung Quốc, nghiêng bên nào cũng có thể rước họa vào thân.
Nguyễn Thứ Sơn - bình luận viên đài Phượng Hoàng thì nói, Trung Quốc quá khách sáo với Singapore nên làm hỏng quốc gia này. Singapore hưởng lợi từ Trung Quốc, Bắc Kinh đã không đòi báo đáp, nay lại còn đòi áp bức nước lớn.
Tiết Lực từ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc thì kiến nghị, từ nay về sau khi xử lý vấn đề an ninh, Biển Đông với ASEAN, Trung Quốc nên học Singapore, muốn làm gì thì làm, đừng để "nút thắt văn hóa" trói buộc.
Bắc Kinh kết thúc màn kịch "trỗi dậy hòa bình"
Đánh giá thái độ diều hâu và nhận thức lệch lạc của một bộ phận học giả, truyền thông nhà nước Trung Quốc như bài báo vừa nêu, có lẽ không gì khách quan và thuyết phục bằng bình luận của nhà báo Frank Ching trên South China Morning Post ngày 26/8. [2]
Frank Ching nhận xét, một thời gian dài Bắc Kinh đã cố gắng thuyết phục thế giới rằng, sự gia tăng sức mạnh của họ là hòa bình. 7 năm trước trong sự trỗi dậy của đại suy thoái, Trung Quốc nghĩ đã đến lúc họ quay trở lại vị trí làm bố thiên hạ.
Giống như tất cả các cường quốc trong lịch sử, sự trỗi dậy của Trung Quốc không chỉ đi kèm sự bành trướng quân sự, mà còn là sự khẳng định luật pháp riêng của nó.
Quốc gia này bắt đầu bằng việc xây dựng các căn cứ quân sự trên các rặng san hô, bãi đá (chiếm đóng bất hợp pháp) ở Biển Đông chỉ đơn giản bởi tuyên bố họ có chủ quyền từ thời cổ đại.
Để biện minh cho vị hế của mình về điều này cũng như trong các vấn đề khác, Bắc Kinh tạo ra một vũ trụ tưởng tượng. Nói như chuyên gia Biển Đông Bill Hayton, Trung Quốc luôn tự cho mình là đạo đức, là chính xác và bất kỳ ai không đồng ý với họ đều là sai lầm.
Những gì Bắc Kinh cho là đúng thì đó là luật pháp. Còn Phán quyết Trọng tài (do Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 mà Trung Quốc là thành viên xây dựng nên) thì là "trò hề". Đới Bỉnh Quốc thì gọi đó là "tờ giấy lộn".
Theo Frank Ching, Phán quyết Trọng tài sẽ không ngăn nổi Tập Cận Bình thực hiện cái gọi là "giấc mơ Trung Quốc", tăng vị thế thống trị Đông Nam Á và phạm vi rộng hơn.
Trong thế giới tưởng tượng của họ, "giấc mơ Trung Quốc" của Tập Cận Bình sẽ một lần nữa giúp họ trở thành trung tâm thiên hạ, sau một vài thế kỷ bị gián đoạn bởi chủ nghĩa đế quốc phương Tây.
Trong trí tưởng tượng của Trung Quốc, điều này không phải là nô dịch láng giềng, mà chỉ đơn giản là quay trở lại với khái niệm truyền thống thiên tử - chư hầu với các nước Trung Quốc vẫn coi là man, di, mọi rợ.
Mặc dù các nhà lãnh đạo rung Quốc không còn gọi các nước láng giềng như người man rợ, nhưng họ nhớ lại rằng văn hóa Nho giáo đã ảnh hưởng đến nhiều nước châu Á, hệ thống chữ Hán được nhiều nước vay mượn, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam.
Có lẽ đó là lý do tại sao Singapore, đảo quốc với dân số chủ yếu là người Hoa lại bị Bắc Kinh giận dữ coi họ là kẻ phản bội. Từ năm 2009 cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã nhìn thấy vấn đề cần Hoa Kỳ cân bằng với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Trung Quốc coi sự thống trị của họ là rất quan trọng vì nhu cầu phát triển của bản thân họ, Trung Quốc thèm muốn các nguồn lực từ biển và đáy biển. Họ sẽ tiếp tục chính sách cây gậy và củ cà rốt, sử dụng thương mại đầu tư làm vũ khí.
Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ đang trở thành đối tượng kiềm chế, tranh giành lợi ích của Trung Quốc. Còn Hoa Kỳ luôn là nhân vật phản diện lớn nhất trong tâm trí (một bộ phận lãnh đạo) Trung Quốc.
Cá nhân người viết cho rằng, đội ngũ nghiên cứu và truyền thông Trung Quốc đã bị chính trị hóa và sự dối trá, hợm hĩnh đang lên ngôi, bởi Bắc Kinh tập hợp hầu hết những kẻ xu thời, cơ hội chính trị và làm lấn át tiếng nói của lương tri và trí tuệ dân tộc Trung Hoa.
Bất luận nhà cầm quyền Trung Quốc có tìm cách nào đi nữa để chống lại Phán quyết Trọng tài, thì Tòa án Công luận của nhân loại cũng sẽ không bao giờ chấp nhận.
Cái thời thiên tử - chư hầu mông muội đã qua từ lâu, những kẻ càng cố chứng minh mình là văn minh, là tuân thủ luật pháp bằng cách chống lại luật pháp và dư luận, áp đặt và áp bức kẻ yếu sẽ không có chỗ đứng trong xã hội phát triển của loài người.
Tài liệu tham khảo:
Hồng Thủy
2. Biển Đông phủ bóng quan hệ Trung Quốc và Singapore
TT Obama và phu nhân tiếp đãi thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong dạ tiệc tại Tòa Bạch Ốc 02/08/2016.REUTERS/Mary F. Calvert
Quan hệ giữa Trung Quốc và Singapore đang trong tình trạng bất định, sau phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye về tranh chấp Biển Đông. Theo các nhà quan sát, cho dù Singapore không đòi hỏi chủ quyền vùng biển này, nhưng các động thái liên quan gần đây của Singapore, đã khiến Bắc Kinh lo ngại.
Theo South China Morning Post, Trung Quốc và Singapore có mối liên hệ chặt chẽ, đặc biệt là về kinh tế. Trong những thập kỷ qua Singapore đã trở thành nơi huấn luyện kỹ năng cho các quan chức Trung Quốc, và thường xuyên được các lãnh đạo Bắc Kinh nêu ra như tấm gương về quản lý đô thị.
Nhưng những phát biểu gần đây của thủ tướng Lý Hiển Long đã khiến Trung Quốc lo lắng về tương lai quan hệ hai nước.
Sau khi Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về Biển Đông, ông Lý Hiển Long tuyên bố phán quyết là « sự khẳng định mạnh mẽ » về luật pháp quốc tế trong tranh chấp chủ quyền trên biển. Bắc Kinh đáp trả bằng cách kêu gọi Singapore nên có « thái độ khách quan và công bằng », trong vai trò người điều phối quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN.
Bắc Kinh đã vô cùng tức tối khi Philippines, được Hoa Kỳ ủng hộ, đã nộp hồ sơ lên Tòa Trọng Tài năm 2013, tuyên bố sẽ làm ngơ trước mọi quyết định của tòa.
Ông Thẩm Thế Thuận (Shen Shishun), nhà nghiên cứu tại Trung tâm châu Á-Thái Bình Dương của Trung Quốc cho rằng nếu Singapore có quan điểm tương tự như Hoa Kỳ, thì Bắc Kinh sẽ coi đây là việc « đùa cợt với những vấn đề thuộc về nguyên tắc chủ đạo ». Ông nói : « Trung Quốc tin rằng Singapore có thể giữ được cân bằng với các cường quốc, nhưng những vấn đề này không phải trò đùa. Là một quốc gia châu Á, Singapore cần phải gần gũi với Trung Quốc hơn ».
Căng thẳng cũng đã khơi mào vào đầu tháng này, khi ông Lý Hiển Long nói với tổng thống Mỹ Barack Obama là ông hy vọng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hành động một cách tích cực ở Đông Nam Á. Ông Obama trả lời rằng Singapore và Mỹ là « các đối tác bền vững như bàn thạch ».
Tờ Global Times, ấn bản của Nhân dân Nhật báo nổi tiếng là hung hăng, trong một bài xã luận nói rằng chuyến đi Mỹ của ông Lý Hiển Long khiến Trung Quốc cảm thấy « rất khó chịu ». Đặc biệt là khi ông Obama ca ngợi Singapore là « một chiếc neo » cho sự hiện diện của Hoa Kỳ tại châu Á. « Hai chiếc neo » trước đây là Nhật Bản và Úc, hai đồng minh của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương.
Quan hệ với Trung Quốc không phải luôn căng thẳng như thế. Hồi năm 1978 lúc Đặng Tiểu Bình thăm Singapore, ông rất ấn tượng và xin thủ tướng Lý Quang Diệu một lời khuyên để Trung Quốc có thể trở nên thịnh vượng. Ông Lý nói cần phải mở cửa với thế giới tư bản, và ba thập kỷ sau, Trung Quốc đã được hưởng lợi từ cải cách kinh tế thị trường.
Mối dây liên hệ về kinh tế cũng rất chặt chẽ. Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Singapore, và đảo quốc sư tử là một nhân tố chủ chốt trong dự án Con đường tơ lụa trên biển của Bắc Kinh. Các dự án giữa hai chính phủ như khu công nghiệp Tô Châu (Suzhou) và thành phố sinh thái Thiên Tân (Tianjin) cũng là những điểm chính trong việc hợp tác.
Thêm vào đó, đảng Cộng Sản Trung Quốc thường xuyên gởi cán bộ sang Singapore học tập, nhiều người trong số đó nay đã là chủ tịch thành phố, thậm chí chủ tịch tỉnh tại Trung Quốc. Ngay cả phó thủ tướng Uông Dương (Wang Yang), vốn là bí thư tỉnh Quảng Đông, cũng đã dẫn nhiều phái đoàn đến Singapore nghiên cứu cung cách phát triển kinh tế xã hội.
Singapore cũng từng đón tiếp « Uông-Cô (Wang Koo) hội đàm » năm 1992, giữa ông Uông Đạo Hàm (Wang Daohan) chủ tịch Hiệp hội vì quan hệ hai bên eo biển Đài Loan của Trung Quốc và ông Cô Chấn Phủ (Koo Chenfu), người đứng đầu tổ chức tương tự của Đài Loan. Cuộc gặp lịch sử tháng 11/2015 giữa ông Tập Cận Bình và tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu (Ma Yingjeou), lần đầu tiên từ 70 năm qua, cũng diễn ra ở Singapore.
Oh Ei Sun, nhà nghiên cứu tại S Rajaratnam School of International Studies, Singapore nhận định, Singapore có cùng quan điểm về tranh chấp Biển Đông với các nước Đông Nam Á khác. Ông nói : « Hầu hết cho rằng trọng tài là giải pháp thông thường và hiệu quả để giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng pháp luật. Vì vậy chúng tôi không thấy có gì sai khi một lãnh đạo ASEAN bày tỏ cảm tưởng này ».
Còn Du Jifeng, chuyên gia về Đông Nam Á của Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh cần phải cảnh giác nhiều hơn về vai trò của Singapore trong sự hiện diện chiến lược của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương, nhưng quan hệ kinh tế Trung Quốc-Singapore vẫn mạnh mẽ. Ông nhận xét : « Singapore không phải là nước yêu sách chủ quyền Biển Đông. Những lời bình luận của ông Lý Hiển Long không làm ảnh hưởng đến phương hướng giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines ».
Thụy Mi RFI
Vũ Thất
No comments:
Post a Comment