Gia chánh

Saturday, April 2, 2016

Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường qua đời






  • BBC 24 tháng 3 2016
 
Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường, tác giả ‘Lịch sử nội chiến Việt Nam’ vừa qua đời tại TP. HCM sáng 24/3 là ‘người không chịu mệnh lệnh của ai ngoài con mắt nhìn sự thật’ như lời nhận xét của một giáo sư ở Hà Nội.
Ông Đại Trường, thọ 81 tuổi, là một nhà sử học và nghiên cứu văn hóa Việt Nam.
Tên ông được cho là ghép từ hai địa danh của tỉnh Khánh Hòa là Đại Lãnh và Trường Giang (sông Cái). Ông là con nhà Hán học Tạ Chương Phùng, nhà hoạt động phong trào độc lập dân tộc thập niên 1940 - 1950 cùng với ông Ngô Đình Diệm, sau làm Tỉnh trưởng tỉnh Bình Định và thành viên nhóm Caravelle.
Ông Đại Trường viết tác phẩm ‘Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ năm 1771 đến 1802” năm 1964, đặt lại vấn đề về vai trò của nhà Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam.
Sau năm 1975, cuốn sách này khiến tác giả gặp nhiều rắc rối. ‘Lịch sử nội chiến’ bị cho là "hạ thấp Quang Trung, đề cao Gia Long" và bị cấm lưu hành tại Việt Nam trong một thời gian dài và chỉ được in lại trong nước từ cuối thập niên 2000.
Sau năm 1975, ông bị đi cải tạo đến năm 1981.
Từ tháng 8/1994, ông định cư tại Hoa Kỳ.
Báo Người Việt hôm 23/3 viết: “Tại Mỹ ông bắt đầu cho in các tác phẩm chính của mình, như ‘Những bài dã sử Việt’ (1996), vốn là tập hợp các bài viết ở Việt Nam của ông giai đoạn 1984-1986; hay cuốn ‘Thần, Người và Đất Việt’ (1989, 2000)”.
"Kể từ cuối thập niên 2000, sách của Tạ Chí Đại Trường mới được chính thức in và phát hành tại Việt Nam. Năm 2014, Tạ Chí Đại Trường được Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh trao giải thưởng Văn Hóa Phan Chu Trinh về ngành nghiên cứu", báo này viết.
 
‘Người ngẩng cao đầu’
Tất cả tác phẩm của ông Đại Trường đều có giá trị cả vì ông ấy nói lên sự thật mà không bị ràng buộc bởi cái gọi là 'nhạy cảm chính trị'Giáo sư Nguyễn Huệ Chi
 
Hôm 24/3 trao đổi với BBC qua điện thoại từ Hà Nội, giáo sư Nguyễn Huệ Chi nói: “Tôi bàng hoàng khi hay tin ông Đại Trường qua đời. Với tôi, ông ấy là người luôn ngẩng cao đầu, không chịu nghe mệnh lệnh của ai ngoài trái tin và con mắt nhìn sự thật”.
Ông Đại Trường là nhà sử học có tầm vóc và có nhiều khám phá về phương diện lịch sử Việt Nam trong giai đoạn trung đại, cận đại và hiện đại”.
Tiếc là có một quá trình dài từ năm 1975, giới khoa học xã hội miền Bắc nắm giữ tư thế ‘bên thắng cuộc’ nên không trao đổi học thuật với một nhà sử học chân chính của miền Nam như ông Đại Trường”.
Theo tôi, đấy là một thiệt thòi cho giới khoa học miền Bắc. Lẽ ra, nếu tiếp cận ông sớm, người ta đã nhận ra phải nhận thức lịch sử cho đúng và những gì phải thay đổi trong cách viết sử lâu nay”, giáo sư nói thêm.
Ông Huệ Chi cũng cho hay: “Những người như ông Đại Trường cần phải được đặt ở vị thế xứng đáng để ông nghiên cứu và những phát hiện của ông được trân trọng. Nhưng có thể vì nhạy cảm chính trị mà người ta né tránh một tinh hoa của miền Nam như ông”.
 
*****
 LMCường:
Càng ngày người ta càng nhân chân ra sự thật. Đó là lãnh đạo CS bắt buộc quân cán chính miền Nam sau 75 phải được tảy não qua cái trò mang tên mỹ miều "học tập cải tạo tập trung"!
 
Trước hết đó là một trò nhảm nhí và đáng ghét hết chỗ nói, nếu không muốn bảo thẳng thật vô nhân đạo. Sự thật cho thấy nó chẳng cải tạo được ai hết, mà chỉ gây thêm thù hận. Phía thằng trận vẫn tìm cách hành hạ phe thua trận thật ti tiên, bẩn thỉu. Ngắn gọn, một sự hạ nhục tập thể có tổ chức, rất tinh vi và khoa học.
Đúng hơn đó là một sự lừa bịp bỉ ổi, mà lẽ ra cần phải thay thế bằng những động thái hòa giải hòa hợp thật sự. Bởi người cộng sản vẫn cao đạo bảo là chỉ là học tập cải tạo thành con người mới, tốt đẹp hơn trong môi trường mới, chứ không phải là tù tội bla bla bla ! Nhưng thực tế còn quá tù tội, bởi từ nay kẻ thắng trận buộc kẻ thua trận phải đội trêm đầu cái vòng kim cô mang tên là NGỤY (quân/ quyền)
 
Nó còn tạo cho người dân miền Bắc, những người ở phía thắng trận, cái ảo tưởng mặc cảm tự tôn vô lối khi đứng trước dân miền Nam, nhất là trong giới trí thức với nhau, nên càng đào sâu thêm ngăn cách và thù hận vốn sẵn có bấy lâu nay. CS đã thành công khi biến dân miền Bắc thành những kẻ cuồng tín, giáo điều, duy ý chí trong cái mớ bòng bong hỗn tạp học thuyết Mác-Lê tân thời trộn lẫn ít nhiều với quan niệm Khổng giáo lỗi thời ngày cũ. Đám trí thức và chuyên gia xã nghĩa lúc ấy chả khác gì một đám kiêu binh khi vào miền Nam tiếp quản vùng đất mới chiếm được
 
Hệ quả lòng người ly tán, nội bộ xáo xáo, không thống nhất về mặt chính trị đã đành, mà cả trong lãnh vực khảo cứu lich sử, khảo cổ ... Khi nhận diện ra sự thực thì đã quá muộn, nhiều cái thành nếp, khó mà một sớm một chiều tảy sạch cái vết cũ, chừa hẳn quán tính cũ

Sử gia Tạ Chí Đại Trường qua lời kể của đồng nghiệp
 
Kính Hòa, phóng viên RFA
2016-03-2
 
Ông Tạ Chí Đại Trường, là một nhà sử học với những giải thích về lịch sử không giống với sử sách chính thống của nhà nước Việt Nam hiện nay.
Ông Tạ Chí Đại Trường qua đời ở Sài gòn vào ngày 24 tháng Ba năm 2016, đúng hai năm sau khi ông nhận giải thưởng Phan Chu Trinh trong nước nhân ngày giỗ cụ Phan vào ngày 24 tháng Ba năm 2014. Ông học sử và nghiên cứu lịch sử tại Sài gòn trước năm 1975, và có một thời gian tham gia quân đội Việt nam cộng hòa. Sau năm 1975 ông bị tù cải tạo cho đến năm 1981, sau đó ông sang Hoa Kỳ sinh sống và tiếp tục nghiên cứu lịch sử Việt nam.
Sau đây là một số nhận xét của các đồng nghiệp về con người và sự nghiệp của Tạ Chí Đại Trường sau khi ông qua đời.
Một nhà sử học khác (LMC: Nguyễn Gia Kiểng không phải là sử gia !)
Nhận định về nhà sử học Tạ Chí Đại Trường, ông Nguyễn Gia Kiểng, người có những tác phẩm liên quan đến lịch sử Việt nam, hiện sống ở Pháp, nói với chúng tôi:
Tạ Chí Đại Trường là nhà sử học đầu tiên viết lịch sử một cách bài bản và chuyên nghiệp, và rất lương thiện. Vì khi chúng ta đọc các tác phẩm của Tạ Chí Đại Trường, chúng ta thấy có một sự tìm kiếm sự thật rất là công phu, có sự nhận định và lý luận rất thẳng thắn. Nó khác với các quan điểm của các sử quan ngày trước, và đến mãi sau này nữa, là dùng lịch sử như là một dụng cụ để củng cố chế độ đương quyền. Coi lịch sử đương nhiên là do kẻ chiến thắng viết ra. Tạ Chí Đại Trường không phải là người như vậy, không coi lịch sử như là một phương tiện để bày tỏ lập trường của mình, mà trái lại sử gia phải phản ánh đúng sự thực, là người có bổn phận mô tả xã hội, cái sự biến chuyển của xã hội trong dòng thời gian.
Nếu có cái gì đó ước mong, nghĩ về công lao của bác Trường thì tôi mong là những công trình của bác đã xuất bản ở nước ngoài được nhanh chóng xuất bản trong nước.   - Bà Nguyễn Thị Hậu
Ông Nguyễn Gia Kiểng có viết một quyển sách tên là Tổ quốc Ăn năn trong đó không xem triều đại Tây Sơn ở thế kỷ 18 là một triều đại vinh quang. Điều này làm nhiều người Việt Nam có định kiến về công lao to lớn của triều Tây Sơn không hài lòng. Ông Tạ Chí Đại Trường, một người Bình Định đã lên tiếng bênh vực cho quan điểm của ông Kiểng.
Một đồng nghiệp của ông Tạ Chí Đại Trường trong ngành sử học, rất quan tâm đến các tác phẩm của ông, không muốn nêu danh tánh, nói với chúng tôi rằng:
“Anh Tạ Chí Đại Trường là một người có cái nhìn rất riêng với lịch sử Việt Nam.Rất đặc biệt, rất riêng. Trong những kiến giải của anh về lịch sử thì rất độc đáo, có thể là người khác không đồng ý. Nhưng đó là những kiến giải hấp dẫn, bởi vì viết lịch sử như anh, anh đã đi ra ngoài cái trường qui định viết sử bình thường. Viết và tạo được sự hấp dẫn, nói như Nguyễn Mạnh Côn là đem tâm tình viết lịch sử. Có nhiều chỗ anh cũng hơi cực đoan một chút, ví dụ như khi phê phán Nguyễn Phương trong Việt Nam thời khai sinh chẳng hạn, anh có hơi cực đoan một chút.”
Tiến sĩ Bùi Trân Phượng, tốt nghiệp ngành sử học tại Đại học Sorbone, Pháp có cái nhìn hơi khác về các công trình của ông Tạ Chí Đại Trường:
“Theo tôi thì anh ấy đã được đào tạo như thế nào, đã làm nghề sử như thế nào, trước năm 1975, thì sau năm 1975 anh ấy cũng làm nghề sử như thế. Cho nên tôi không gọi cái đó là đặc biệt. Nếu có gì đặc biệt ở anh Tạ Chí Đại Trường thì đó là tài năng. Tức là không phải ai được đào tạo như thế, hành nghề như thế, thì cũng có những phát hiện sắc sảo như là phát hiện của anh ấy, gặp thời hơn thì tôi nghĩ sức sáng tạo của ảnh còn nhiều hơn thế. Trong điều kiện mà anh ấy không có dưới cả hai chế độ, những điều anh ấy làm được là những đóng góp lớn.”
Các tác phẩm của ông Tạ Chí Đại Trường rất đa dạng, ngoài các công trình lớn như Lịch sử nội chiến, Thần người đất Việt, ông còn có cả những bài viết về văn hóa, khảo cổ.
Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, hiện sống ở Sài gòn cho biết là bà rất tâm đắc với những bài viết về khảo cổ, và văn hóa của ông tạ Chí Đại Trường:
Bác làm cho các nghiên cứu khảo cổ gần với đời sống con người hơn. Các kiến thức khảo cổ trở nên gần gũi với người đọc bình thường, mang những kiến thức về văn hóa, khảo cổ, lịch sử đến với cộng đồng, với công chúng, nhưng không làm cho các kiến thức ấy bị sai lạc, mà vẫn phân tích khoa học, rất đúng. Người ta cảm thấy rằng các sự kiện, những câu chuyện lịch sử ấy gần gũi với con người chứ lịch sử không khô cứng, không phải chỉ là những sự kiện.”
Xuất bản và nhìn nhận ở Việt nam
Theo ông Nguyễn Gia Kiểng thì ông Tạ Chí Đại Trường là một sử gia hiếm hoi được cả hai giải thưởng về văn hóa lịch sử trước và sau năm 1975, đó là giải thưởng của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa trước năm 1975, và giải Văn hóa Phan Chu Trinh năm 2014. Theo ông Kiểng thì sự việc giải Phan Chu Trinh trao cho ông Trường là một điều nhân nhượng rất lớn từ phía chính quyền Việt Nam hiện tại. Nhất là quan điểm của chính quyền này luôn coi triều đại Tây sơn là vinh quang không giống như những chứng minh ngược lại của ông Tạ Chí Đại Trường.
Tuy nhiên việc xuất bản sách của Tạ Chí Đại Trường tại Việt Nam không đơn giản.
Nếu có gì đặc biệt ở anh Tạ Chí Đại Trường thì đó là tài năng. Tức là không phải ai được đào tạo như thế, hành nghề như thế, thì cũng có những phát hiện sắc sảo như là phát hiện của anh ấy, gặp thời hơn thì tôi nghĩ sức sáng tạo của ảnh còn nhiều hơn thế.   - Tiến sĩ Bùi Trân Phượng

Năm 2007, quyển Lịch sử nội chiến Việt Nam được in tại Việt Nam, nhưng đổi tên thành Nước Việt Nam thời Tây Sơn. Lúc sinh thời ông Tạ Chí Đại Trường nói với chúng tôi rằng người ta e ngại cái từ nội chiến.
Trong bản tin về cái chết của ông Tạ Chí Đại Trường ngày 24 tháng Ba, tên của quyển sách được gọi là Lịch sử nội chiến Việt Nam.
Trả lời câu hỏi rằng liệu đó có phải là một điều thay đổi, bà Bùi Trân Phượng nói:
“Người mà xuất bản thì muốn xuất bản với cái nội dung. Cho nên sự đổi tên là một sự nhượng bộ để có thể xuất bản được. Khi mà có thể thay đổi thì người ta nói lại cho đúng thôi. Sẽ có sự thay đổi nếu nó đến từ những người trước đây không đồng ý, tôi không nghĩ rằng những người đó đã thay đổi.”
Người đồng nghiệp giấu tên của ông Tạ Chí Đại Trường cũng nói với chúng tôi rằng:
“Đa phần những người viết sử Việt Nam, cho dù thế nào đi nữa, vẫn qua cái lăng kính của Marxism, và qua cái lăng kính đó thì khó mà chấp nhận Tạ Chí Đại Trường. Giới nghiên cứu lịch sử Việt nam bị điều kiện hóa trong cách nhìn lịch sử của mình. Người nào mà chấp nhận nhãn quan và ý tưởng của Tạ Chí Đại Trường thì mình cho là rất tiến bộ. Mà theo mình thấy thì (nghiên cứu) lịch sử Việt Nam không tiến theo kịp trào lưu đổi mới của xã hội.”
Lăng kính Marxism mà ông nói tới chính là những chủ trương về giai cấp của học thuyết cộng sản, những diễn biến của lịch sử được học thuyết này xem là qui luật, là bất biến. Trong khi đó thì nhà sử học Tạ Chí Đại Trường chỉ cố công, tận tụy tìm hiểu thực sự điều gì đã xảy ra trong quá khứ.
Ông nói tiếp về công lao của Tạ Chí Đại Trường,
“Đóng góp của anh Tạ Chí Đại Trường rất lớn cho lịch sử Việt nam, mà điều đáng buồn là ít người biết về Tạ Chí Đại Trường, ngay cả trong giới học thuật. Ví dụ như mình mới đọc bài của Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu chẳng hạn, thì chị biết Tạ Chí Đại Trường từ năm 1974, trong khi Tạ Chí Đại Trường viết tác phẩm đầu tiên, nếu mình nhớ không lầm là năm 1973.”
Bà Nguyễn Thị Hậu, người nhận mình là bạn vong niên với nhà sử học Tạ Chí Đại Trường mong rằng:
Nếu có cái gì đó ước mong, nghĩ về công lao của bác Trường thì tôi mong là những công trình của bác đã xuất bản ở nước ngoài được nhanh chóng xuất bản trong nước. Tôi nghĩ rằng sự cởi mở về một nhà sử học, làm việc hết sức nghiêm túc và tận tụy cho ngành sử học, cho những bộ sử của đất nước như vậy rất là đáng trân trọng. Mà nếu như những công trình này mà công chúng trong nước, kể cả những nhà nghiên cứu không được tiếp cận, một cách chính thức qua sự xuất bản của nhà nước thì tôi cho rằng đó là một thiệt thòi rất lớn.”
Đó hẳn cũng là mong ước của nhà sử học, mà trang Bauxite Việt nam mô tả là một nhà sử học không biết cúi đầu.
 
 ======

Tạ Chí Đại Trường

 Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
 
Tạ Chí Đại Trường (21 tháng 6 năm 1938 tại Nha Trang – 24 tháng 3 năm 2016 tại Thành phố Hồ Chí Minh), là một nhà sử học và là nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, ông là người Mỹ gốc Việt. Bắt đầu nghiên cứu sử học, văn hóa từ đầu thập niên 1960 tại Việt Nam, Tạ Chí Đại Trường cho ra đời tác phẩm đáng chú ý của ông, Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ năm 1771 đến 1802, vào năm 1964. Tác phẩm này đã đặt lại vấn đề về vai trò của nhà Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam, nhiều tác phẩm sau này của Tạ Chí Đại Trường cũng có được cách lập luận và quan điểm độc đáo như vậy. Sau khi định cư tại Hoa Kỳ năm 1994, Tạ Chí Đại Trường bắt đầu cho in nhiều tác phẩm nghiên cứu lịch sử, văn hóa có giá trị, cho tới thập niên 2000 thì các tác phẩm này mới dần được in và phát hành tại Việt Nam như Thần, Người và Đất Việt, Những bài dã sử Việt.
 
Tiểu sử
 
Tạ Chí Đại Trường sinh ngày 21 tháng 6 năm 1938 tại Nha Trang, nhưng quê gốc ở Bình Định.[1] Tên của ông, Đại Trường, được ghép từ hai địa danh của tỉnh Khánh Hòa là Đại Lãnh và Trường Giang (sông Cái).[2] Ông là con trai Cử nhân Hán học Tạ Chương Phùng, nhà hoạt động phong trào độc lập dân tộc thập niên 1940 - 1950 cùng với ông Ngô Đình Diệm, sau làm Tỉnh trưởng tỉnh Bình Định và thành viên nhóm Caravelle.
 
Năm 1964 Tạ Chí Đại Trường tốt nghiệp bằng Thạc sĩ chuyên ngành Lịch sử tại Viện Đại học Sài Gòn rồi nhập ngũ. Ông phục vụ trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa từ năm 1964 cho tới năm 1974 với quân hàm đại úy.[3] Trong thời gian chiến tranh, Tạ Chí Đại Trường bắt đầu sưu tập tiền cổ và tập trung nghiên cứu về đề tài này. Những bài viết của ông về tiền cổ trong thời gian này sau đó đã được giới nghiên cứu sử học quốc tế đánh giá cao.[4]
 
Năm 1964 trong thời gian học cao học, Tạ Chí Đại Trường cho ra đời một cuốn tiểu luận về lịch sử Việt Nam giai đoạn 1771 đến 1802 trong đó ghi lại những sự kiện xoay quanh cuộc nội chiến giữa nhà Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Tác phẩm này đã đoạt Giải thưởng văn chương toàn quốc, bộ môn Sử năm 1970 và được nhà xuất bản Văn Sử Địa in thành sách năm 1973 với tựa đềLịch sử nội chiến ở Việt Nam từ năm 1771 đến 1802. Sau khi Việt Nam thống nhất năm 1975, cuốn sách với nội dung đặt lại vấn đề về nhà Tây Sơn đã khiến Tạ Chí Đại Trường gặp nhiều rắc rối. Lịch sử nội chiến bị cho là "hạ thấp Quang Trung, đề cao Gia Long" và bị cấm lưu hành tại Việt Nam trong một thời gian dài và chỉ được in lại trong nước từ cuối thập niên 2000.[5]
Sau năm 1975 ông trải qua giai đoạn cải tạo đến năm 1981.
 
Từ tháng 8 năm 1994, Tạ Chí Đại Trường bắt đầu định cư tại Hoa Kỳ. Do điều kiện cuộc sống, phải tới mười năm sau ông mới quay trở lại Việt Nam và khó có cơ hội tiếp xúc với tài liệu sử học trong nước, vì vậy Tạ Chí Đại Trường phải từ bỏ những đề tài chuyên biệt để tập trung nghiên cứu lịch sử Việt Nam nói chung thông qua các tư liệu ông thu thập được qua nhiều nguồn ở Mỹ, kể cả từ các chợ sách ngoài trời.[4] Tại Mỹ ông bắt đầu cho in các tác phẩm chính của mình như Những bài dã sử Việt (1996) vốn là tập hợp các bài viết ở Việt Nam của ông giai đoạn 1984-1986[2] hay cuốn Thần, Người và Đất Việt (1989, 2000). Cuốn Thần, Người và Đất Việt khi xuất hiện không chính thức ở Việt Nam đã được đánh giá cao, nhiều nhà sử học Việt Nam đã nhận xét rằng Tạ Chí Đại Trường là một chuyên gia sử học, dân tộc học đáng tin cậy.[6] Kể từ cuối thập niên 2000, sách của Tạ Chí Đại Trường mới được chính thức in và phát hành tại Việt Nam. Năm 2014, Tạ Chí Đại Trường đã được Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh hạng mục Giải Nghiên cứu.[7]
Ngày 24 tháng 3 năm 2016, ông qua đời tại nhà riêng ở TP. Hồ Chí Minh.[8] Trước đó, sau khi nhắm không qua khỏi căn bệnh nan y, ông đã từ Mỹ về lại Việt Nam vào ngày 4 tháng 10 năm 2015 với ý nguyện sẽ “gửi nắm thân tàn” lại nơi quê hương.[1]

Phong cách nghiên cứu
 
Đáp lại ý kiến nói Tạ Chí Đại Trường không chú trọng việc đi điền dã, khảo sát thực địa, ông cho rằng công việc nghiên cứu sử học không phải lúc nào cũng cần tới việc đi điền dã trực tiếp vì nhà sử học hoàn toàn có thể sử dụng các tài liệu ghi chép của người đi điền dã.[2][4] Theo Tạ Chí Đại Trường, sở dĩ tác phẩm của ông được đánh giá là có giọng điệu riêng và cách lập luận độc đáo vì ông chưa từng tham gia chính thức một cơ quan nghiên cứu lịch sử nào vì vậy đã thoát ra được khỏi hệ thống quan điểm truyền thống về lịch sử Việt Nam, hơn nữa tuy rất nghiêm túc trong công việc nghiên cứu nhưng ông không đặt nặng việc tác phẩm của mình viết ra phải có độc giả.[4]

Tác phẩm
 
Dưới đây là danh sách các tác phẩm của Tạ Chí Đại Trường đã được xuất bản tại Hoa Kỳ:[3]
    Thần, Người và Đất Việt (1989, 2000)
    Những bài văn sử (1999)
    Những bài dã sử Việt (1996)
    Việt Nam nhìn từ bên trong (cùng Nguyễn Xuân Nghĩa, 1994)
    Một khoảng Việt Nam Cộng hòa nối dài (1993)
    Lịch sử nội chiến Việt Nam (1771-1802) (1991, in lại từ bản gốc năm 1973)
 
Từ cuối thập niên 2000, một số tác phẩm của Tạ Chí Đại Trường bắt đầu được in và phát hành tại Việt Nam như Thần, Người và Đất Việt, Những bài dã sử Việt và Lịch sử nội chiến Việt Nam (1771-1802).[2][4][6]
 
=====
 
 
Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường qua đời
 
24/03/2016  11:18 GMT+7
- Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường, tác giả nhiều công trình nghiên cứu lịch sử có giá trị, vừa qua đời tại nhà riêng ở TPHCM sáng nay 24/3 sau một thời gian dài lâm bệnh nặng. 
Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường quê ở Bình Định nhưng được sinh ra tại Nha Trang, đi học tại Bình Định, Nha Trang và học Đại học ở Sài Gòn. Ông tốt nghiệp cao học sử Đại học Văn khoa Sài Gòn năm 1964; Tham gia nhập ngũ 1964 - 1974.
Năm 1974, ông giải ngũ trở về đăng kí học tiến sĩ chuyên khoa Sử tại ĐH Văn khoa Sài Gòn. Năm 1970, ông nhận được giải thưởng Văn chương toàn quốc, Bộ môn Sử.
Từ tháng 8/1994, ông chuyển qua Mỹ sống tại Oklahoma City. Đến năm 2002, ông nghỉ hưu và sống ở Garden Grove City, Califonia, Mỹ. 
Nhà sử học, Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường, qua đời
Cuối năm 2015, ông Tạ Chí Đại Trường từ Mỹ về lại Việt Nam với ý nguyện sẽ “gửi nắm thân tàn” lại nơi quê hương sau khi biết mình không qua khỏi căn bệnh nan y.
Nhà nghiên cứu sử học Tạ Chí Đại Trường được xem là một trong những nhà sử học xuất sắc, có những đóng góp quan trọng, độc đáo và mới mẻ, đặt ra nhiều vấn đề không chỉ về các sự kiện, các nhân vật, các giai đoạn lịch sử riêng rẽ. Ông còn được nhận định là người có những vấn đề về cách nhìn và suy nghĩ lịch sử một cách thực sự khoa học, khách quan, chân thật.
Tên ông gắn với nhiều tác phẩm khẳng định giá trị cả trong và ngoài nước. Trong đó phải kể đến tác phẩm đầu tiên "Lịch sử Nội chiến Việt Nam từ năm 1771 đến 1802" ra mắt 1960 gây tranh luận, được tái bản nhiều lần. Tác phẩm mở ra một cách viết Sử mới, trung thực, đặc biệt sinh động tạo ra những suy ngẫm sâu xa về Lịch sử Việt Nam nói chung, về dân tộc và đất nước.
Ở một tác phẩm khác của Tạ Chí Đại Trường cũng được tái bản nhiều lần nhưThần, Người, và Đất Việt với cách viết mang đến cho công chúng cách nhìn lịch sử sâu sắc khoa học và độc đáo: Lịch sử quan các thần tích.
Ngoài ra, với các tác phẩm như Những bài văn Sử, Những bài dã Sử Việt, Việt Nam nhìn từ bên trong, Sử Việt đọc vài quyển, Bài sử khác cho Việt Nam, Người lính thuộc địa Nam Kì (1861-1945) …thể hiện cách phát hiện, cách nhìn, góc nhìn cùng những đóng góp độc đáo, đặc sắc không chỉ cho việc tìm hiểu lịch sử nước nhà mà còn cho cả khoa học lịch sử….
Theo Tạ Chí Đại Trường, sở dĩ tác phẩm của ông được đánh giá là có giọng điệu riêng và cách lập luận độc đáo vì ông chưa từng tham gia chính thức một cơ quan nghiên cứu lịch sử nào vì vậy đã thoát ra được khỏi hệ thống quan điểm truyền thống về lịch sử Việt Nam, hơn nữa tuy rất nghiêm túc trong công việc nghiên cứu nhưng ông không đặt nặng việc tác phẩm của mình viết ra phải có độc giả.
Với những đóng góp độc đáo trong nghiên cứu sử học, nhà Sử học Tạ Chí Đại Trường đã được giải Văn hóa Phan Châu trình lần thứ 7 trao giải Nghiên cứu vào năm 2014 vì những đóng góp độc đáo và mới mẻ của ông trong nghiên cứu Sử học.
N.A
 

No comments:

Post a Comment