Gia chánh

Wednesday, July 15, 2015

MỸ KHÔNG THẬT TÂM MUỐN THẮNG TRONG CUỘC CHIẾN TRANH VIỆT NAM

(Nhân ngày 8 tháng 11 năm 2015 là ngày họp mặt 25 năm H.O., tổ chức tại Westminster, Nam California, chợt nhớ lại cuộc chiến 4 thập niên trước.)
Trong một trận chiến một mất một còn giữa A và B, nếu bên A được yểm trợ tối đa về quân cụ, vũ khí, thì phần thắng đã nắm chắc trong tay, còn bên B, cho dù tinh thần chiến đấu cao, lòng dũng cảm gấp bội bên A, và kinh nghiệm chiến đấu dồi dào hơn A trăm lần, cũng đành phải buông súng đầu hàng. Đó là diễn tiến của cuộc chiến Việt Nam, giữa bên A là Bắc Việt dưới sự yểm trợ dồi dào của cả Khối Cộng Sản, đặc biệt là của Liên Xô và Trung Cộng, trong khi đó, bên B là Việt Nam Cộng Hòa bị đồng minh phản bội, bỏ rơi sau khi “thay ngựa giữa dòng”, giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm và thay thế bằng một nhóm lãnh đạo bất tài, vô dụng, chỉ biết tranh đoạt quyền lợi cá nhân. Nhóm sĩ quan phản bội này sau khi đảo chánh, giết Chủ Tướng, làm náo loạn quốc gia, còn phá tan quốc sách Ấp Chiến Lược, mở cửa cho du kích và bộ đội tràn vào làng xã, thực hiện chiến lược của Mao Trạch Đông: “lấy nông thôn bao vây thành thị”, từ đó mà từng bước chiếm đoạt miền Nam.
Rất nhiều sách, báo được viết bởi nhiều sử gia Mỹ hay những người từng can dự vào cuộc chiến, trong đó, hầu hết đều nêu lên những nguyên nhân làm cho miền Nam thất thủ đã phát xuất từ Nhà Trắng, hay Ngũ Giác Đài, nhưng có một yếu tố mà ít người nhắc đến: người Mỹ thiếu Chiến Tranh Tâm Lý hoặc không thèm để ý đến yếu tố quan trọng này. Khi được đổ bộ vào miền Nam, tất cả các binh lính, sĩ quan Mỹ đều chỉ biết đến một câu châm ngôn: “Shoot to Kill” (Bắn để giết), mà không hề lưu tâm đến vấn đề va đụng giữa hai nền văn hóa, cho nên đã xẩy ra hàng ngàn chuyện thương tâm gây nên chết chóc vô lý cho dân chúng Việt Nam. Yếu tố “quên sót” này cũng có thể là điều mà Nhà Trắng cố tình thực hiện để cho cuộc chiến Việt Nam chóng tàn trong sự mong đợi của người Mỹ là rút quân trong danh dự, đổ thừa cho quân đội miền Nam thiếu dũng khí.
Năm 1967-1968, tôi đang theo học lớp Sĩ Quan Bộ Binh Hoa Kỳ tại Trường Sinh Viên Sĩ Quan Lục Quân Hoa Kỳ, (Infantry Officer Candidate School) tại Fort Benning, Georgia. Sau khi vụ  Mỹ Lai xẩy ra, bộ chỉ huy Trường cho tổ chức một buổi nói chuyện về chiến tranh du kích và những điều kinh dị của cuộc chiến này do Cộng Sản chủ trương, nhằm xoa dịu tinh thần sinh viên đang lo lắng về sự kiện Mỹ Lai cũng như để bảo vệ cho tên Trung úy William Calley đã giết hơn 500 thường dân vô tội. Tôi ngồi nghe mà lòng phẫn nộ bừng bừng, vì hình ảnh được các phóng viên báo Times, Life hay các tuần báo khác chụp còn tràn đầy trong óc tôi, với những thân xác nằm ngổn ngang, máu chẩy đầy hầm, hào, các tấm hình trẻ em đang chạy bỗng nằm vật ra bên đường và cảnh một tên lính Mỹ cầm cái xàng bằng tre đang cháy dở ném lên nóc nhà tranh…Vậy mà mấy ông Tướng này còn lảm nhảm bênh che! Đợi cho ông Tướng cuối cùng phát biểu xong, tôi đứng bật dậy, nói lớn theo đúng kỷ luật quân trường: “Sir, Candidate Tien requests permission to speak!” (Thưa Ngài, sinh viên Tiến xin phép được nói!). Ông Tướng hất hàm: “Speak!” (Nói đi!).
Tôi đặt câu hỏi: “Thưa Trung Tướng, ngài đeo đầy ngực huy chương Việt Nam, chứng tỏ Ngài có nhiều kinh nghiệm chiến đấu ở Việt Nam. Vậy tôi xin hỏi: Khi ông Tướng dẫn quân vào một làng lạ, làm cách nào để biết ai là dân thường, ai là Việt Cộng?’
Ông Tướng trả lời: “Theo tôi, thì tôi cho người kiểm tra thẻ căn cước (ID), ai không có căn cước, người đó là Việt Cộng!”
Tôi đốp liền: “Thưa Ngài, sai! Có rất nhiều dân làng không có nhu cầu đi lại, nên không bao giờ làm căn cước cả! Trong khi đó, nếu là Việt Cộng, chúng có thể mua một cái căn cước giả rất dễ dàng! Nếu ngài lôi mấy người không có căn cước ra mà bắn, thì Ngài đã phạm một đại tội là giết người vô tội.”
Thấy tôi nói hung quá, một ông Tướng ngồi bên cạnh giơ tay:
“Theo tôi, thì tôi cho nổi trống làng lên, triệu tập mọi người trong làng lại, ai không ra, thì là Việt cộng!”
Tôi phẫn nộ: “Thưa Ngài, cũng sai! Theo phong tuc Việt Nam, các già làng được tôn trọng và có giá trị cao. Họ không thích bị điệu ra trình diện người ngoại quốc! Nhiều thiếu nữ, phụ nữ cũng thế, họ rất ngại phải ra gặp mấy ông râu ria xồm xoàm..Như vậy, nếu Ngài buộc họ là Việt Cộng thì ngài sai lầm vô cùng!”
Ông Tướng thứ ba ú ớ: “Ờ! ờ…tôi cho gọi vài đứa trẻ hay thiếu niên nào trong làng có vẻ thân thiện, làm quen với chúng, cho chúng tiền và quà để hỏi chỗ Việt Cộng núp!”
Cơn giận của tôi càng tăng lên: “Thưa Ngài, sai quá là sai! Mấy đứa con nít cũng có tính xấu, nếu nó ghét sẵn ai, thì chỉ cho người đó là Việt Cộng! Còn việc núp dưới hầm thì cả Việt Cộng lẫn dân thường đều làm hầm núp đạn. Thế là các ngài đã bắt hoặc bắn lầm người rồi! Tôi xin nói một lời cuối cùng: với tinh thần như thế, thì trước khi các ngài đến một làng nào đó, chỉ có khoảng 50% là Việt Cộng, nhưng sau khi các ngài rời nơi đó mà đi, thì cả làng trở thành Việt Cộng vì họ thù ghét các ngài!”
Nói xong, tôi ngồi xuống, mặt còn đỏ bừng và run rẩy. Máu người Việt Nam mình bị đổ ra oan uổng quá chỉ vì người Mỹ không chịu học hay áp dụng Chiến Tranh Tâm Lý, không thèm để ý đến phong tục và tập quán của người Việt! Xe cam nhông của lính Mỹ cán chết người hoài. Lính Mỹ ôm ấp gái điếm làm trò bỉ ổi giữa chốn công cộng…Những điều đó làm cho Việt Cộng dễ dụ dỗ dân lành theo chúng…
Năm 1990, tôi sang Mỹ theo diện H.O. và ghi tên đi học tại Golden West College. Năm 1993, tôi chuyển lên Cal State University Fullerton. Trong giờ sử Việt Nam, dự định là 2 tiếng đồng hồ, một ông giáo sư Tiến Sĩ, có vẻ gốc người Nga, vì có tên là Vladimir… đầu trọc lóc, lấy sách sử ra đọc vanh vách: “Người Mỹ thua ở cuộc chiến Việt Nam chỉ vì người Việt không thích tự bảo vệ mình. Các tướng lãnh thì tham nhũng, vợ nọ con kia, lính tráng thì chỉ chờ bỏ chạy, nếu không có viện trợ Mỹ hoặc không có lính Mỹ đi cùng…”
Nghe đến đây, tôi lại muốn nổi sùng! Tôi giơ tay, ngắt lời ông ta:
“Thưa thầy, ông có biết tôi là ai không?
Ông ta ngơ ngác, nhìn tôi như một quái vật. Thằng này là ai vậy?
“Anh là ai?”
Tôi trả lời: “Tôi là một sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa, nhưng tốt nghiệp ở trường Sĩ quan Lục quân Hoa kỳ với cấp bậc Thiếu úy năm 1968. Trong chiến tranh Việt Nam, người Mỹ đã không muốn thắng ở Việt Nam, cho nên mới tìm mọi cách để lăng mạ quân đội chúng tôi như ông vừa nói. Người Mỹ không muốn cung cấp vũ khí cho miền Nam để thắng trận mà chỉ để cầm chừng cho các ông đàm phán và rút lui mà thôi. Tôi cho ông một thí dụ:
Khi tôi bắt đầu học ở Fort Benning năm 1967, tôi đã bắn rát cả tay cây súng tự động M.16, thế mà trong trận Mậu Thân, khi quân Bắc việt đã có AK47 bắn liên thanh, bộ binh miền Nam vẫn chỉ có súng M1, có 8 viên, bắn từng viên một. Sau khi mấy tỉnh thành lọt vào tay Cộng Sản, các ông mới chở sang AR 15 rồi sau đó mới có M16! Sau khi Cộng quân dùng B40, B41 làm tung các đồn của chúng tôi, thì lính miền Nam vẫn xài Bazoka từ thế chiến thứ 2! Trong khi đó, ở quân trường Mỹ, chúng tôi bắn M72 tưng bừng, rồi mãi sau, khi nhiều đồn bót của chúng tôi bị sụp, các ông mới chở M72 sang! Lúc đầu thì M72 có thể chọi lại với xe tăng T48 của Trung Cộng, nhưng trong trận mùa hè 1972, khi T54 tràn qua, thì M72 không còn có thể bắn cháy loại thép dầy này, và chúng tôi bó tay, nếu không có những chiến sĩ can đảm bò gần T54, hoặc bắn vào dây xích chúng, thì T54 mới chịu ngừng. Trong khi trước đó, năm 1968, tôi đã học bắn XM202 là hỏa tiễn 4 nòng, có thể tiêu diệt T54 trong chớp mắt! Mãi đến năm 1972, các ông mới cho viện trợ XM202 ! Nghĩa là các ông muốn dùng sinh mạng chúng tôi làm thí nghiệm, khi nào thấy sắp chết rồi, mới bơm thêm vũ khí mới! Ngoài ra, tôi còn thấy có nhiều loại vũ khí mà nếu viện trợ đầy đủ cho miền Nam, thì miền Bắc đầu hàng từ khuya! Chẳng hạn như xe tăng bắn 400 quả lựu đạn M79 trong một phút có thấy trong quân đội miền Nam đâu? Chỉ cần một cái xe tăng này, thì nguyên một Tiểu Đoàn Việt Cộng núp trong rừng cao sư đi đong. Chỉ cần mỗi Trung đoàn Việt Nam có 1 chiếc xe tăng này, thì Việt Cộng đầu hàng từ khuya. Còn súng cối 4.2 mà sinh viên sĩ quan chúng tôi mỗi thằng phải bắn chơi 10 quả, cũng chả thấy ở đơn vị quân đội miền Nam nào! Súng cối 90 ly đối với Mỹ là cổ điển rồi, còn súng cối 81, chúng tôi được bắn dỡn chơi, đặt càng vào đùi, tay trái cầm nòng súng, tay phải thả quả đạn vào bắn như cao bồi chơi.
Còn loại súng 105 ly di động, được gắn trên xe díp có thể đi băng băng trong rừng rất nhanh, có ai thấy nhiều ở miền Nam không?
Trên hết là tầm xa của súng đại bác. Các ông chỉ cho chúng tôi súng 105ly, 155 ly với tầm bắn tối đa là 15 cây số, trong khi đó, Việt Cộng có 122 ly bắn xa hơn 20 cây số. Như thế thì chúng tôi chết từ khuya rồi, vì mính bị bắn bể đầu mà lại không bắn trúng được đối phương! Sau này, các ông cho vài cây 175 ly sang, vừa nặng vừa cồng kềnh, không di chuyển được trên các cây cầu mỏng manh ở Việt Nam, nên đứng chết di tại chỗ, cho dầu bắn rất xa hơn 30 cây số, nên chẳng làm cho địch sợ!
Đến sau hiệp định Paris thì thôi, chúng tôi không còn xăng, không có đạn, nên cầm súng mà chơi! Máy bay muốn cất cánh phải được phép của DAO! Làm sao mà thắng được?
Bây giờ ông nói chúng tôi là nhát, là bỏ chạy, không muốn tự bảo vệ mình, ông có thấy là ai là nhát, ai bỏ chạy?”
Tôi nói một thôi, môt hồi, không nghỉ, như cái máy, vì nỗi uất ức đã dồn nén từ cả chục năm trước, nói xong thì ngồi bệt xuống, nước mắt dàn dụa!
Ông Thầy đứng đớ người, không biết nói sao, đành ra lệnh giải tán lớp học luôn. Tôi chán chường quá, bỏ ra ngoài hành lang, đứng gậm nhấm nỗi buồn của dân nhược tiểu, bị đàn anh phản bội. Chợt một bàn tay vỗ nhẹ lên vai tôi. Quay lại, tôi thấy ông Thầy đầu trọc đang nhăn nhó nhìn tôi. Ông chìa tay ra, xin bắt tay tôi, và ấp úng:
“Tôi.. tôi xin lỗi anh! Tất cả là do giới tư bản truyền thông. Họ muốn dẫn dụ chiến tranh đến chỗ nào thì họ quảng bá như vậy, làm cho dân Mỹ hiểu lầm người Việt. Tôi thành thật xin lỗi dân Việt các anh, và hứa sẽ yêu cầu các tài liệu về cuộc chiến Việt nam phải được viết lại chính xác hơn. Xin anh nhận nơi đây lời xin lỗi của tôi.”
Biết nói sao hơn nữa, khi chỉ biết mỉm cười, tha lỗi cho ông ta. Nhưng dầu sao, trong tim tôi, giọt đắng cay vẫn chan hòa đâu đó, thương cho số phận Việt Nam, thương cho dân Việt đổ máu đầy sông núi chỉ vì những thế lực quốc tế muốn áp đặt lên giải giang sơn gấm vóc hình chữ S này những điều gì mà kẻ mạnh muốn làm, bất chấp sinh mạng con người, bất chấp giòng lịch sử oai hùng của Việt Nam bị bôi đen kể từ năm đó, năm 1975 tàn khốc.
Chu Tất Tiến.
 

No comments:

Post a Comment