Nói về một Nhạc Sĩ nổi tiếng không phải là một vấn đề quảng cáo nữa mà là một cách chứng tỏ lòng kính trọng tài năng, biểu tỏ tấm lòng
ngưỡng mộ của mình qua các tác phẩm mà tác giả đã đem hết sự rung cảm tâm hồn, chất tinh hoa cá nhân có được, điểm lên giấy dòng nhạc bất hủ. Người nghệ sĩ, nếu đã hoà nhập cả cảm xúc, tâm hồn vào hiện thể vũ trụ và lắng nghe được tiếng nói của từng hoa cỏ vô tri để bật lên được những nốt nhạc có hồn, có bóng dáng nhân gian và từng cá thể chung nhịp thở…Thì ắt hẳn những bản nhạc lời ca đó sẽ thấm thấu mãi từ thế hệ nầy đến thế hệ mai sau. Nó có thể là những tác phẩm bất hủ!
Một trong số những Nhạc Sĩ được những lời diễn tả trên là Nhạc Sĩ Anh Bằng. Có rất nhiều Nhạc Sĩ học hành tốt nghiệp từ các trường Âm Nhạc nổi tiếng, nhưng không phải ai bằng cấp trong tay thì sẽ có những tác phẩm bất hủ, đuợc người đời ca tụng. Học vị và tài năng là hai lãnh vực không phải lúc nào cũng ở chung một nhà. Tài năng, năng khiếu là do thiên bẩm cho từng cá nhân. Một nhà thơ có những lời thơ làm bao nhiêu thế hệ nối tiếp tôn sùng, học thuộc lòng…nhưng bản thân tác giả chưa chắc đã có học vị cao. Trường hợp Thi Sĩ Nguyễn Tất Nhiên là một thí dụ. Khi Nguyễn Tất Nhiên nổi tiếng, thơ của anh được phổ nhạc là ở cái tuổi học trò!
Khi tôi vừa lớn, tâm hồn rộng mở, nhìn vạn vật qua những lời thơ ca và uớc mơ chân trời tự do. Tôi mê tiếng đàn của ông thầy dạy nhạc lớp Đệ Thất tên là Trần Đình Cang ở một trường Trung Học nghèo vùng Bồng Sơn Tam Quan. Tôi cũng rất mê tiếng hát của Thầy dạy tóan Nguyễn Văn Trợ mổi khi đến nhà trọ của Thầy chỉ để xin ngồi nghe thầy và thầy Nguyễn vănTốt đàn tây ban cầm và hát. Đó là những năm 1958-1962, tôi cố dành dụm tiền mua một cây đàn mandolin. Nốt nhạc và lý thuyết cơ bản được học mổi tuần tôi đem áp dụng. Sau khi tập đánh nốt nhạc trên phiếm đàn mandolin, tôi áp dụng vào một nhạc phẩm hồi đó được phổ biến rộng rải trên đài phát thanh là “Nổi lòng người đi” của Nhạc Sĩ Anh Bằng”. Có thể ý nghĩa bài hát nầy mang tâm trạng của người bị bắt buột phải xa quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn. Nét nhạc và lời ca làm rung động lòng tôi, tâm trạng của một học sinh mới mười mấy tuổi đã phải khăn gói xa nhà trọ học!
“ …Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vưà biết yêu. Bao nhiêu mộng đẹp yêu thương thành khói tan theo mây chiều… Hà Nội ơi! Nào biết ra sao bây giờ, ai đứng trông ai ven hồ, khua nước trong như ngày xưa…”
Hồi đó, những lời ca như thế nầy đối với tâm hồn của một học trò trung học đệ nhất cấp như tôi - Mới thoát ra khỏi vùng “giải phóng” của Việt Minh Cộng Sản - là những câu ca tuyệt vời làm bay bổng một tâm hồn trời phú cho rất nhạy cảm ! Thoát ra khỏi những bài hát mang tư tưởng đấu tranh giai cấp, hô hào tổ khổ, hô hào căm thù, tôn thờ lãnh tụ…Gặp được những lời ca đầy hồn thơ, đầy tình tự dân tộc và ôm ấp nổi nhớ thương đầy nhân bản làm sao tôi có thể không hấp thụ một cách đam mê! Nhạc Sĩ Anh Bằng lúc bấy giờ tôi không biết là ai, cũng không cần để ý tên tác giả lắm, nhưng nhạc và lời ca của ông đã “cải tạo” tâm hôn tôi. Đó là một kỷ niệm rất sâu sắc mà về sau nầy tôi mới ý thức được rằng, ông là một trong những thần tượng đầu tiên của tôi lúc mới thoát khỏi bóng tối chủ nghĩa CS, bước ra vùng ánh sáng tự do!
Đồng thời tôi cũng bị ma lực của nhiều tác giả nhạc sĩ thời bấy giờ lôi cuốn vào cõi đam mê. Không có một nhạc phẩm nào của bất cứ nhạc sĩ nào mà tôi không mua cho được đem về tập dợt. Hồi đó nhạc Lê Minh Bằng cũng làm cho con tim tôi bồi hồi. Sau nầy tôi mới biết một trong ba nhạc sĩ đó là Nhạc Sĩ Anh Bằng. Nhạc Sĩ Anh Bằng có rất nhiều tác phẩm trong cuốn tuyển tập nhạc của tôi. Rất tiếc là sau năm 1975, lúc tôi bị đày ra miền Bắc XHCN để lại một lần nữa nghe những tiếng hát đầy căm thù giai cấp…Thì ở nhà vợ tôi đã đem hết những gì bị gọi là “đồi trụy” đốt thành tro… Bằng cấp trung học, đại học, các chứng chỉ trong quân đội của tôi cũng vì thế tiêu thành tro bụi!
Thi Sĩ Hữu Loan có bài thơ “Màu Tím Hoa Sim”, nhiều nhạc sĩ đã phổ thành những nhạc phẩm, cũng bất hủ như bài thơ theo thời gian. Nhạc Sĩ Anh Bằng cũng dự phần vào Màu Hoa Tím đó với đề tựa là “Chuyện Hoa Sim”. Bài nầy Nhạc Sĩ Anh Bằng đã sửa lời rất nhiều trong thơ Hữu Loan, nhưng đó là sự rung động cá nhân. Chúng ta thử nghe điệp khúc:
“…Ôi lấy chồng chiến binh
Lấy chồng thời chiến chinh, mấy người đi trở lại,
Sợ khi mình đi mãi, sợ khi mình không về,
Thì thương người vợ chờ bé bỏng chiều quê
Nhưng không chết người trai khói lửa
Mà chết người em nhỏ hậu phương….
….Tại sao nàng vẫn yêu màu tím
Màu buồn tan tác phải không em
Để chiều sim tím hoang biền biệt
Để mình tôi khóc chuyện hoa sim…”
Lúc sau nầy khi hành quân qua những vùng có hoa sim tím, tôi chợt nhớ lại những bài hát về loài hoa buồn tím ruột mà Hữu Loan để lại bằng thơ, các nhạc sĩ tô đậm thêm nét hoang dã man mang sầu đời với bóng dáng người em gái yêu màu sim tím. Tôi cũng nhớ đến vợ tôi hồi chưa cưới nhau, nàng cũng thường yêu cầu tôi hát những bài về màu hoa sim của Anh Bằng, Phạm Duy…Nhưng lúc sau nầy khi hai đứa cưới nhau rồi, nàng không cho tôi hát tặng nàng màu hoa tím ngày xưa nữa vì theo nàng, đó là một cuộc tình buồn.
Trong “Nhật ký của hai đứa mình”, người nhạc sĩ tài hoa hạ bút ghi giòng nhạc và lời như sau:
….Thức trắng đêm nay, ghép lại nhật ký của hai đứa mình…
…Xé nát trong tay những giòng nhật ký chép lâu lắm rồi,
Chuyện tình năm trước thôi đành vùi chôn từ đây thế thôi…..
…Dứt đi cung đàn thiết tha, thôi cũng như qua một giấc mơ…”
Với nhạc phẩm nầy, hồi đó, tuổi học trò vẫn thường mộng mơ về tình bạn trong dòng lưu bút mỗi độ hè về, thương vay khóc mướn tỉ tê nắn nót trao cho nhau những bài lưu bút…Ôi cái tuổi học trò sao mà đẹp lạ! Khi lớn lên vào tuổi thành niên, bài hát nầy làm những cặp tình sụt sùi khóc lóc cho mối tình tan vỡ…Có thể trong đời nhạc sĩ Anh Bằng cũng đã trải qua một cuộc chia ly nên bóng dáng đau khổ thường bàng bạc trong tác phẩm của ông. Chuyện tình nào cũng có nhiều buồn lo hơn vui, nhạc phẩm nào cũng kể lể những điều dang dở nhớ nhung và quặn thắt quanh chuyện tình buồn đều được quảng đại quần chúng ca tụng.
Anh Bằng có tài phổ nhạc lúc trước kia và cho đến bây giờ vẫn thế. Một trong những bài ông phổ thơ thành công là bài “Anh Cứ Hẹn” của Thi Sĩ Hồ Dzếnh:
“…Anh cứ hẹn nhưng anh đừng đến nhé,
Để một mình em dạo phố lang thang….”
Bài hát nầy cũng là một trong những gợi hứng cho các anh chàng si tình như tôi khi sửa lại lời anh thành em để hát khi đến với em mà em tránh mặt hay hẹn trể giờ…Hồi đó không có cell phôn, không làm sao biết được lý do nào, ta cứ đứng bên gốc cây vệ đường hay bờ sông vắng chờ nàng …kim đồng hồ vô tình nhích qua, mà bóng dáng thân yêu của nàng vẫn đâu rồi không thấy…
Trong lời ca, trong nhạc phẩm “Biển Dâu” người nhạc Sĩ đã nói lên nổi lòng của ai đó hay chính mình, nhưng là chung cho tâm trạng người tình si:
“…Thôi rồi anh đã xa em
Tìm đâu lại thuở êm đềm
Chỉ còn lại nhớ nhung thêm,
….Tình xưa đổi trắng thay đen
Mộng mơ giờ biết đâu tìm,
Cho nên đành đau đớn riêng em…!
Nhạc Sĩ Anh Bằng sáng tác rất nhiều nhạc phẩm và cũng phổ nhạc rất nhiều bài thơ thành những ca khúc cho đến bây giờ vẫn chưa thấy “cổ lổ sĩ”! Có thể bàn tay ông mát, nên những thi sĩ được ông đem thơ của họ phổ thành nhạc đều trở nên nổi tiếng. Tôi đã trích một vài bài thơ được ông phổ nhạc ở trên để chứng tỏ điều suy nghĩ của mình là đúng. Bài thơ của thi sĩ Lưu Trọng Lư được Nhạc Sĩ Anh Bằng phổ nhạc với cái tên “ Ai bảo em là giai nhân!” cho đến bây giờ nó vẫn là một bài hát ca tụng người đẹp, ca tụng giai nhân rất phổ biến. Mà nghĩ cho cùng, mỗi người con trai lớn lên đều tìm cho mình một bóng giai nhân…
“…Em chỉ là em gái thôi,
Người em sầu mộng của muôn đời
Tình em như tuyết giăng đầu núi,
Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời…”
Năm 1968, tôi đang thụ huấn khóa 26 SQTBTĐ, gặp phải cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân. Thời gian thụ huấn trở thành không còn cần thiết nữa khi chúng tôi và khóa đàn em 27 chung lưng phòng thủ quân trường. Khóa chúng tôi có nhiều SVSQ về phép Tết ở Huế bị chết thảm. Bài hát “Chuyện một đêm”, với lời ca buồn não ruột, với từng cung bật làm rung động lòng kẻ chiến chinh. Nhạc Sĩ Anh Bằng đã cho chúng tôi liên tưởng đến những giây phút đang giao tranh ngoài chiến tuyến:
Chuyện một đêm khuya nghe tiếng nổ nổ vang trời
Chuyện một đêm khuya ôi máu đổ đổ đầu rơi
….Mái tranh lửa cháy bốc lên ngun ngút trời cao…”
Thời kỳ đó, gia đình Ba Má tôi chạy từ vùng Tam Quan lửa đạn vào ở trong khu lao động đường Bà Hạt và Nguyễn Duy Dương (Sau chùa Ấn Quang). Cuộc oanh kích tiêu diệt Cộng Quân đang ẩn núp trong xóm nghèo đó. Ngày mồng ba Tết Mậu Thân đã làm cho cả khu vực to lớn đầy dân lao động cháy ra tro bụi (Sau nầy là khu chung cư Ấn Quang). Tâm trạng của tôi lúc bấy giờ là tâm trạng một người lính bị hai nỗi lo và gấp bội hai nỗi buồn.. nỗi buồn nào cho gia đình bị cháy mất nhà, ở nhà lều trong Sân Vận Động; nổi buồn nào bên cây súng garant trong lúc Việt Cộng dùng toàn vũ khí hiện đại…
Ai! Ai giết con tôi,
Ai cướp con tôi giữa cơn mộng đêm thái bình
Ôi thương lời nói tội tình, hàm bao đớn đau
Giờ mẹ con đành cách nhau…
Cảnh chết chóc và điêu tàn trong Mậu Thân 1968, Nhạc Sĩ Anh Bằng chỉ diễn tả một phần nhỏ thôi đối với sự thật của hàng hà sa số thảm kịch đớn đau của dân tộc. Nhưng nó đã làm cho mọi người xúc động. Huế là một trong những điêu tàn tang thương nhất mà bài hát nói lên được:
Bà đặt con lên đám cỏ phủ sương mờ
Tội gì con ơi khi lứa tuổi tuổi còn thơ
Bà nhẹ đưa môi hôn trán con yêu giá lạnh
Ve vuốt lần cuối trước khi xa con suốt đời!
Đầu năm 2008 vừa qua, Nhà văn Việt Hải, thuộc Văn Đàn Đồng Tâm, có email mời tôi về một cuộc họp mặt có Nhạc Sĩ Anh Bằng tại nhà hàng Seafood World ở trên đường Brookhurst, Little Saigon. Nhưng hôm ấy tôi bận không đến được để trực tiếp gặp người nhạc sĩ mà trong thời niên thiếu là một trong những thần tượng của tôi. Trên các DVD của các trung tâm sản xuất nhạc, Nhạc Sĩ Anh Bằng cũng đã được vinh danh và giới thiệu sáng tác của ông! Điều đó là một niềm vui của một đời người nghệ sĩ. Những giòng chữ nầy viết lên để diễn tả sự ngưỡng mộ của tôi với người nhạc sĩ tài hoa. Chúc ông sức khỏe và nhiều vui tươi, hạnh phúc, tâm hồn lúc nào cũng trẻ trung và trường thọ!
No comments:
Post a Comment