1. Tại sao chúng ta nghèo?
Nguyễn Hưng Quốc
Trong cuộc gặp gỡ với 40 doanh nhân trẻ vào chiều 12 tháng 8 vừa qua, sau khi nghe những lời than thở về những bất cập trong các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tại Việt Nam của họ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta tốt mà vẫn cứ nghèo?” Rồi ông nhấn mạnh: “Nhất định phải đổi mới mạnh mẽ hơn.”
Trong câu hỏi của Vũ Đức Đam có một nhận định chính xác: Việt Nam nghèo. Chúng ta không những nghèo hơn các nước phát triển trên thế giới mà còn nghèo hơn hầu hết các quốc gia trong khu vực. Trong khu vực, chỉ giới hạn trong khối ASEAN, chúng ta nghèo hơn Singapore, Brunei, Malaysia, Indonesia, Philippines, Miến Điện và Thái Lan, đã đành. Chúng ta còn có nguy cơ bị hai nước láng giềng vốn thường bị xem là nghèo hơn và yếu hơn, Campuchia và Lào, qua mặt.
Nhưng toàn bộ câu hỏi của Vũ Đức Đam, “Tại sao chúng ta tốt mà vẫn cứ nghèo?” lại sai.
Sai ở nhiều điểm.
Thứ nhất, cách đặt vấn đề sai. Chuyện tốt hay xấu không có quan hệ gì đến chuyện giàu nghèo. Để giàu, người ta cần óc sáng kiến, năng lực lao động, sự cần cù cùng với một số điều kiện thuận lợi và may mắn nữa chứ không dính líu gì đến tính cách hay đạo đức. Trên thế giới, không ai đặt vấn đề như vậy với các tỉ phú hay với các cường quốc kinh tế.
Thứ hai, sai ở mệnh đề “chúng ta tốt”. Cái gọi “chúng ta” ở đây là ai? Là những người tham dự cuộc hội thảo ư? Căn cứ vào đâu để khẳng định họ tốt? Rộng hơn, “chúng ta” đây là người Việt Nam nói chung chăng? Lại càng mơ hồ. Không có dân tộc nào là tốt cũng như không có dân tộc nào là xấu. Dân tộc nào cũng bao gồm những người tốt và những kẻ xấu. Một sự khái quát hoá, cho dân tộc này tốt hơn những dân tộc kia không những sai lầm về logic và thực tế mà còn dễ có nguy cơ dẫn đến những thái độ kỳ thị chủng tộc, điều mà giới học thuật Tây phương cho là cấm kỵ.
“Chúng ta” ở đây là đảng Cộng sản hiện đang cầm quyền chăng? Khẳng định như thế không những sai mà còn là sai lầm một cách lố bịch. Từ sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản tại Liên Xô và Đông Âu, khi những sự tàn ác của các đảng Cộng sản ở những nơi ấy bị vạch trần, người ta thấy rõ là không có chế độ cộng sản nào là tốt cả. Tất cả đều giả dối, độc tài và tàn bạo. Số nạn nhân bị giết chết hoặc đoạ đày cho đến chết dưới tay của Stalin và Mao Trạch Đông còn nhiều hơn tổng số người bị giết chết dưới tay phát xít Đức trong chiến tranh thế giới lần thứ hai. Riêng ở Việt Nam, chế độ cộng sản cũng đã gây ra biết bao nhiêu tang thương, từ các chiến dịch cải cách ruộng đất ở miền Bắc đến các phong trào đánh tư sản mại bản và xua người dân đi kinh tế mới ở miền Nam, từ các vụ thảm sát ở Huế trong Tết Mậu thân đến các trại cải tạo sau năm 1975. Đó là chưa kể đến cuộc chiến tranh kéo dài cả hai mươi năm mà họ gây ra đã khiến cho ít nhất ba triệu người bị mất mạng ở cả hai miền. Như vậy là tốt ư?
Nếu cái nghèo của Việt Nam hiện nay không xuất phát từ chuyện tốt hay xấu, nó xuất phát từ đâu? Câu trả lời, thật ra, với đa số người dân Việt Nam, khá hiển nhiên: do chế độ Cộng sản. Điều này đúng không những chỉ ở Việt Nam mà còn ở phạm vi toàn thế giới: Có quốc gia cộng sản nào thực sự giàu có? Rõ nhất là ở những quốc gia bị chia đôi: Đông Đức nghèo hơn hẳn Tây Đức; Bắc Hàn thua xa Nam Hàn. Riêng tại Việt Nam, trước năm 1975, điều kiện sinh sống ở miền Nam cũng bỏ xa miền Bắc.
Nhưng điều gì khiến chế độ Cộng sản làm kiềm hãm sự phát triển đất nước? Có ba lý do chính: các chính sách sai lầm, tham nhũng và độc tài.
Trước phong trào đổi mới, các chính sách sai lầm về kinh tế và xã hội, đặc biệt cái gọi là chính sách giá – lương – tiền, đã biến Việt Nam thành một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Lạm phát tăng cao. Dân chúng bị ngập chìm trong đói khổ, không có đủ cơm ăn; trong nhiều năm liền, phải ăn bột mì và bo bo do Nga viện trợ. Sau thời đổi mới, được ít nhiều cởi trói, kinh tế phát triển khá nhanh, nhưng không nhanh đủ để giúp Việt Nam tiến bộ so với các quốc gia láng giềng. Các đại công ty hay tập đoàn kinh tế quốc doanh liên tục thua lỗ, có khi bị phá sản, để lại những gánh nợ nặng nề kéo dài tận đến các thế hệ mai sau. Ngay trong cuộc gặp gỡ với các doanh nhân trẻ ngày 12 tháng 8 vừa qua, trước mặt Vũ Đức Đam, nhiều người cũng lên tiếng phê phán các chính sách sai lầm của chính phủ khiến công việc làm ăn của họ gặp rất nhiều khó khăn. Những sự sai lầm trong chính sách này khiến các nỗ lực gọi là đổi mới tại Việt Nam chỉ là những sự vá víu, lẩn quẩn, từ cái sai này đến cái sai khác theo kiểu tổng kết của dân gian: “Sửa sai rồi lại sửa sai / Sửa thì cứ sửa, sai thì cứ sai.”
Nguyên nhân thứ hai làm kiềm hãm sự phát triển kinh tế tại Việt Nam là tham nhũng. Tham nhũng thể hiện ở hai khía cạnh: Một là, mọi quyết định về kinh tế đều không xuất phát từ lợi ích chung mà chỉ tập trung vào quyền lợi của một số cá nhân. Phong trào xây tượng đài hoặc các công trình kiến trúc ào ạt ở Việt Nam là một ví dụ: Người ta xây dựng như vậy không phải vì công việc ấy thực sự cần thiết mà chỉ vì, với những công trình xây dựng ấy, người ta có thể kiếm chác để bỏ tiền vào túi mình. Lớn hơn, chính sách đề cao vai trò của các công ty quốc doanh mặc dù hiệu quả kinh tế của chúng rất kém cũng xuất phát từ cùng một lý do: để dễ chia chác quyền lợi. Hai là, với tệ nạn tham nhũng, người ta khai khống và rút ruột các công trình xây dựng để cuối cùng, tất cả các công trình xây dựng đều có kết quả cực kém: Nhiều con đường mới xây xong đã lún; nhiều công trình mới dựng xong đã bị đổ, v.v… Hậu quả của nạn tham nhũng tràn lan này là cán bộ càng lúc càng giàu trong khi đất nước thì càng lúc càng nghèo nàn và kiệt quệ.
Nguyên nhân thứ ba và cũng là nguyên nhân quan trọng nhất là độc tài. Giành độc quyền lãnh đạo, chế độ Cộng sản loại trừ hai yếu tố quan trọng nhất cho sự phát triển. Một là, loại trừ những trí tuệ và tài năng không nằm trong hệ thống đảng trị. Hai là, nó cũng loại trừ sự minh bạch và cùng với nó, sự phản biện của các trí thức độc lập. Hậu quả của cả hai sự loại trừ này là, một, chính quyền chỉ quy tụ được những kẻ bất tài, hoặc phần lớn là những kẻ bất tài; và hai là, nó mất khả năng tự điều chỉnh và đổi mới thực sự.
Nói một cách tóm tắt, để trả lời cho câu hỏi của ông Vũ Đức Đam, “tại sao chúng ta nghèo?”, chúng ta có thể khẳng định dứt khoát: Chúng ta nghèo, cứ nghèo mãi là vì sự thống trị độc tài và độc đoán của đảng Cộng sản. Biện pháp khắc phục, do đó, không phải là “đổi mới” mà là dân chủ hoá.
Một bài học hiển nhiên trên thế giới: Không có quốc gia dân chủ thực sự nào mà nghèo cả.
Blog Nguyễn Hưng Quốc VOA
2. Rồi có một ngày…
Tạp ghi Huy Phương
Tôi thường nghe những câu hỏi trăn trở của những người tị nạn Cộng Sản bỏ nước ra đi:
– Liệu năm nay Việt Nam có gì thay đổi không?
– Bao giờ thì Việt Nam không còn Cộng Sản?
Hầu hết những người Việt bỏ đất nước từ những ngày cuối cùng của Tháng Tư, 1975, khi Cộng Sản tràn vào Sài Gòn, đã nói với tôi rằng, họ chỉ trở lại Việt Nam khi không còn chế độ Cộng Sản trên quê hương nữa. Một vài vị lớn tuổi “gần đất xa trời” an ủi với nhau rằng, “có lẽ ta đâu mãi thế này” và mong được sống thêm vài năm nữa, để nhìn ngày tàn của chế độ Cộng Sản.
Nhưng bao giờ thì chế độ Cộng Sản sụp đổ?
Năm năm? Mười năm? Mười lăm năm? Và bây giờ 40 năm đã trôi qua!
Mà khi Việt Nam không còn Cộng Sản nữa thì đất nước này sẽ ra sao?
Cũng khó tưởng tượng ra có một cuộc thay đổi êm ái, đảng cầm quyền ra đi, tổ chức bầu cử tự do, các cơ chế hoàn toàn thay đổi, Hiến Pháp được viết lại, Việt Nam có đa đảng. Nhiều người còn mang ảo tưởng lạ lùng là “hải ngoại” sẽ được Bộ Chính Trị Đảng CSVN mời về “bàn giao” trong êm thấm trong khi họ lặng lẽ cuốn gói ra đi, và những “chủ tịch,” “thủ tướng,” và “quốc trưởng” ở đây sẽ về nhậm chức mà không cần đổ một giọt máu, kiểu nói “bất chiến tự nhiên thành” và dưới cái quan niệm sẽ được cường quốc này, đất nước nọ “bật đèn xanh…”
Nếu có một cuộc cách mạng thật sự đúng nghĩa bùng nổ, thì cuộc cách mạng lật đổ chế độ Cộng Sản ở Việt Nam phải là một cuộc cách mạng đổ máu tàn khốc nhất trong lịch sử. Bốn mươi năm qua, chế độ Cộng Sản này đã gây bao nhiêu thảm họa, tai ương cho miền Nam và đối với miền Bắc là 70 năm. Chẳng ai là không có mối thù với Cộng Sản, từ thời Việt Minh cho đến ngày miền Nam sụp đổ. Bao nhiêu thủ đoạn tù đày, kỳ thị, đánh tư sản, đổi tiền, đày đọa người dân rời bỏ thành phố hay đuổi họ xuống tàu ra biển.
Chẳng có gia đình nào tránh khỏi đau khổ, tù đày, chia lìa, chết chóc hay bần cùng. Ngay trong thời đại “tự do,” “hạnh phúc,” liệu những gia đình nạn nhân Đoàn Văn Vươn bị cưỡng chế chiếm đất, những mẹ con như gia đình bà Phạm Thị Lài trần truồng bị kéo lê trên nền đất, những phụ nữ như bà Lê Thị Trâm bị xe xúc chèn lên thân, cũng như gia đình có thân nhân chết mờ ám trong đồn công an, hàng triệu nạn nhân của chế độ công an trị, có bằng lòng một cuộc chuyển quyền êm ái không?
Cho thuận lẽ nhân quả ở đời sẽ có một cách mạng “máu kêu trả máu, đầu van trả đầu?”
Nhưng thành phần nào sẽ cầm đầu cuộc cách mạng này, và đừng có ảo tưởng là sẽ có một lực lượng ngoại nhập phát xuất từ Mỹ, từ Úc hay từ… Tàu.
Tuy vậy cũng sẽ không có chuyện biển máu với 3 triệu đảng viên Cộng Sản Việt Nam bị đem ra bắn bỏ, bị tịch thu tài sản, bị lùa vào các trại tù, hoặc đẩy chạy sang Tàu. Nhưng làm thế nào để Việt Nam có một cuộc thay đổi, Cộng Sản không còn là đảng cầm quyền và Việt Nam sẽ trở thành một đất nước có chế độ đa đảng. Nhưng vào thời điểm đảng Cộng Sản không còn nữa, Việt Nam sẽ ra sao?
Cũng như sau khi Liên Bang Xô Viết tan rã, ở Việt Nam cũng sẽ có rất đông đảo, hàng triệu người đã vứt thẻ đảng và ra khỏi đảng. Trừ một số đảng viên đã chuẩn bị “hạ cánh” với bất động sản, tiền ngân hàng hay cơ sở kinh doanh ở Mỹ, Úc, Canada… nhưng 3 triệu đảng viên Cộng Sản với châm ngôn “đảng còn ta còn” và tổng cộng các lực lượng an ninh đủ loại với ít nhất là 6.9 triệu người (theo Giáo Sư Carl Thayer) với khẩu hiệu “công an nhân dân chỉ biết còn đảng, còn mình” sẽ là một vấn nạn khó xử cho xã hội mới, một khi “mất đảng,” nhưng chúng nhất quyết chưa chịu “mất mình.”
Người viết không có khả năng phân tích tình hình chính trị Việt Nam sau khi không còn đảng Cộng Sản cầm quyền hay chuyện kinh tế của Việt Nam thời hậu Cộng Sản, nhưng cứ nghĩ đến cái đất nước tan hoang, sau 40 năm cai trị của đảng này, thì cái giấc mơ nghĩ đến một ngày nào đất nước hết Cộng Sản, cũng chẳng phải là một giấc mơ tốt đẹp.
Có thể Cộng Sản sẽ để lại cho đất nước những cái cầu tráng lệ, những xa lộ tối tân, những con tàu “siêu tốc,” những cái tháp truyền hình đi vào kỷ lục, những lâu đài kiến trúc đẹp đẽ, những sân bay hiện đại và dai dẳng những món nợ con cháu trả mấy đời không hết. Và những vạn dặm rừng, nghìn vuông đất cho thuê chưa lấy lại được, nhưng cũng không đau xót bằng hằng triệu con người mất cả niềm tin vào tương lai, lòng người ly tán, đạo lý suy đồi.
Muốn xây dựng lại xã hội phải xây dựng con người, mà xây dựng một con người phải mất bao nhiêu năm?
Hồ Chí Minh sao chép câu “Bách niên thụ nhân” của Quản Trọng bên Tàu, nhưng với hạt giống vốn bể nát, thối tha của người khác đã vứt đi lượm đem về, gieo trồng trên đám đất đai chai lỳ toàn trị, bón bằng những thứ phân bón tha hóa, xấu xa, dối trá; tưới bằng thứ nước dơ bẩn của bạo lực, cường quyền, thì cây không có trái, hoa không dám nở, mà chỉ sinh sản ra một loài cỏ dại. (*)
Một xã hội mà chủ động mãi dâm còn tuổi vị thành niên, khi bị công an bắt còn xin về đi thi trung học phổ thông. Một xã hội mà một thanh niên chỉ mới 22 tuổi cắt cổ sáu người mà vẫn có giấc ngủ yên lành. Một xã hội có những đứa trẻ 14 tuổi đi bán dâm trong khi đã mang thai bốn tháng. Một xã hội mà thanh niên lớn lên không có nhà máy, chỉ toan tính chạy vạy tìm cách ra nước ngoài làm thuê, ở mướn. Một xã hội mà thiếu nữ nông thôn lớn lên không có một thời yêu đương, thơ mộng, bỏ ruộng vườn, lăm le đi khỏi mướt kiếm một tấm chồng, hay kể cả chuyện bán thân, miễn có một đời sống no đủ. Một xã hội mà sinh viên, người mẫu sẵn sàng lên giường vì đồng đô la. Một xã hội mà người ác, kẻ tham được bảo vệ, người làm điều xấu không biết nhục, kẻ trung trực, ngay thẳng thì bị đọa đày.
Liệu có một vị cứu tinh dân tộc nào xuất hiện trong giai đoạn này để cứu nước, độ dân không? Nước Nhật sau hai quả bom nguyên tử ném xuống hai thành phố Hiroshima và Nagazaki, và cả trận sóng thần xảy ra năm 2011, đã đứng dậy tái thiết, khắc phục hậu quả của những thảm họa chiến tranh và thiên tai, nhờ tinh thần và phẩm chất truyền thống của dân tộc Nhật. Nhưng với “thảm họa dân trí, đạo đức” mà chế độ Cộng Sản để lại cho Việt Nam, sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, mà chúng ta thường gọi là một trận hồng thủy, mà những điều tốt đẹp, đạo đức của dân tộc đã bị băng hoại, cuốn trôi, chúng ta làm cách nào để xây dựng lại đất nước này?
Bao giờ thì có thay đổi, bao giờ thì không còn Cộng Sản? Đây chính là những nỗi trăn trở của cả dân tộc, nhưng là những chuyện khó khăn bắt đầu chứ không phải là những điều kết thúc tốt đẹp mà chúng ta vẫn thường mơ ước! Đó chính là nỗi thống khổ của Việt Nam, và còn khổ đến bao giờ.
Huy Phương
(*) “Cộng sản là loài cỏ dại, mọc trên hoang tàn của chiến tranh, là trùng độc, sinh sôi, nảy nở, trên rác rưởi cuộc đời.” (Dalai Latma)
nguồn: tran tu duy
No comments:
Post a Comment