Gia chánh

Monday, July 6, 2015

Cây trúc Việt Nam tại đài truyền hình số 9 thành phố Perth, Tây Úc


                                                                                             
Tracy Võ đọc tin trên đài số 9. Photo courtesy: forums.auscelebs.net
 
Cuối thập niên 1980, trong một giờ ra chơi tại trường tiểu học Our Lady of Lourdes, phía Bắc thành phố Perth, Tây Úc, một học sinh chỉ vào cô bé có tên là Tracy, rồi nói với bạn: "Xem da của Tracy này. Mày đâu có giống tụi tao. Da mày xam xám à!". Cả bọn cười ồ.
 
Tracy không biết làm sao trả miếng. Cô bé khốn khổ chạy vào cầu tiêu. Đóng chặt cửa. Và khóc. Khi về nhà cô bé Việt Nam lên sáu cố gắng chùi cho da mình cũng trắng như bạn. Tracy tiếp tục chùi thêm vài ngày nữa mới nhận ra da không thể trắng ra.
 
Ngày nay, người sống tại thành phố Perth, Tây Úc hàng đêm thấy khuôn mặt da vàng mũi tẹt ấy trong bản tin buổi chiều của đài truyền hình số 9. Trước đây, vào những năm 2007-12 người tại Sydney và Melbourne cũng đã từng nhìn thầy cô trên đài này.
 
 
Tại sao cha mẹ liều chết ra đi?
 
Tracy Võ là con của hai vợ chồng tị nạn người Việt Nam: Ông Tài bà Liên. Trước năm 1975, ông Tài đi lính không quân và bà Liên làm việc trong nhà thuốc tây. Khi đổi đời cả hai kiếm sống ở chốn chợ trời chụp giật. Quen nhau trong hoàn cảnh rất bấp bênh của một Sài gòn vừa mất tên, đổi tiền, bị đánh tư bản mại sản và xua đi kinh tế mới, hai người trẻ tuổi ấy không nghĩ gì hơn là trói cột định mệnh của nhau vào một tương lai rất tươi sáng nhưng vô định. Đó là vượt biên.
 
Năm 1978 chiếc tàu chở 121 người nhổ neo từ Long Xuyên nhắm hướng Mã Lai. Khi thuyền rời bến, ba và mẹ Tracy Võ chưa cưới nhau. Họ đã trao nhẫn cưới cho nhau trên biển cả. Nhưng đeo nhẫn chưa được tuần lễ, khi thuyền cặp bến Mã Lai, họ phải bán đi để nuôi đại gia đình họ Võ gồm 17 miệng ăn cầm hơi tại Pulau Tengah, Mã Lai.
 
Sinh ra tại Úc, Tracy không biết gì về chuyến đi giang khổ của cha mẹ. Tracy luôn luôn hỏi "Tại sao cha mẹ lại liều chết ra đi?". Cha mẹ trả lời thật ngắn "để con và anh Trevor được sống cuộc đời mà ở Việt Nam chẳng bao giờ có". Trả lời này in vào tâm trí cô bé. Cho đến nay -- khi đọc tin trước máy thu hình của đài số 9, khi đến những bản tin về thuyền nhân cập bến Úc, Tracy Võ đều nghĩ trong đầu lý do họ đến đây. Trước tranh luận về thuyền nhân, cô Tracy Võ cho rằng gia đình cô biết tình hình hôm nay khác với lúc gia đình cô đến Úc nhưng Úc vẫn là đất nước phước đức và dư khả năng tỏ lòng quãng đại với người gặp khốn.
 
Hai năm sau khi định cư tại Úc, vợ chồng trẻ Tài- Liên sinh con đầu lòng đặt tên là Trevor. Sau Trevor ba năm, Tracy chào đời. Tracy là tên mẹ nghe hoài khi xem truyền hình. Tracy còn có tên Việt Nam là Trúc. Trúc là giống tre nhỏ, thân lả lướt nhưng rắn chắt. Vì thế, khi viết chuyện đời mình Tracy đã đặt tên sách là "Small Bamboo, Cây Trúc".
 
 
Hình bìa sách "Small Bamboo" của Tracy
 
 
Không có nghề nào là nghề "ký giả"
 
Vào một buổi tối, gia đình đang xem chương trình "60 Minutes" của Mike Munro và Richard Carleton, Tracy khều cha và nói:
 
- Ba à, con muốn làm ký giả. Khi coi tin tức con thấy thích. Con muốn làm việc như họ.
 
Bạn đọc đoán ngay người cha "hy sinh tất cả ra đi để cho con cái có tương lai" phản ứng ra sao.
 
Người cha ấy chẳng bao giờ nghĩ con mình làm ký giả. Trong đầu của ông không có nghề nào gọi là nghề "ký giả" mà chỉ có nghề bác sỹ, dược sỹ, kế toán hay luật sư. Cha của Tracy không nói không rằng.
 
Cô thích làm ký giả vì luôn luôn di chuyển ngoài đường và không ngày nào giống ngày nào. Học xong trung học, Tracy vào đại học Curtin, Tây Úc học chương trình cử nhân văn khoa với môn chính là báo chí. Trong thời gian học đại học, Tracy nhận ra âm hưởng trong giọng nói mình quá cao và thanh điệu không được trôi chảy. Được giáo sư Les Welsh hướng dẫn, cô bé gốc Việt đã dành rất nhiều thời giờ luyện lại giọng nói. Tracy bỏ ra hàng giờ đứng trong phòng nhỏ tí đọc đi đọc lại những mẫu tin ngắn. Nhiều ngày, cô mang bản tin về nhà và miệt mài luyện giọng trong phòng ngủ.
 
Hoc xong, Tracy vào nghề truyền thông qua cửa phóng viên cho đài phát thanh 6PR Radio, rồi xướng ngôn viên cho đài Groove FM. Cả hai đài này đặt tại Tây Úc. Có những lúc Tracy làm việc cho hai đài phát thanh và nhận thêm một chân bán hàng bán thời nữa. Rất bận rộn, cô vẫn vui trong lòng. Lý do? Tracy trả lời trong hồi ký Small Bamboo: Có lẽ tôi giống ba mẹ nhiều hơn tôi tưởng, đặc biệt giống họ ở cái tính cần cù.
 
 
Khuôn mặt Việt Nam tại đài số 9
 
Năm 2004, đài phát thanh 2SM tại Pyrmont, Sydney nhận Tracy vào làm việc. Thế là cô phóng viên 21 tuổi phải bay hơn ba ngàn cây số từ Tây sang phía Đông nước Úc để nhận việc mới. Vào đài 2SM, Tracy xung phong giữ micro trong ca đêm (lại một bằng chứng cần cù thừa kế từ cha mẹ Việt Nam!). Tại 2SM, cô xướng ngôn viên gốc Việt gặp những phóng viên tên tuổi như Mark Burrows và Peter Harvey.
 
Sau hai năm với 2SM, Tracy chuyển qua ngành truyền hình khi nhận công việc bán thời với Sky News Australia. Hiển nhiên, không phải ông chủ Sky News nghe tiếng cô bé mang họ Việt Nam rồi quỳ xin cô về với mình. Sự thật, Tracy đã nộp đơn xin việc nhiều nơi như các đài 2GB, 2UE, 2DayFM, Nova và WSFM hay các chương trình A Current Affair,Today Showvà Today Tonight chiếu trên các đài số 9, 7 và 10 và nhận toàn thơ "cám ơn". Được quá nhiều thơ "cám ơn" Tracy đâm lo và tự hỏi: không biết mình không được việc vì cái họ rất Việt Nam không.
 
Cuối cùng, Tracy được Channel Ten cho vào Early News với Bill Woods. Tại đây, cô phải làm việc từ 10 giờ rưỡi tối cho đến 7 giờ sáng. Làm việc với đài số 10 chưa bao lâu, tháng 10 năm 2007 cô gia nhập toán phóng viên trong đài truyền hình số 9 tại Sydney. Nhiệm vụ đầu tiên của Tracy Võ là phụ tá sản xuất bản tin sáu giờ chiều. Đây là một trong chương trình hàng đầu của đài số 9. Phụ tá sản xuất phải cung cấp các chi tiết nằm phía sau mẫu tin, sắp đặt các cuộc phỏng vấn, viết tin mới nhận và đọc thêm các chi tiết khi cần. Cô phụ tá sản xuất thú nhận: trong vài tuần đầu mình chật vật vì chưa quen với lối hành văn của đài. Nhưng nhờ có Geoff Maurice dìu dắt cô đã vượt qua.
 
Vì muốn tiến thân, cô phóng viên trẻ luôn luôn gật đầu khi đài truyền hình cần người lấy tin. Thế là có những lúc Tracy phải làm việc liên tu bất tận. Cô thú nhận: lần làm việc dài nhất có lẽ là: một mạch 36 ngày!
 
Trong thời gian với đài số 9, Tracy Võ được cử đi Victoria với Peter Overton lấy tin cháy rừng trong ngày Bảy Đen (Black Saturday). Peter Overton là phóng viên gạo cội từng làm việc cho chương trình 60 Minutes. Sau bốn ngày lăn lộn tại Yea hoang tàn, Tracy về Sydney với cõi lòng tan nát và thân thể rã rượi. Cô đã khóc ròng.
 
Ở đài số 9, Tracy Võ lo phần sản xuất chương trình tin tức vào ngày thường và nhảy vào vai phóng viên vào hai ngày cuối tuần. Cô làm việc cả bảy ngày với hy vọng lọt vào mắt xanh của "boss" để được thăng chức phóng viên toàn thời. Cơ hội này đã tới khi phóng viên gạo cội Fiona Dear (được biết nhiều với chương trình 60 Minutes) gởi Tracy Võ đi thủ đô Canberra làm phóng viên đặc trách chính trị. May mắn lớn hơn cho cô phóng viên trẻ tuổi này: khi đến Canberra, Tracy Võ được làm việc chung với lão tướng Laurie Oakes. Là phóng viên chính trị toàn thời, mỗi ngày Tracy Vo đều xuất hiện trên đài số 9. Đây là lúc, giấc mơ của Tracy thành đạt.
 
 
Tracy với mẹ Liên và bố Tài, năm 2013. Hình cung cấp, source:news.com.au
 
 
Về lại mái nhà xưa
 
Sau 10 năm lăn lộn với thế sự tại phía Đông nước Úc, tháng Tám, 2012 Tracy trở về Tây Úc để gần bên người cha bệnh nặng. Về Perth, cô tiếp tục xuất hiện trên màn ảnh nhỏ của đài số 9 với nhiều biến cố lớn tại Úc và thế giới. Trong số này có tang lễ của ông Nelson Mandela, lúc cô Schapelle Corby được thả khỏi nhà tù Bali, chuyện bí hiểm của chuyến bay MH370 và những rắc rối quanh bé Gammy bị vợ chồng Úc bỏ rơi tại Thái Lan.
 
Tracy Võ, hay TVo (như người trong đài số 9 gọi cô) hay Trúc -- tên Việt Nam do ông nội đặt -- là một trong nhiều khuôn mặt nổi bật của người Việt Nam tại Úc. Chúng ta hãnh diện có cô vì cô mang khuôn mặt và tên họ Việt Nam xuất hiện trên truyền hình tại Úc. Ngay chính người Úc cũng quý mến cô vì cô sinh ra và lớn lên tại đất nước này. Nào ta thử hỏi, Tracy Vo, Trúc là người Việt Nam hay người Úc?
 
Cô trả lời trong tự truyện Small Bamboo "Sau một thời bé thơ khổ cực và bối rối, tôi đã học biết cội nguồn của mình. Những người tôi gặp trên đường đời đã làm cho tôi thấy hãnh diện được làm người Úc gốc Việt. Đã có nhiều lần tôi mấp mí buông rơi giấc mơ của mình, nhưng bây giờ tôi rất vui vì giữ được nó. Mỗi khi tôi thấy trong người muốn buông giấc mơ ấy, tôi lại nghĩ đến ba mẹ rồi tự nhủ "Vì ba mẹ, tôi phải làm cho bằng được"... Tôi đã chẳng thành công trong nghề nghiệp nếu không vì cha mẹ, không được các ngài khuyến khích và nâng đỡ...  Cha mẹ tôi từng liều mạng trên chiếc thuyền mong mang để tìm cuộc sống tươi đẹp hơn. Cha mẹ đã hết lòng làm việc để con cái sống tốt đẹp hơn. Tôi hy vọng mình là thành quả ấy!"
 
Tracy Võ ơi! Cô là cây trúc từ đất Việt trồng ở đất lành Phương Nam đó.
 
Nghi Thanh
 
(TVTS số 1513, phát hành ngày 25.3.2015)
 
                                                                      
                                                 

No comments:

Post a Comment