Hai bài viết: một Việt Nam, một Mỹ (có bản dịch) rất nên xem
Sinh nhật buồn và Tình người trên đất Mỹ
Saturday, 14 February 2015 15:45
Tác Giả
Nam Đan
Nam Đan
Tôi vừa trở lại Sài Gòn sau 4 tháng ở Dallas. Ngẫm nghĩ, có khi tôi thấy mình giống một quả lắc đong đưa giữa 2 nơi, Mỹ và Việt Nam, mỗi nơi đều cho tôi những suy nghĩ và cảm xúc khác nhau.
Sáng nay tôi đọc được trên mạng 2 bài viết thú vị, về 2 nơi, 2 quê hương.
“Sinh nhật buồn” là một tản văn của nhà văn Khuất Đẩu, ông hiện sống ở miền Trung. Ông viết về điều mà ai đang sống ở VN đều chứng kiến trong những ngày này: sinh nhật đảng CSVN, với một cái nhìn sâu sắc, hài hước và trầm tĩnh.
“Tình người trên đất Mỹ” là một bài báo về câu chuyện thấm đẫm tính nhân văn do nhà văn Hoàng Ngọc-Tuấn dịch lại.
Xin mời các bạn thưởng lãm.
Sáng nay tôi đọc được trên mạng 2 bài viết thú vị, về 2 nơi, 2 quê hương.
“Sinh nhật buồn” là một tản văn của nhà văn Khuất Đẩu, ông hiện sống ở miền Trung. Ông viết về điều mà ai đang sống ở VN đều chứng kiến trong những ngày này: sinh nhật đảng CSVN, với một cái nhìn sâu sắc, hài hước và trầm tĩnh.
“Tình người trên đất Mỹ” là một bài báo về câu chuyện thấm đẫm tính nhân văn do nhà văn Hoàng Ngọc-Tuấn dịch lại.
Xin mời các bạn thưởng lãm.
Nam đan.
Khuất Đẩu
Đang ngồi chờ cạo mặt ráy tai ở một quán hớt tóc đầu con hẻm, bỗng nghe lệnh của tổ dân phố phát ra oang oang trong loa phóng thanh: “Để mừng Đảng mừng xuân, mọi nhà đều phải treo cờ tổ quốc!”
Chợt nhớ ra ngày mai, mồng ba tháng hai là ngày sinh của Đảng. Và Đảng 85 tuổi. Như thế cũng đã gần thượng thọ rồi. Đảng hơn tôi 10 tuổi. Nếu là trong giới viết lách, có thể gọi thân mật bằng anh, rủ nhau đi cà-phê tán gẫu. Nhưng Đảng không phải là người, không hình thù mặt mũi, chỉ “văn kỳ thanh chứ bất kiến kỳ hình”, có muốn nâng ly chúc mừng cũng không biết chúc ai.
Biếm họa PHO - nguồn Danlambao
Nhưng Đảng cũng không phải là ma. Đảng có mặt ở mọi nơi, mọi chỗ. Gần, thì tổ trưởng dân phố, công an khu vực. Xa, thì chủ tịch tỉnh, chủ tịch nước. Chót vót là tổng bí thư.
Đảng là một tổ chức chính trị trùm cả nước. Cái bóng của Đảng to đến nỗi trông lên chỉ thấy Đảng chứ không thấy Trời.
Sức mạnh của Đảng thì khỏi phải nói. Nào đánh Pháp, đuổi Mỹ... Ơn Đảng còn hơn cả ơn Chúa! Nhưng Đảng cũng là một cái gì chưa trọn, cứ phải xây dựng hoài mà chưa xong. Đảng cũng thối tha không kém, nên cứ phải làm trong sạch mãi.
Giả sử, Đảng được sinh ra trong một gia đình nào đó, có nghĩa là một sinh vật hẳn hoi, thì chẳng biết Đảng đực hay cái. Đảng không có chim, cũng không có bướm, vậy mà trong 85 năm, Đảng sinh ra đến hàng triệu đảng viên. Đảng hơn cả mẹ Âu Cơ, sinh đẻ cứ như cua, cá. Mà cua cá thì anh cứ việc xơi, chứ đảng viên, đụng vào là bỏ mẹ.
Trong số hàng triệu đảng viên, có nhiều người cùng tuổi với Đảng. Nghĩa là Đảng mới chào đời đã kịp sinh con, như cụ bà Phạm Thị Trinh, cũng đã 85 tuổi Đảng (101 tuổi đời). Đảng thì lớn mạnh vẻ vang, còn cụ thì tù đày bầm giập. Cùng tuổi với Đảng nhưng chẳng được ai chúc mừng, kể cả con cháu.
Vậy thì Đảng là cái gì mà mọi nhà đều phải treo cờ? Đến nỗi, hơn 50 năm trước, Trần Dần phải kêu lên: Tôi bước đi không thấy phố không thấy nhà/ chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ. Lá cờ mà sau đó ông gọi là lá cờ trừ ma.
Khi tôi cạo mặt ráy tai xong, ra về, cũng chưa thấy cờ như thời Trần Dần, cũng chẳng thấy ai tới hạch hỏi “người ta đổ xương máu để có được cây cờ, chỉ có mỗi một việc treo lên mà không treo, phản động à?” như hồi 75.
Bật TV, thấy Tổng bí thư đọc lê thê một bài mừng Đảng giữa một hội trường to rộng, trước những đảng viên ưu tú, áo quần sang trọng tinh tươm, nhưng người đọc thì giọng buồn mệt mỏi, người nghe thì mặt cứ trơ ra, chẳng một chút xúc động cứ như những tượng sáp.
Người ta bảo Đảng bây giờ cũng như cái xác trong lăng kia, chỉ chờ ngày chôn thôi. Tôi thì tôi không dám tin như vậy. Chẳng những thế tôi còn đâm ra sợ Đảng như nhân vật của Kafka, có thể đang hoá thân thành một con gì đó hơn cả con sâu. Bởi thế, cứ tới ngày sinh của Đảng thì tôi (và 85 triệu người không Đảng) lại buồn. Còn buồn hơn chiều chủ nhật buồn nằm trong căn gác đìu hiu!
KD, 02/2/2015
Tình người trên đất Mỹ
Ông James Robertson, một người Mỹ da đen nghèo, suốt 10 năm qua đã phải đi bộ mỗi ngày 21 miles (34 km) từ nhà ở Detroit đến sở làm ở Rochester Hills, rồi phải đi bộ 21 miles (34 km) từ sở làm để về nhà, vì chiếc xe Honda 1988 của ông bị hỏng cách đây 10 năm nhưng ông không có tiền sửa chữa.
James Robertson suốt 10 năm qua đã phải đi bộ mỗi ngày 21 miles (34 km) từ nhà ở Detroit đến sở làm ở Rochester Hills, rồi phải đi bộ 21 miles (34 km) từ sở làm để về nhà, nguồntelegraph.co.uk
Cách đây một năm rưỡi, ông Blake Pollock, một người Mỹ da trắng, nhân viên ngân hàng, thấy thảm cảnh ấy, bèn rủ lòng thương, dừng xe lại để chở giùm cho ông James Robertson đến sở. Thế rồi, ông Blake Pollock kể lại câu chuyện ấy cho báo Detroit Free Press. Tờ báo liền đăng câu chuyện ấy lên trang báo Chủ Nhật.
Câu chuyện người đàn ông da đen nghèo hàng ngày phải đi bộ 21 miles (34 km) từ nhà đến sở và đi bộ 21 miles (34 km) từ sở về nhà đã gây cảm động trên khắp nước Mỹ.
Anh Evan Leedy, một sinh viên da trắng ở Đại Học Wayne State, vì lòng thương người, đã tự ý đứng ra thành lập một quỹ cứu trợ gọi là GoFundMe để kiếm $5,000 giúp cho ông James Robertson mua một chiếc xe cũ.
Thật bất ngờ, vì được quá nhiều người hảo tâm đóng góp, quỹ này đã đạt đến số tiền hơn $315,000!!!
Thế rồi, thay vì bán một chiếc xe cho ông James Robertson, tiệm Suburban Ford ở Sterling Heights lại quyết định tặng cho ông một chiếc xe Ford mới toanh theo sở thích của ông. Ông James Robertson nói ông muốn có một chiếc Ford Taurus, vì ông “nhớ lại chiếc xe Taurus trong những năm 80.” Ông nói: “Nó không hề hào nhoáng chút nào cả, nhưng cũng giống như tôi, nó có một trái tim mạnh mẽ ở bên trong.”
Ông James Robertson không thể tưởng tượng nổi chiếc xe Ford Taurus đời bây giờ rất là tân kỳ, đến nỗi khi thấy chiếc Ford Taurus mới toanh trong tiệm Suburban Ford, ông lấy làm kinh ngạc vì nó có chìa khoá điện tử.
Sáng Thứ Sáu vừa qua, khi ông James Robertson bước vào tiệm Suburban Ford để nhận chiếc xe Ford Taurus mới toanh, ông được mọi người vỗ tay chào mừng vang dội. Và khi ông bước vào ngồi trong xe, bấm nút đề, nghe tiếng máy xe bắt đầu vận chuyển, ông suýt bật khóc vì sự xúc động và lòng biết ơn.
Ông David Fischer, Jr., giám đốc tiệm Suburban Ford kể: “Ông James bắt đầu khóc, và tôi nói ‘James, ông đừng khóc, kẻo ông làm tôi khóc theo bây giờ’.”
Sinh viên Evan Leedy, người gây quỹ cho ông, nói: “Thật là ngoài sức tưởng tượng. Tôi suýt bật khóc. Mục đích của tôi là gây quỹ giúp ông James mua một chiếc xe quèn để ông ấy lái đi làm và lái về nhà. Tôi muốn gây quỹ $5,000.Thế mà ngờ đâu quỹ lại tăng nhanh đến trên 300 ngàn dollars!!!
Ông James Robertson phát biểu một cách chân thành và đầy xúc động: “Tôi xin cảm ơn tất cả những ai đã đóng góp để giúp đỡ cho tôi. Đối với tôi, các bạn là những người anh hùng có thật trên đời.”
Thế nhưng, sau 10 mười năm không lái xe, ông James Robertson không thể sử dụng chiếc xe Ford Taurus mới toanh này, dù ông còn cái bằng lái xe hoàn hảo. Một nhân viên của tiệm Suburban Ford sẽ chở ông từ nhà đến sở và dạy cho ông cách sử dụng các kỹ thuật tân kỳ. Sau khi ông đã quen lái chiếc xe mới, ông sẽ tự lái một mình.
Ông nói: “Bất cứ khi nào tôi bước vào chiếc xe này, nó sẽ nhắc tôi nhớ lại những ngày gian khổ ấy cũng như cuộc sống mới của tôi kể từ hôm nay.”
Hoàng Ngọc Tuấn dịch từ “Man who walks 21 miles to work surprised with new car” trên website “myFOXDetroit.com Staff"
No comments:
Post a Comment